Gỡ được “tảng đá” trong tim khi tha thứ cho vợ ngoại tình

Trong muôn mặt của đời sống, khi bị ai đó làm tổn thương, có người tuyên bố: “Tôi không thể tha thứ được cho anh”, hay “cô không đáng được tha thứ”. Họ không hay biết rằng, tha thứ không phải là ban ân huệ cho người khác mà chính là ban hồng ân cho chính mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gia đình suýt tan vỡ khi có vợ ngoại tình

Anh Hạo, 37 tuổi ở Bình Dương đã từng trải qua một quãng thời gian hết sức bế tắc và đau khổ vì có vợ ngoại tình. Anh Hạo làm nghề chụp ảnh, còn chị Chi vợ anh chỉ ở nhà nội trợ. Anh Hạo rất yêu vợ, không ngoại tình bồ bịch nhưng cuối cùng vợ anh lại phản bội anh. Chị Chi cặp bồ với một vị bác sĩ đến mức say mê, mụ mị, chỉ muốn ly dị chồng để đến với người đàn ông đó.

Chị Chi là một người phụ nữ rất đẹp, sống tình cảm và có phần lãng mạn. Chị Chi thích nghệ thuật, đam mê thơ phú. Anh Hạo là một người yêu chiều vợ, thương con. Trong mắt anh, vợ lúc nào cũng ngố đáng yêu. Nhưng có một điều lạ là mặc dù rất yêu vợ nhưng anh Hạo lại ít khi thể hiện tình yêu đó ra bằng lời hay những việc làm cụ thể khác như tặng quà, đưa vợ đi xem phim, hãnh diện giới thiệu vợ với bạn bè… Trong quan điểm suy nghĩ của anh, đã là vợ chồng thì không cần phải làm những việc khách sáo như thế. Yêu là muốn sống tốt cho nhau. Cách sống tốt theo anh đó là không tệ nạn, không bồ bịch, một lòng chung thủy với vợ và kiếm tiền để lo tốt nhất đời sống của vợ con.

Trong khi anh Hạo không thích thể hiện tình yêu của mình thì chị Chi lại có nhu cầu cao về điều đó. Đó chính là khởi nguồn của bi kịch trong mối quan hệ vợ chồng của họ. Sau khi phát hiện việc vợ mình ngoại tình, anh Hạo vô cùng đau khổ nên đã tìm đến chùa Giác Ngộ (TP HCM) để được sư thầy trấn an, tư vấn. Nhờ sự tác động của nhà sư, anh Hạo mới hiểu ra rằng, vợ anh vì thèm khát tình cảm nên đã sa ngã bởi những lời có cánh của vị bác sĩ. Vợ anh Hạo nói với sư thầy rằng, anh Hạo là một người khô khan, cục cằn, hay chê bai vợ. Chị cảm thấy mình không có giá trị gì trong mắt chồng. Do vậy khi gặp vị bác sĩ, được người đó nhắn nhủ lời đắm say, chị Chi như được hồi sinh. Con tim yêu vì thế lại đập dồn dập trở lại. Chị Chi sẵn sàng bỏ gia đình để đi theo tiếng gọi tình yêu. Trước khi anh Hạo đến chùa gặp sư thầy thì vợ chồng họ đã trải qua những tháng ngày như địa ngục. Anh Hạo dằn hắt, chửi bới thậm chí đánh đập, bạo hành tình dục vợ nhưng nhất quyết không ký vào đơn ly hôn. Anh luôn nói với chị rằng: “Cả một đời tôi hết lòng với cô, thế mà cô đã phản bội, đã làm nhục tôi. Tôi sẽ cho cô sống dở, chết dở cho đến hết cuộc đời”. Nhờ sự tác động của sư thầy, anh Hạo đã nhận ra bản thân mình trong câu chuyện ngoại tình của vợ. Và người vợ cũng đã nhận ra sự mơ hồ khi chạy theo ảo ảnh của mình. Cuối cùng vợ chồng anh Hạo đã nối kết lại được sợi dây tình cảm. Để làm được điều đó, bản thân anh Hạo là người thay đổi nhiều nhất. Anh trở nên bao dung và độ lượng trước lỗi lầm của vợ mình. Tha thứ cho lỗi lầm của vợ đã giúp anh trút được gánh nặng trong tâm hồn, như gỡ bỏ được tảng đá đeo đẳng trong tim bấy lâu.

