“Giấc mơ đổi đời”!

Để lọt vào “hang ổ” của đường dây môi giới hôn nhân trái phép tại TPHCM và một số tỉnh ĐBSCL do bà H. đứng đầu, tôi đã tìm đến nhà T. - một cô gái xinh đẹp sống tại Cần Thơ vừa “trúng tuyển” trong đợt chọn cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc.

 

Gian nan đường vào “tổ quỷ”

 

 
“Giấc mơ đổi đời”! - 1

Nơi tác hợp hôn nhân “chớp nhoáng” cho các cô dâu Việt và chú rể Hàn.

 

Hôm tôi đến nhà, với vẻ mặt hoan hỉ, T. khoe: “Chị vừa mới đăng ký kết hôn. Hai tuần nữa, chị sẽ theo chồng về Hàn Quốc. Chồng chị là công nhân và đã vài lần về quê thăm gia đình chị. Căn nhà này vừa được sửa lại nhờ tiền chồng chị cho đó. Anh ấy là người hiền lành và lịch sự hơn những ông chồng Đài Loan mà mấy đứa em họ chị đã lấy. Anh ấy còn hứa khi qua Hàn sẽ lo cho chị vào làm cùng công ty”. 

 

Đặt ly nước xuống bàn, T. nói như mách nước: “Cần Thơ có rất nhiều chỗ mai mối lấy chồng nước ngoài nhưng cũng có chỗ được chỗ không. Nghe hoàn cảnh của em khó khăn, chị sẽ bày cách để em tìm gặp người chắc chắn sẽ giúp được em. Đó là má H. ở trên Sài Gòn. Nhưng trước khi lên được nhà má H., em phải đến gặp bà Ba - một người chuyên xét tuyển các cô gái dưới quê đưa lên Sài Gòn. À! Khi gặp bà Ba, em nhớ phải tỏ ra hiền lành và có học thức đó nha. Vì chồng Hàn nó thích vợ hiền lắm”.

 

Theo lời T., tôi tìm đến nhà bà Ba ở trong khu vực xa hút của quận Bình Thủy, nằm cách thành phố Cần Thơ khoảng trên 10km. Sau ba lần ra vào tìm kiếm tôi mới gặp được người đàn bà nổi tiếng mát tay trong việc “se duyên” các cô dâu Việt với chú rể Hàn và kiếm được rất nhiều tiền sau mỗi “phi vụ”.

 

Bà Ba trạc tuổi 60, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt đanh lại và có giọng nói rất to. Tiếng là như vậy nhưng khi quan sát, tôi thấy nhà bà chỉ là nhà tranh vách lá, đồ đạc không có gì đáng giá. Vậy mà khi vừa giáp mặt tôi, bà Ba đã lên giọng quảng cáo: “Bây muốn lấy chồng nước ngoài là tìm đúng chỗ rồi đó. Tao đã mối cho nhiều đứa rồi. Đứa con gái của tao không được như bây mà cũng đi Đài Loan rồi, có tháng nó gởi về cho cả chục triệu đồng đó...”.

 

Dứt lời, bà Ba quay sang tôi nói: “Giờ cho tao biết hoàn cảnh của bây coi?”. Tôi bẽn lẽn trình bày: “Dạ! Con đang học đại học năm thứ hai, khoa Sư phạm tại trường Đại học Cần Thơ. Cha bỏ mẹ đi theo vợ bé và để lại cho mẹ con số nợ gần 20 triệu đồng. Hiện gia đình rất khó khăn nên con muốn đổi đời để có tiền trả nợ cho mẹ ở quê”.

 

Nghe muồi tai, bà Ba gật đầu nói: “Thôi được rồi, thấy hoàn cảnh bây tội nghiệp, tao hứa sẽ giúp”. Bà Ba nhấc điện thoại gọi với giọng sang sảng: “Con bé hôm bữa được 5 thì con này được 8 điểm. Đang đi học, muốn giúp đỡ mẹ. Năm ngày nữa có đoàn về hả? Được, để kêu nó lấy giấy tờ rồi tao dẫn lên”. 

