Giận nhau có thích không?

(Dân trí) - Trẻ con đúng là có khả năng quan sát rất đặc biệt. Vừa bước chân về đến nhà, nhìn thái độ của bố mẹ, con đã hỏi tôi: “Bố mẹ lại giận nhau à? Giận nhau có thích không mà giận nhau suốt thế hả mẹ?”.

Giận nhau có thích không? - 1

Cả tôi và chồng tôi dù đang cố tỏ ra mặt lạnh với nhau cũng phì cười vì câu hỏi của con. Nói giận nhau thì cũng không hẳn, chỉ là đôi khi nói qua nói lại một chuyện gì đó nhưng lại không đồng quan điểm thành ra không thèm nói chuyện với nhau nữa. Những câu hỏi của con trẻ tưởng rằng rất buồn cười nhưng lại làm chính người lớn phải suy nghĩ: Giận người khác có khiến mình cảm thấy vui thích không?

Hồi tôi còn nhỏ, bạn bè thường chơi nhóm. Và trong nhóm đôi khi một vài người vẫn có những xích mích, cãi nhau và giận nhau diễn ra như cơm bữa. Mỗi lần giận bạn, tôi thường tách nhóm chơi một mình, dù là mình chủ động vẫn có cảm giác như mình bị xa lánh, bị bỏ rơi, hết sức cô độc. Nhưng trẻ con dễ giận cũng dễ làm hòa, đôi khi chỉ là một viên kẹo nhỏ, đôi khi chơi trò vui quá thành ra quên mình và bạn đang giận nhau, vậy là hòa cả làng.

Lớn lên, biết yêu, bao lần giận dỗi chỉ vì những lí do rất nhỏ nhặt. Đôi khi chỉ là một câu nói hớ hênh, đôi khi chỉ là một cử chỉ vô tình cũng khiến mình cảm thấy khó chịu, bất mãn. Mặc dù người thương đã xin lỗi vẫn nhất quyết không chịu bỏ qua ngay. Những ngày giận nhau, thời gian như trôi chậm hơn thường ngày, dài lê thê và buồn chán. Đôi khi tự mình suy ra đủ thứ, rồi buồn thêm, rồi lại khóc nhiều.

Khi kết hôn rồi, chuyện vợ chồng cãi nhau, giận nhau càng không tránh khỏi. Hai con người xa lạ, chỉ có tình yêu làm điểm chung, còn cách sống, tính cách và suy nghĩ không thể hoàn toàn tương đồng. Những lúc giận chồng, tôi thường không nói năng gì cả. Không khí lạnh lùng đến cô con gái 4 tuổi của tôi cũng có thể nhận ra. Những lúc như thế con tôi thường bảo: Mẹ đừng “ cắt” bố nữa, mẹ “mở” cho bố đi. Đó là hai từ con tôi thường dùng. Ví như những lúc tôi quát nạt con hay không làm gì theo đúng ý con, con sẽ bảo “cắt mẹ, không chơi với mẹ nữa”. Nhưng một chút thôi, con sẽ lại bảo “con mở cho mẹ rồi”. Trẻ con, ngay cả giận cũng dễ dàng và đáng yêu như thế.

Phụ nữ hay giận thì rõ rồi, nhưng có một số đấng nam nhi cũng rất hay giận dỗi. Cô bạn tôi có một người bạn trai, cứ hở ra tý là làm mặt lạnh. Khi yêu, giận nhau cũng góp phần làm cho tình yêu thêm phần thi vị, nhưng động tý là giận, hở ra là giận thì đúng là một cực hình. Bạn tôi lúc đầu cũng cho là mình sai nên nhiều lần nhẫn nại xin lỗi, nhưng rồi cuối cùng đành buông tay bỏ cuộc. Bởi như bạn nói, yêu là làm cho nhau vui, thoải mái và hạnh phúc chứ không phải khiến cho nhau mệt mỏi.

Giận một ai đó, thực sự là một điều cực kì mệt mỏi. Dù rằng, sống bao dung quả thật không phải là điều dễ dàng. Những bon chen, những va vấp thường ngày đôi khi khiến chúng ta hiểu nhầm nhau, trách móc nhau, căm ghét nhau. Sự bực bội, tổn thương mà chúng ta gây ra hoặc chúng ta phải chịu đựng, dù cố tình hay vô tình luôn là một gánh nặng không dễ gì rũ bỏ.

Tôi nhớ mình đã đọc ở đâu đó một câu chuyện như thế này, câu chuyện của những củ khoai tây: Một hôm, ở một lớp học nọ, thầy giáo yêu cầu học sinh mỗi khi không thể tha thứ lỗi lầm cho một ai đó, hãy viết tên người đó lên củ khoai tây rồi bỏ vào một cái túi. Thầy giáo còn yêu cầu các bạn nhỏ phải mang cái túi đó bên mình dù là đi đâu, kể cả khi ngủ, khi ăn, khi đến trường. Một số bạn trong túi chỉ có vài củ khoai tây thôi thì việc đó rất nhẹ nhàng. Nhưng một số bạn khác thì thấy rõ sự phiền phức khi cái túi của mình quá nặng vì có quá nhiều củ khoai tây trong đó. Thù hận, trách giận người khác cũng giống như việc ta phải mang một túi khoai tây bên mình mỗi ngày. Càng giận nhiều, càng nặng nề và khó chịu.

Tất nhiên, bỏ qua lỗi lầm của người khác không phải là việc muốn làm là làm ngay được, nhất là với những vết thương lòng hay những tổn thương sâu sắc. Nhưng, cho người khác cơ hội cũng chính là cho mình một cơ hội, để sau mỗi lần giận dỗi có thể hiểu nhau hơn, “giận nhau để thương nhau nhiều hơn” chứ không phải là tạo nên một rào cản để càng ngày càng trở nên xa cách. Cũng có đôi khi, tha thứ không phải là để xích lại gần nhau, mà chỉ đơn giản là làm cho bản thân cảm thấy nhẹ lòng.

Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã từng viết: “Làm anh buồn em có vui đâu”. Người Hàn Quốc cũng có câu: “Làm người khác khóc thì bản thân mình cũng chảy nước mắt bằng máu”. Ăn năn, chính là cách mà người mắc lỗi đã tự trừng phạt mình rồi, vậy thì giận nhau nhiều để làm gì khi chính điều đó cũng khiến lòng ta trĩu nặng. Nếu muốn hả hê một lúc thì cứ trách phạt nhau đi, còn nếu muốn yên vui dài lâu thì có lẽ nên rộng lòng tha thứ..

Lê Giang