Hiểm họa… “nem chay”

Nhân tiện có việc sang “bên kia sông”, tôi ghé thăm gia đình cô em họ. Cả dãy phố này la liệt những tấm biển đề “Nhà nghỉ”.

Hiểm họa… “nem chay” - 1


 
Tôi hỏi: “Nhà nghỉ nhiều thế này, khách đâu ra mà họ vẫn tồn tại được nhỉ?”. Cô em tôi cười: “Ối, bác cứ ở đây đến trưa mà xem, lại chả tấp nập”. “Sao lại trưa mới tấp nập?”. “Thì khách tranh thủ giờ nghỉ trưa mà lại. Toàn Hà Nội sang, “tàu nhanh” vài tiếng rồi lại về cơ quan làm việc như thường”.

 

Tình hình có vẻ thế thật. Tôi nhớ lại chuyện hôm chị bạn gọi tôi đến nhà, chị ấy cứ ôm ngực thở hổn hển: “Em ơi... lão Nguyện nhà chị có bồ. Chúng nó có con với nhau từ đời thuở nào mà chị chẳng hề biết gì”.

 

Tôi không tin, vì từ trước đến nay, đi đâu chị cũng khoe chồng mình là người hiền lành, mẫu mực, không chơi bời, rượu chè gì, ngày nào cũng về đúng giờ chằn chặn, vì thế chị tin tưởng anh tuyệt đối. Chị tiếp: “Chị cũng đâu có ngờ. Con bồ đó làm cùng cơ quan lão ấy, hóa ra chúng toàn đi với nhau buổi trưa thôi”...

 

Những tấm biển nhà nghỉ và câu chuyện của chị bạn hình như là minh chứng cho một thực tế đang nổi cộm trong nhiều gia đình hiện đại: Vợ chồng ngày càng ít thời gian tiếp xúc, trò chuyện, giải tỏa tâm tư; mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên ngày càng trở nên lỏng lẻo; những bữa cơm trưa ở gia đình thì gần như đã biến mất; người ta thường đi ăn trưa với các đồng nghiệp, bạn bè cùng cơ quan công sở, từ đó nảy sinh nhu cầu chia sẻ, trò chuyện. Thay vì vợ chồng cần tăng cường gần gũi, tâm tình thì người ta lại đi “chia sẻ” với người ngoài.

 

Một lần tham gia diễn đàn của các bà vợ trên internet về chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem”, tôi thấy họ đề cập nhiều đến một kiểu quan hệ được gọi là “ngoại tình chay”, hay “người tình ban trưa”. Đó là những mối tình công sở xuất hiện ở những quán ăn, quán cà phê vào giờ nghỉ trưa.

 

Từ chỗ trong gia đình nảy sinh những khó khăn, mâu thuẫn, quan hệ vợ chồng trục trặc (như chồng có bồ, ham chơi, vô tâm, ích kỷ, thích nhậu nhẹt, hoặc thất nghiệp, bất mãn...), phụ nữ thường tìm đến đồng nghiệp nam (người họ tin tưởng và có đôi chút cảm tình) hoặc bạn bè thân thiết để giãi bày, tâm sự. Được an ủi và tìm thấy sự đồng cảm, đó là những yếu tố kéo họ xích lại gần và trở thành “người tình ban trưa” của nhau.

 

Kiểu ngoại tình này thường chỉ dừng lại ở việc chia sẻ buồn vui và những cử chỉ âu yếm có mức độ. Một phụ nữ tâm sự: Chồng chị rất khó tính, độc đoán gia trưởng, nguyên tắc, khô khan, coi thường vợ, chị thấy tủi thân và cô độc. Việc “ngoại tình chay” giúp chị giải tỏa, thư giãn đầu óc để khi về nhà chịu đựng và nhường nhịn chồng tốt hơn!

 

Một phụ nữ khác cũng có quan điểm tương tự: Chị không còn tình yêu với chồng, nhưng vì con cái nên không muốn ly hôn, hơn nữa chồng chị vẫn có trách nhiệm với gia đình... Chị “ăn nem chay” vì tìm thấy sự an ủi, vuốt ve âu yếm ở người đồng nghiệp mà chị không tìm thấy ở bạn đời.

 

Nhiều phụ nữ quan niệm rằng, không đi quá giới hạn thì không có lỗi với chồng, vì thế “ăn nem chay” không phải là ngoại tình. Nhưng hầu hết họ lại đồng ý rằng, từ “người tình ban trưa” chuyển thành “người tình ban đêm” là một khoảng cách rất mong manh, và chuyển địa điểm “tâm sự” từ quán cà phê sang nhà nghỉ là điều hoàn toàn có thể xảy ra!

 

Các chuyên gia tư vấn tham gia diễn đàn thì cho rằng: Những cuộc tình ban trưa vẫn dẫn đến nguy cơ tan vỡ gia đình rất cao. Bởi người vợ hoặc người chồng rất khó tha thứ khi biết người bạn đời của mình đã từng có ý đồ phản bội, dù chỉ là “ngoại tình trong tư tưởng”. Và khi bi kịch gia đình xảy ra thì người thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ.

 

Theo PNVN