 

Gác máy, bà Ba quay sang phía tôi dặn dò: “Về nhà chuẩn bị cho tao sổ hộ khẩu, giấy khai sanh, giấy chứng nhận độc thân và chứng minh nhân dân, nhớ phải là bản chính đó nhé!”. Khi tôi chuẩn bị ra về, bà còn nói với theo: “Tao mà biết bây tìm đến nhờ vả thế này tao đã tìm gặp từ mấy hôm trước rồi. Vì bây tìm đến gặp tao nên tao sợ bây là công an đấy mà”. Khi có trong tay các giấy tờ, tôi đến gặp bà Ba và được bà đưa lên TPHCM cùng với hai cô gái khác, cũng quê ở Cần Thơ. 

 

Đón tôi và gần chục cô gái nữa tại bến xe miền Tây (Q. Bình Tân), bà Nguyễn Thị H. (tên thường gọi là má H.) cố nở nụ cười thân thiện. Tuy nhiên, trong ánh mắt của người đàn bà này, tôi luôn có cảm giác nó ẩn chứa lòng tham và một sự tráo trở nào đó.

 

Chiếc xe 16 chỗ chở các cô gái tiếp tục lăn bánh trên các tuyến đường của Sài Gòn hoa lệ. Trong mắt các cô gái đến từ các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp... thì đây có lẽ là lần hiếm hoi được ra chốn đô thành, để rồi sau đó phải phó mặc đời mình nổi trôi nơi đất khách.

 

Bảy ngày đêm kinh hoàng

 

Chiếc xe 16 chỗ đưa hơn chục cô gái quê dừng trước con hẻm số 70 đường Trịnh Đình Thảo, P. Phú Trung, Q. Tân Phú. Mọi người bắt đầu xuống xe, lội bộ khoảng 100m thì đến nhà má H. Vừa bước vào nhà, má H. nhanh chóng ngồi vào chiếc ghế dựa trong phòng khách. Mặc cho các cô gái lúi húi sắp xếp đồ đạc, má H. lên tiếng: “Mỗi người phải đưa cho má tất cả giấy tờ liên quan và nộp 100 ngàn đồng tiền làm sổ tạm trú”.

 

Tiếp theo, má H. đưa ra yêu cầu khiến tôi giật thót cả người: “Bây giờ các con phải cởi bỏ áo ngoài và áo trong ra để má kiểm tra ngực, xem ai còn trinh, ai mất trinh”. Vì giấc mộng đổi đời nên các cô gái đã răm rắp làm theo. Sau đó, các cô gái được đưa lên một căn gác ọp ẹp, nóng bức, rộng chừng 14m2 để cùng làm việc với 10 cô gái khác.

 

Hẻm 70 Trịnh Đình Thảo, nơi các cô gái từng sống như địa ngục

 

Hàng ngày, các cô gái phải thay phiên nhau làm đủ thứ việc nhà cho má H. Người thì nấu cơm, giặt quần áo, người thì lau nhà kiêm phục dịch gia đình má H. Số còn lại chen chúc nhau trên căn gác, lo dán phong bì thiệp cưới cho người khác. Thỉnh thoảng, má H. đảo quanh một vòng căn nhà, kiểm tra việc lao động của các cô gái.

 

Thấy tôi ngồi bó gối một mình trong khi các cô gái khác ai làm việc nấy, má H. tiến lại gần, giọng thỏ thẻ giải thích: “Sở dĩ các con phải làm việc như thế là để má có lý do khi có công an đến kiểm tra”. Nghe vậy, tôi chỉ gật đầu cho qua chuyện.  

 

Má H. vừa đi khỏi, cô gái tên L. đang giặt quần áo ở sau nhà, vẩy vẩy đôi tay, chạy về phía tôi: “Em ở đây hơn 1 năm rồi mà có thấy ai đến kiểm tra gì đâu. Chẳng qua, má H. muốn bóc lột sức lao động của chị em mình mà thôi. Biết vậy nhưng hoàn cảnh gia đình em quá trớ trêu nên đành ngậm đắng nuốt cay mà thôi. Phải làm việc quần quật không công nhưng lại luôn phải nghe những lời đay nghiến, chửi mắng, thậm chí bị rủa sả khi làm sai ý má H.”.

 

Đứng cạnh nghe L. ôn nghèo kể khổ, P. (quê Sóc Trăng) đưa mắt nhìn tới nhìn lui, giọng chen vào: “Vậy mà bà mai nói lên trên này chỉ ở trong phòng cho trắng trẻo để đi chào đoàn, không phải làm gì vất vả, cơm còn có người nấu cho ăn, nghe lời lên đây, giờ vậy nè”.

 

Ngày làm việc ở nhà má H., đêm về, chúng tôi được dẫn sang một căn phòng trọ ẩm thấp, nóng nực và chỉ vừa đủ cho hơn 10 người nằm sát nhau để... ngủ! Đêm đầu tiên, tôi và hai cô gái khác là K. và Ch. không tài nào chợp mắt. L. nằm kế bên cũng thao thức. Thế là cả bốn đứa kéo nhau ra lan can, ngồi tâm sự.

 

Chưa đầy 14 tuổi Ch. quê Cần Thơ đã sống cuộc đời làm thuê, từ Phú Quốc hái tiêu ngược xuống Cà Mau đốn mía mướn, rồi trôi dạt lên Cần Thơ sau đó là TPHCM phụ bán cà phê, cuối cùng là về lại quê. Ch. nói: “Em chán cảnh mẹ phải ngày ngày đi làm thuê, cha thì cờ bạc, rượu chè say be bét lại hay đánh đập vợ con, em quyết định đi lấy chồng Hàn Quốc vì nghe bà dẫn mối nói nếu được chọn, sẽ sung sướng và giàu có. Hôm em đi, mẹ phải mượn nợ 500 ngàn cho em...”.

 

Ngồi cạnh, L. vỗ vai an ủi Ch. nhưng cũng không cầm được nước mắt, cô nói trong tiếng nấc: “Chị đã lên đây ở hơn một năm rồi nhưng vẫn chưa lấy được chồng. Khoảng thời gian qua chỉ ở đây gậm nhấm nỗi buồn và chịu biết bao tủi nhục. Nhiều khi muốn bỏ về quê làm mướn với mẹ, nhưng nếu về thì phải trả tiền ăn, ở mỗi ngày 20 ngàn đồng cho má H. Hơn 7 triệu đồng, tiền đâu mà có? Vì không có tiền trả nên chị đành ở lại tiếp tục chờ vận may. Vả lại, ở quê cả xóm đều biết chị đi lấy chồng nước ngoài, giờ về quê thì mặt mũi nào nhìn mọi người”. 

 

Cầm ly nước lọc từ trong nhà chạy ra, K. lên tiếng, giọng than trách: “Cũng đúng thôi, bữa cơm hàng ngày chỉ lặp đi lặp lại có vài con cá nục, lúc thế này, lúc thế kia và bó rau muống luộc cùng hũ chao, ai mà nuốt nổi. Có hôm được ăn thịt thì toàn thịt mỡ, người nào muốn ăn ngon hơn thì đưa tiền cho má H. mua giùm đồ ăn, còn không có tiền thì chịu khó sống kham khổ. Thế nên đứa nào cũng ốm nhom ốm nhách, tệ hơn nữa là mặt bị nổi mụn và không được “chào đoàn”. Cũng chính vì thế mà chị L. vẫn chưa có người chọn làm vợ.

 

Ở nhà má H. được ba ngày thì chúng tôi được thông báo có đoàn “xem mắt”. Cả nhóm vui sướng, mừng ra mặt khi hay tin. Nhưng má H. cho biết đoàn chỉ cho chào người nào quê ở Sóc Trăng, Vĩnh Long và Đồng Tháp mà thôi. Vậy là trong số hơn chục cô gái chờ xem mắt chỉ có tôi, Nh. và L. được đi chào đoàn. Ba đứa tôi được nghỉ ngơi và hưởng chế độ “săn sóc” đặc biệt để chuẩn bị cho việc chào đoàn.

 

Theo Tố Nga - Song Linh

Công an TPHCM