Hết Tết, về quê rước… osin

Đến ngày mùng 6 Tết người giúp việc vẫn bặt tăm, nhiều bà nội trợ lâm vào khốn khổ vì thiếu người giúp việc.

 
Hết Tết, về quê rước… osin - 1


Sau kì nghỉ dài 8 ngày, vật vã với đống chiến trường của hai cậu con trai bày ra, chị Hoàng Lan (quận Ba Đình, Hà Nội) gần như mệt bã ra. Thế nên, khi ngày mùng 6 đã đến, ngày mà vợ chồng chị Lan phải đến công sở khai xuân, làm việc bình thường thì bác giúp việc vẫn mãi không thấy “tăm hơi” đâu. Gọi về quê thì chồng bác giúp việc cười hì hì: “Nhà tôi đi làm cả năm, giờ mệt quá, muốn xin nghỉ thêm vài ngày”.

 

Chị Lan gần như bị stress nặng khi nghe tin này. Chị cho biết: “Mấy ngày Tết, nhà mình đảo lộn hết lên, như bãi chiến trường, phải “huy động lực lượng toàn dân” mới tạm êm xuôi. Bà nội bà ngoại thay nhau trông. Nhưng giờ các bà cũng oải, cũng muốn đi chùa chiền chứ làm sao ở nhà trông con cho mình mãi. Giờ thì trong khi mọi người nườm nượp đi làm còn mình ở nhà trông con cho đến lúc bác giúp việc lên”.

 

Tuy nhiên, theo chị Lan, chị còn sung sướng vì ít ra còn được thấy “tương lai không quá u ám”, cùng lắm thì nghỉ thêm 1 tuần, bị sếp... ghét nhưng bác giúp việc vẫn sẽ lên. Một đồng nghiệp cùng phòng chị còn lâm vào tình cảnh đau khổ hơn. Cô bé giúp việc nhà chị này sau khi về quê nghỉ Tết thì gọi thế nào cũng không lên nữa với lí do: “Ai bảo trước Tết cháu về, cô mua cho cháu nhiều quần áo đẹp quá, về lại xinh ra nên bố mẹ cháu bảo phải ở nhà lấy chồng”.

 

Vậy là đồng nghiệp chị Lan đành ở nhà ôm con cho đến khi tìm được người giúp việc mới. Mà nhà chị này, con gái nhỏ mới có 6 tháng tuổi, việc tìm người trông em bé không phải đơn giản. Gia đình chị cũng không dám tìm qua trung tâm vì không tin tưởng.

 

Sáng ngày mùng 6 Tết, cả cơ quan anh Hoàng Minh (P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Hà Nội) được một tràng cười khi thấy vị trưởng phòng bệ vệ của mình lên cơ quan bế theo cậu con 2 tuổi. Nguyên nhân cũng chỉ vì cô giúp việc nhà anh sau khi ôm thêm cả tháng lương thưởng thứ 13 về quê đã tắt luôn điện thoại di động, không hẹn ngày trở lại.

 

Chờ đến 8h sáng ngày mùng 6 Tết, không thấy giúp việc lên, vợ làm giáo viên lại đi dạy từ sớm, anh Minh đành ngậm ngùi bế con lên khai xuân đầu năm ở cơ quan rồi gọi điện cho bà nội tức tốc ở ngoại thành đến nhà để trưa mang con về gửi bà.

 

Anh Minh than thở: “Mang lên cơ quan thế này cũng xấu hổ lắm, nhưng chả còn cách nào, chả nhẽ lại để nó ở nhà. Giờ mới thấm thía đúng là osin là number one, là ông chủ của đời mình chứ chả phải sếp ở cơ quan đâu”.

 

Trăm phương ngàn kế

 

Sau một hồi bàn bạc, gia đình chị Hoàng Lan đã quyết định ngày mùng 7, cả 2 vợ chồng tiếp tục nghỉ làm, đưa cả 2 con trai lên xe rồi cả nhà về quê bác giúp việc ở tận Quỳnh Lưu, Nghệ An để... chúc Tết và quan trọng nhất là đón bác ra. Chị Lan cho rằng “nếu mình không vào thì có khi bác ở quê chơi đến hết rằm cũng chả thèm ra. Tốt nhất vợ chồng con cái cùng về chúc Tết, biết nhà bác, lại thuyết phục bác ra luôn, may ra mùng 8 còn đi làm được”.

 

Chị Minh Anh (Dịch Vọng, Cầu Giấy) lại chia sẻ bí kíp “gọi điện về quê, nói chuyện với bố mẹ cô bé giúp việc nhà chị, nói rõ cần thế nào, hứa hẹn ra sẽ mừng tuổi to ra sao, phải thúc giục từ mùng 3, mùng 4, ngày nào cũng trường kì gọi điện về quê thì may ra giúp việc mới ra đúng hẹn”.

 

Sau Tết, các trung tâm môi giới người giúp việc lúc nào cũng đông khách. Gia đình nào bị osin “xù” không lên làm việc nữa đều tìm đến các trung tâm này như giải pháp cứu cánh.

 

Một số trung tâm hiểu rõ khó khăn này của các gia đình nên đua nhau tăng giá. Trước Tết, phí môi giới người giúp việc ở hẳn tại gia đình mới dừng ở mức 500 - 600 nghìn thì đến sau Tết, mức này đã tăng vọt lên đến 800 nghìn. Môi giới giúp việc theo giờ trước Tết có giá 200 nghìn, cận Tết là 300 nghìn và sau Tết đã tăng lên đến 400 nghìn.

 

Tại một trung tâm môi giới giúp việc ở Cầu Giấy, gọi điện đến, nhân viên rất niềm nở hẹn 15 phút sau gọi lại, báo người làm, báo giá, không lấy phí môi giới, nhưng giá giúp việc lại ở mức “trên trời”: Theo giờ là 150 nghìn còn theo ngày là 800 nghìn. Với mức gia này, nhiều gia đình lựa chọn cách “thà ở nhà ôm con còn hơn tốn tiền mà chưa chắc đã tin tưởng được”.

 

Theo một số chị em đã quá quen thuộc với chu kì “3 tháng đổi giúp việc 1 lần” thì, tìm qua các trung tâm là rất mệt mỏi vì gần như chả bao giờ có được người ưng ý. Cách tốt nhất vẫn phải nhờ mối quan hệ quen biết, tìm người tin tưởng thì mới dám giao nhà, giao con cho họ.

 

Một cách giữ chân người giúp việc mà các bà nội trợ thường khuyên nhau áp dụng là luôn giữ lại một tháng lương. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình không những không giữ lương mà thậm chí còn tăng lương, thưởng hậu, ngọt ngào đủ đường mà cuối cùng thì vẫn phải “khổ vì osin”.

 

Theo Thu Lý

VietnamNet