“Giải hạn” sau World Cup

Bữa cơm chiều ngày 12/7/2010 khác hẳn ngày thường, đặc biệt có 2 món rất tuyệt vời đó là bào ngư xào hành tây và bia Mexico.

 
“Giải hạn” sau World Cup  - 1


Bào ngư người châu Âu gọi là sâm trắng. Với đàn ông, nó còn hơn tất cả các loại sâm của Hàn Quốc, vì nó cực kỳ giàu đạm và có tác dụng bổ dương rất mạnh. Bia Mexico thơm, đậm đà và gây hưng phấn mạnh mẽ. Ở cái xứ sở mà mỗi người đàn bà là một ngọn núi lửa ấy thì đương nhiên phải có loại bia này. Cả hai món đặc sản đều đắt tiền và không dễ mua, phải là người giỏi nội trợ và hiểu thị trường đặc sản mới mua được.

 

Giang rót bia ra và chạm cốc với chồng: “Ăn mừng trận chung kết”. Dương nhìn vợ, thoáng một chút ngạc nhiên. “Bất ngờ quá! Vì em có mê bóng đá đâu”. Giang cười rất tươi, đưa ánh mắt tình tứ về phía chồng. “Rạng sáng hôm nay hàng triệu người dân Tây Ban Nha đã đổ ra đường, trong đó có rất nhiều phụ nữ và nhiều người trong số họ cũng không hề mê bóng đá như em nhưng họ vẫn ăn mừng trận chung kết. Vợ anh cũng là đàn bà và cũng vui vì trận chung kết như các bà vợ ở Tây Ban Nha thôi”.

 

Một tháng ăn bóng đá, ngủ bóng đá đối với các bà vợ là một tháng bị “bỏ đói”. Lịch thi đấu World Cup 2010 rất oái oăm. Đúng lúc các cặp vợ chồng cần lên giường nằm “tâm sự” thì trận thứ nhất nổ ra. Khoảng hơn 23 giờ trận một mới kết thúc. Rồi 1 giờ 30 phút lại tiếp trận thứ hai kéo dài cho tới 4 giờ sáng.

 

Trong đời sống vợ chồng người ta thường xài hai bữa mỗi ngày, bữa tối tầm 9 - 10 giờ đêm và bữa 4 - 5 giờ sáng. Nhưng lịch thi đấu World Cup Nam Phi lại trùng vào giờ vàng của các cặp vợ chồng. Chồng họ cứ dán mắt vào quả bóng tròn và bỏ quên tất cả.

 

Hình như sáng nay, sau trận chung kết Tây Ban Nha - Hà Lan, chồng Giang mới chợt nhớ tới “nhiệm vụ”. Anh không ngủ bù rồi nhịn đói đi làm muộn như mọi hôm mà 6 giờ 30 phút đã dậy, đánh răng rửa mặt rồi đưa vợ đi ăn sáng. Anh tự xếp hàng ở quầy phở, bê bát phở gầu bò đưa tới tận tay cho vợ, lại còn cẩn thận vắt vào bát của vợ 1/4 quả chanh tươi và cho thêm vào bát phở một tí tương ớt.

 

Buổi trưa, chồng Giang gọi điện thoại tới: “Em ơi! Trời nắng nóng khủng khiếp, nhiệt độ ngoài đường tới 43độ cơ nên em đừng đi ăn trưa. Anh đã gọi một suất cơm trưa ở nhà hàng Sư Tử cho em rồi. Em cứ ngồi yên trong phòng lạnh rồi sẽ có người mang cơm đến, có món canh rau ngót nấu với thịt băm và món gà rang muối mà em rất thích”.

 

Khi các bạn đồng nghiệp rủ Giang đi ăn cơm thì cô từ chối với giọng hơi khoe khoang: “Các cậu cứ đi ăn đi. Chồng tớ đã gọi một suất cơm trưa ở nhà hàng Sư Tử rồi, vì anh ấy sợ tớ ra đường nóng quá”. Một cô bạn reo lên: “Quá tuyệt vời. Cơm nhà hàng Sư Tử ngon lắm. Chồng cậu number one. Thế mới là chồng chứ”.

 

Qua sự chăm sóc của chồng, Giang biết thế là cuộc sống vợ chồng đã trở lại bình thường, sau một tháng bị lãng quên vì bóng đá. Đỉnh cao của sinh hoạt vợ chồng không phải bắt đầu từ khi hai người lên giường mà phải bắt đầu ngay từ buổi sáng sớm. Suốt ngày vợ chồng phải luôn nghĩ đến nhau, quan tâm chăm sóc nhau. Sự quan tâm đó gây men cho tình yêu và họ nuôi giữ thứ men say đó cho tới lúc ân ái. Mọi sự thờ ơ, lạnh nhạt đều có thể xua tan hết chất men say của tình yêu và như thế thì dù trong đêm có cố gắng đến mấy cũng không thể đưa nhau lên tới đỉnh.

 

Giang biết hôm nay cần ăn mừng trận chung kết, ăn mừng một tháng trái bóng tròn đã kết thúc. Vả lại cũng cần phải bồi dưỡng cho chồng, vì một tháng thức với bóng đá chồng cô cũng gầy đi trông thấy.  Sau khi ăn trái cây, Giang pha cho chồng một phin café đen, có thêm mấy hạt muối tinh để chồng giữ được sự tỉnh táo. Mãi tới khi xem hết chương trình phim truyện trên kênh HBO, họ mới cùng nhau vào phòng tắm.

 

Đây là công đoạn cực kỳ quan trọng, vì nó tình cảm nhất, khêu gợi nhất. Cả hai vào phòng ngủ, thơm ngát và đầy hưng phấn. Họ hòa vào nhau. Cô hôn khẽ má chồng, nói trong hơi thở gấp: “Chao ơi là cơn mưa giải hạn. Em lên đến tận chín tầng mây rồi, thêm tí nữa là ngất”. Dương hôn vợ: “Anh cám ơn vợ đã biết nhịn đói nhịn khát vì chồng mê bóng đá. Chẳng trách mà những người sở hữu hai quả “bóng bầu dục” đa số đều ghét quả bóng tròn”.

 

Theo Nhà văn Hoàng Hữu Các

Gia đình & Xã hội