Giao tiếp đầu đời

(Dân trí) - Ngôn ngữ có được từ việc trò chuyện giữa người này với người kia, từ tranh ảnh, sách báo, tivi, phim ảnh, hay âm nhạc. Còn đối với trẻ, ngôn ngữ trực tiếp từ cha mẹ là cách tốt nhất giúp bé học giao tiếp.

“Ngôn ngữ” đầu tiên

 

Khóc chính là hình thức giao tiếp sơ khai nhất. Hầu hết cha mẹ cảm thấy không yên lòng khi nghe con khóc, nhất là khi bé khóc lâu mà không rõ nguyên nhân.

 

Về phía bé, tiếng khóc giúp bé báo hiệu với mọi người sự hiện diện của mình. Hơn thế, nhờ tiếng khóc, bé có thể thể hiện mình như kêu đói hay báo với cha mẹ là bé mệt.

 

Bên cạnh tiếng khóc, từ lúc mới sinh, bé cũng đã biết giao tiếp bằng “cửa sổ tâm hồn”. Trẻ thường nhìn lên khuôn mặt và tập trung vào đôi mắt của người giao tiếp với mình. Khi bé đưa mắt ra hướng khác thì có thể đó là lúc bé đang thấy “khó ở”.

 

Hay nếu muốn thể hiện “mẹ ơi con no rồi”, bé sẽ nhả núm vú hoặc trườn người ra khỏi mẹ mà không nhìn mẹ chăm chú như bình thường nữa. 

 

Được khoảng 2 tháng, bé bắt đầu biết cười. Trước đó bạn đã có thể thấy miệng bé chúm chím, điểm khác biệt là giờ bé còn biết cười bằng mắt mỗi sáng tỉnh giấc hay khi muốn nói chuyện.

 

Khoảng thời gian này bé cũng sẽ bắt đầu “ồn ào” hơn bằng những tiếng ọ oẹ. Nếu để ý, bạn sẽ thấy cách mà bé chuyển động đôi môi thật dễ thương mỗi khi cố gắng phát ra âm thanh như để thu hút mọi người xung quanh.

 

Lên tới 3 tháng, bé gần như không còn khóc để gây sự chú ý mà cố gắng phát ra âm thanh, đặc biệt là khi đánh tiếng mình đã thức giấc.

 

Tới tháng thứ 8, bé bắt đầu biết kết hợp những âm thanh đơn giản có phụ âm đứng trước nguyên âm như “ma”, “đa”, “ga”…Bé cũng bắt đầu phát ra nhiều âm môi và họng. 

 

Đến khoảng 12 tháng, bé có thể hiểu được một số âm nhất định. Được dạy nói, trẻ bắt đầu nói được vài từ đơn giản. Đến giai đoạn này, trẻ rất thích “hóng” chuyện, nói theo hay nhún nhảy theo tiếng nhạc.

 

Nhìn chung, ngôn ngữ giao tiếp giai đoạn này phong phú hơn như: khóc, chỉ tay, mỉm cười, có lúc cười to thành tiếng… Nếu được dạy, bé sẽ biết vẫy tay tạm biệt hay tập vỗ tay.

 

Khi chập chững biết đi

 

Đây là giai đoạn trẻ được 2 đến 3 tuổi. Trẻ đã biết bập bẹ nói nhưng âm chưa tròn. Thay vì quá tập trung uốn nắn những từ mà trẻ nói chưa đúng, cha mẹ nên cố gắng lắng nghe những điều bé nói. 

 

Khi có một lượng từ nhất định, bé sẽ bắt đầu có ý thức hơn trong cách ghép những từ mình biết để diễn đạt một ý hoàn chỉnh hơn. 

 

Một số cách khuyến khích trẻ tập nói

 

- Nói chuyện nhiều với trẻ trong không khí thật vui tươi

 

- Lắng nghe những gì trẻ muốn nói

 

- Dành thời gian cho trẻ đáp lại trong quá trình trò chuyện

 

- Dùng câu đơn giản khi nói chuyện với trẻ

 

- Dùng cử chỉ cũng như biểu lộ sắc thái khi trò chuyện

 

- Nhắc lại những gì đã dạy để trẻ tạo thói quen

 

- Không ngừng khen khi trẻ nỗ lực học nói

 

- Luôn vui đùa với trẻ mỗi khi có thể

 

- Cho phép trẻ được giúp đỡ cha mẹ những việc vừa sức

 

- Cho trẻ xem sách và đọc sách cho trẻ nghe hàng ngày

 

- Hát cho trẻ nghe

 

- Kể chuyện cũng như cho trẻ thường xuyên nghe nhạc  

 

Đ.M.P

Theo Women’s Weekly Magazine