Tha thứ có sức mạnh cứu rỗi chính mình

Trong trang web Thư viện Hoa sen của Phật Giáo Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Tiến cho rằng, sẽ là khó khăn để quên đi những chuyện không vui xảy ra trong quá khứ, tuy nhiên nó là bước quan trọng giúp cho mỗi người khỏe mạnh. Bởi tha thứ có tác dụng giúp chữa lành vết thương cũng như “căn bệnh” ở mỗi người. Không chỉ trong tình yêu, trong mối quan hệ vợ chồng mà dường như trong tất cả mọi mối quan hệ đều cần đến sự tha thứ. “Một mối tình xưa cũ đã làm tan vỡ trái tim của bạn. Anh chị của bạn đã chỉ trích kỹ năng làm bố mẹ của bạn. Một người bạn đã phản bội bạn. Tha thứ cho những người đã làm tổn thương bạn, không phải là một điều dễ dàng; bởi vì, những cảm xúc phức tạp mà bạn đang chịu đựng đã cắm rễ rất sâu. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, tha thứ là sự chọn lựa đúng đắn nhất, không phải để giúp ích cho người khác, mà là để giúp cho chính bạn. Có thể bạn cảm thấy khái niệm này là một sự rắc rối. Tha thứ có nghĩa là để cho người kia không còn phải chịu trách nhiệm về việc làm sai quấy của họ, có đúng không? Chúng ta chấp nhận việc làm sai quấy của họ, để cho họ cảm thấy vui hơn? Điều này cũng có thể là như thế. Tuy nhiên, tha thứ cũng có nghĩa là quyết định để lại phía sau lưng, những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng không có nghĩa là chấp nhận và cho phép, cũng không có nghĩa là biện hộ, cũng không có nghĩa là quên đi những gì đã xảy ra, tuy nhiên, cuối cùng bạn cho phép mình được giải thoát ra khỏi cái kềm kẹp tinh thần từ thời quá khứ, kéo dài cho tới bây giờ”, tác giả Nguyễn Văn Tiến viết.

Theo các chuyên gia, tha thứ vừa là một giá trị sống, vừa là một kỹ năng sống - kỹ năng đồng cảm. Tha thứ chính là cởi trói cho chính mình. Tuy nhiên, tha thứ cho người gây tổn thương hay phản bội mình là một trong những điều khó nhất trong cuộc sống. Bởi vậy học cách tha thứ là điều vô cùng cần thiết nếu như chúng ta muốn hàn gắn lại mối quan hệ, hoặc chỉ đơn giản là chúng ta muốn quên đi quá khứ và bước tiếp trong cuộc sống. Để có thể tha thứ được cho lỗi lầm của người khác, các chuyên gia đưa ra những bước cụ thể như sau:

Thay đổi quan điểm của bản thân theo cách: Buông bỏ oán giận, xem xét bức tranh tổng quát hơn, nghĩ về mặt tốt trong mối quan hệ đó, nói chuyện với ai đó về hoàn cảnh của mình, để thời gian trôi qua.

Nói chuyện với người kia bằng cách: Suy nghĩ trước khi nói, bộc lộ cảm xúc của bản thân, lắng nghe câu chuyện của họ, thể hiện sự cảm thông

Bỏ qua và tiếp tục cuộc sống theo cách: Dành thời gian xa nhau nếu thấy cần, thực hiện từng bước nhỏ để hàn gắn mối quan hệ của bạn, buông bỏ quá khứ, quyết định xem bạn có thể hoàn toàn tha thứ và bước tiếp hay không, tha thứ và yêu thương bản thân.

Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội