Bạn đọc viết

Hạnh phúc ở trong tâm

(Dân trí) - Đọc bài viết về nỗi niềm gái lớn mỗi khi Tết đến, lại động lòng cho những người đồng cảnh ngộ với mình. Tự dưng tôi đâm sợ về nhà, sợ ánh mắt mẹ lúc nào cũng ngân ngấn nước như chỉ chờ con về để rơi. Vẫn là một lý do: Chưa lấy chồng!

Bản thân tôi sợ nhiều thứ khách quan tác động đến tính cả nghĩ của bố mẹ, chứ hoàn toàn không sợ từ chủ quan mình khi nỗi cô đơn xâm lấn. Tôi biết mình cần cái gì.

 

Hạnh phúc ở trong tâm - 1
 

Hàng xóm ra vào hỏi thăm, dường như đã vượt quá sự quan tâm của người với người, trở thành một ức chế với người nhận. Sự quan tâm chứa sự nhẫn tâm, khoét sâu vào nỗi buồn lo của người khác.

 

Tôi cũng có một thời đam mê của tuổi trẻ. Rồi tình yêu không được như mong đợi, một người rẽ sang một lối khác, để lại một người với những khắc khoải, băn khoăn. Như "chim sợ cành cong" tôi chưa sẵn sàng để bắt đầu lại với một người khác. Ai nấy đều lo thay, nghĩ hộ, thương tôi ba mươi tuổi đầu vẫn vô định chưa có bến để dừng.  

 

Mẹ lúc thủ thỉ khuyên răn, khi trách móc, hờn dỗi. Tôi cố cười trêu: "Con sẽ ở vậy chăm bố mẹ". Mẹ buồn bã hắt tay tôi ra khẽ gắt: "Ở vậy có như cô Mùi nhà này không? Gần năm mươi tuổi đầu vẫn chưa trót đời, lấy một ông goá, rồi nuôi con nuôi cả cháu người ta. Đến phận mình thì đám người kia có coi như đứa giúp việc trả lương cho chủ không? Cứ một thân một mình thế, bố mẹ chết chẳng nhắm mắt". Mẹ nói đến đó thì gương mặt tôi cũng đã nhòa đi vì nước mắt.

 

Nhớ ngày đi học chúng tôi còn tinh nghịch nói với thầy giáo dạy Văn: "Chúng em ở giá cho khỏe". Thầy nghiêm mặt: "Như thế là bất hiếu, là có lỗi lớn với mẹ cha". Ngày ấy chúng tôi ngây ngô không hiểu, giờ tôi đã biết vì sao. Tôi muốn dành thời gian nói chuyện thật kỹ, trải rõ lòng mình với bố mẹ, phân tích cho mọi người hiểu con đường tôi đang đi, nhưng tôi không biết nên bắt đầu ra sao.  

 

Tôi không kén chọn, nhưng cái tôi cần là tấm lòng chân thành thì hình như trừu tượng quá nên hiếm khi tôi gặp được người đó. Mà chấp nhận sống "đồng sàng dị mộng" thì quả thực tôi lạnh sống lưng và chưa dám nghĩ tới. Có quá nhiều tấm gương những gia đình, quá nhiều nỗi buồn phiền của các bà vợ khiến tôi chạnh lòng. Không thiếu những bà vợ có chồng đuề huề mà vẫn không tránh khỏi tình cảnh "nuôi con một mình".

 

Trớ trêu thay, định kiến xã hội vẫn còn tồn tại gây nhiều suy nghĩ nặng nề. Lề lối phép tắc thì phải nhớ đi về bên phải.  

 

Không ai thương, hiểu mình bằng chính mình và tôi tự biết như thế nào thì tốt, như thế nào là thoải mái cho bản thân nhất. Tôi thích thú với cuộc sống thế này, tôi tin mình có đủ nghị lực để luôn yêu đời, yêu sự lựa chọn ấy.

 

Tôi cũng hi vọng mọi người sẽ có cái nhìn khách quan và đa chiều hơn về một người phụ nữ độc thân, hay một bà mẹ đơn thân nuôi con. Họ cũng có những buổi đầu khó khăn buồn tủi như các bà nội trợ khác, và cũng có bao niềm vui, niềm hạnh phúc riêng. Trộm nghĩ như thế là đủ.

 

Có người nói: "Không ai đi so sánh hạnh phúc của ông Vua với hạnh phúc của một tên ăn mày". Bởi hạnh phúc do mỗi người cảm nhận khác nhau. Chắc gì một người gia đình giàu có, chồng con đủ cả đã sung sướng hơn một người chọn cho mình cuộc sống độc thân. Đó là cách họ sống cho mình, không liên quan đến ai, vì thế càng không nên can thiệp.

 

Chuẩn mực xã hội là của chung, áp dụng cho hầu hết mọi người nhưng mỗi cá nhân lại có những sáng tạo riêng, tự mang đến cho mình nụ cười, niềm vui, mong giúp cuộc sống phong phú, đa sắc màu hơn. Đừng để mỗi câu hỏi thăm, quan tâm trở thành nỗi ám ảnh và ác cảm của ai đó.

 

Triệu San