Hôm nay anh vào bếp

(Dân trí) - Quanh năm chuyện bếp núc là việc của vợ, vậy mà 8/3 nhiều đấng mày râu đã tự nguyện vào bếp để lấy lòng bà xã.

Năm nào cũng thế vào các dịp đặc biệt như 20/10, 8/3, sinh nhật vợ, anh Lâm (Khu tập thể Định Công, Hà Nội) lại xung phong vào bếp.

Bình thường, công việc bận rộn ngày nào cũng 8h tối mới về đến nhà nên hầu như chẳng bao giờ anh chú ý đến cơm nước gia đình. Về nhà là vào bữa, có gì ăn nấy.

Hôm nay, Lâm về sớm vòng qua phố mua bó hoa, rồi vào siêu chọn ít đồ thực phẩm. Đi hết siêu thị, Lâm mới mua đủ số nguyên liệu cần thiết cho bữa tối. Cậu con trai cũng vác giỏ chạy theo chọn hàng giúp bố.

Thằng lớn ngồi nhặt rau, bố thì tay dao tay thớt chặt thịt gà. Lâm vừa làm vừa hát, đứa con trai thắc mắc: “Hôm nay nhà mình có cỗ hả bố”....

Quân, công tác tại công ty truyền thông Ánh sáng, vui vẻ: “Hôm nay mình sẽ làm cho bà xã một điều bất ngờ. Không biết nấu ăn, nhưng mình sẽ chiêu đãi vợ con một bữa ra trò. Ai bảo con trai là không biết nấu nướng”.

Trước đó mấy ngày, Quân đã lén lút lên mạng tra thông tin, tìm hiểu cách nấu nướng thế nào, rồi in ra thành mấy bản. Ngại nhất là phải ra chợ cầm tờ giấy trên tay “tích” vào cái nào mua rồi, cái nào chưa. Bị mấy cô bán hàng trêu ghẹo, Quân đỏ cả mặt: “Sao chị nhà đâu mà anh lại ra chợ thế này. Ngày 8/3 có khác”.

Quân hăng say vừa làm vừa nhìn đọc hướng dẫn. Mâm cơm thịnh soạn đã hoàn thành, mọi người vào dùng bữa. Quân mới sực nhớ mải nấu nên quên cả cắm nồi cơm điện nhưng mùng 8/3 mà, cả nhà vui vẻ chờ món “mầm đá”.

Những sự cố xảy ra

Từ nhỏ chẳng bao giờ vào động đến xoong nồi, nhưng ngày 8/3 nào Kiên cũng nấu bữa tối để lấy lòng vợ. Hơn ba tiếng đồng hồ mướt mồ hôi trong bếp, Kiên vẫn chưa nấu xong bữa cơm. Đang lúi húi nhặt rau thì nồi nước đã trào ra, Kiên không xoay sở kịp.

Cuối cùng, mâm cơm cũng đã hoàn thành bày trên bàn. Trong khi, mấy đứa trẻ lắc đầu, Kiên vẫn tấm tắc khen ngon. Vợ không giấu nổi buồn cười: “Ông xã vào bếp trông đáng yêu thật. Thôi cả năm vào bếp nhé”. Kiên thích thú: “Chuyện, anh cái gì cũng giỏi”.

Chị Tú, vợ anh Kiên vẫn còn nhớ mãi cái vụ năm ngoái: “Anh ấy vào bếp một hôm mà mình phải dọn dẹp đến ba hôm mới xong. Lọ mì chính, hạt tiêu để lẫn lộn, rồi vết dầu bắn tung tóe khắp sàn nhà. Nhưng cũng vì thế, anh ấy mới hiểu nỗi vất vả của người nội trợ”.

Nói về chuyện trổ tài nấu nướng, Hoàng vẫn còn nhớ mãi. Hoàng xin xuống bếp giúp vợ: “Dù gì cả năm cũng chỉ có 1 ngày”. Đang ngồi xem tivi trên phòng khách, chị Mai, vợ Hoàng giật mình bởi tiếng động mạnh dưới bếp. Hoàng luống cuống thế nào tay không cầm vào cái chảo, nóng quá bỏ rơi luôn xuống đất. May mà không bị sao, chị Mai hết hồn: “Thôi anh để đó, em làm một tý là xong”.

Niềm vui 8/3

“Niềm vui lớn nhất của các bà xã là được chồng mình chia sẻ một phần nào nỗi vất vả. Nhìn các ông chồng vất vả với bếp núc, hạnh phúc như nhân lên. Những món ăn chồng nấu có thể chưa được điểm 10 nhưng cái chính là thể hiện sự quan tâm đối với vợ con”, chị Tú chia sẻ.

Còn Lâm luôn ủng hộ: “Xã hội ngày càng phát triển, người vợ càng vất vả hơn, vừa lo việc xã hội vừa đảm việc nhà. Đó là hai trách nhiệm lớn. Hơn nữa, người phụ nữ cũng phải chịu nhiều thiệt thòi nên 8/3 là cơ hội cho cánh đàn ông thể hiện sự biết ơn, tình yêu thương của mình với phái đẹp. Vào bếp chính là một cách để lấy lòng bà xã”.

DK