“Gái lớn” trước mùa cưới

Gái lớn mải miết với công việc quên mất chuyện riêng tư thường xuyên bị người ngoài hỏi thăm, lịch sự nhất bằng câu: "Có gì mới chưa?"; sỗ sàng thì "Chắc cô kén quá nên hóa ế rồi".

Đối với gái lớn và bố mẹ của họ thì cuối năm là thời điểm nghiệt ngã nhất. Cả thiên hạ cứ nhộn nhạo cưới xin, khắp nơi người ta nói đến những từ nghe mà sốt hết cả ruột: ăn hỏi, chạm ngõ, cỗ cưới, xin dâu, nhà trai, nhà gái.

 

Vào nhà đóng chặt cửa lại thì trên tivi lại có dày đặc các chương trình kiểu như thời trang mùa cưới, bí quyết trang điểm cô dâu, ga gối phòng tân hôn, có định lờ đi cũng không xong.

 

Các bậc phụ huynh nói gần nói xa về chuyện thèm có cháu bế, mặt mũi và giọng điệu khao khát có một đám cưới như con gái nhà hàng xóm. Các "gái lớn" có những phản ứng trái ngược và đầy những bị hài kịch xảy ra.

 

Có bà mẹ ráo riết nhờ mai mối, tiêu chuẩn lúc đầu thì "khỏe mạnh, con nhà có giáo dục, nghề nghiệp tươm tất, có chức vị càng hay, tính tình chăm lo cho gia đình, không nhậu nhẹt", đến gần cuối năm thì lại hạ dần "điểm sàn". Hơi yếu thì đã có con vợ nó khỏe, chưa xin được việc thì cưới xong sẽ xin, thỉnh thoảng rượu bia thì đàn ông cũng phải thế. Một anh chàng vô tình đến nhà cũng được mẹ của "gái lớn chăm sóc đến nơi đến chốn "Cháu có người yêu chưa? Chưa à, thế thì mày với con T. nhà bác đẹp đôi đấy chứ?. Nghe bộ nó ưng mày lắm đấy". Chàng trai rơi vào tình huống của khách hàng bị nhân viên bán mũ bảo hiểm "săn bắt". Cả gia đình nhà gái lao vào bao vây "chú rể tương lai". Gái lớn bị ép phải làm duyên làm dáng để cho con cá căn câu. Có cô đáo để cá tính mạnh mẽ tuyên bố dứt khoát "tôi chưa định lấy chồng, đề nghị giải tán nhanh các vụ mai mối". Có cô ngoan ngoãn hiếu thảo thì cứ lầm lì ngồi đãi chuyện đối tác. Thiện chí có mà duyên không thì cuộc hôn nhân bất thành. Biết bao "gái lớn" nỗ lực báo hiếu cha mẹ nhưng vẫn không thể làm trái với lương tâm, ấy là khi nhắm mắt làm bạn trăm năm với một người "không ổn".

 

Những gái lớn học hành thành đạt càng không ưa mạo hiểm "cưới mà chắc chắn ly dị thì cưới làm gì?". Có cô đưa việc lấy chồng vào lịch công tác, gạt bỏ hình ảnh người đàn ông lý tưởng, sẵn sàng cưới một người qua trung tâm kết bạn thế nhưng đến phút cuối vẫn không xuôi lọt vì được tin dữ "người tình cũ của anh ta đang mang thai và kiện ầm lên đòi anh ta chia sẻ trách nhiệm".

 

Nhiều Gái lớn đang có bạn trai cặp kè cũng ngại đưa ra mệnh lệnh thúc cưới bởi các chàng trai bỗng nhiên có nhiều lý do trì hoàn: anh sắp đi công tác biệt phái, nhà cửa chưa ổn định, mẹ anh đang bệnh, phải lo cho lũ em, tài chính chưa cân đối... Chẳng nhẽ Gái lớn đã thân chinh đề nghị cưới, đã bị chú rể cự nự mà rồi lại phải thân chinh gặp hỏi một lần nữa "Cứ cưới đi những khó khăn kia em tự lo hết".

 

Vào ngày cuối năm chỉ có các gái lớn bị o bế bởi chuyện hôn nhân chứ còn các gã trai chẳng cảm thấy gì. Họ cứ bình chân vì biết chẳng bao giờ mình trở thành Trai lớn. 20-30-40-50-60 tuổi họ vẫn cứ lấy được vợ 20. Khi các gái lớn đánh tiếng cưới xin họ giả điếc hoặc đặc biệt có khả năng "thất lạc chủ đề". Cô độc thân thì đi một nhẽ, đằng này có người yêu hẳn hoi mà bỏ qua mùa cưới thì đúng là có tội với gia đình. Có không ít chàng nảy ra ý định hỏi cưới các nàng lớn tuổi cho nhanh thì bị chê ỏng eo: đàn ông đàn ang gì mà nói năng lí nhí, mắt mũi lấm lét, nhìn cách đếm tiền đổ xăng cũng biết là "kẹo", gọi điện thì nói vội nói vàng như sợ tốn. Họ hàng vun vào, kích động gái lớn gật đầu: "Cô có thấy khinh ghét nó không? Không à? Có thấy thích nó tẹo nào không? Cũng không? Vậy là cưới được rồi. Kinh nghiệm cho thấy cứ rặt hôn nhân vì tình yêu là càng chóng ly dị".

 

Cộng đồng "gái lớn" bực mình với đám người khác giới đến mức đưa ra lời tổng kết: Dào ôi, những gã vội vàng đồng ý cưới chẳng qua là đang ở nhà chật chội, thiếu dinh dưỡng, chẳng có người chăm sóc hoặc vớ được nhà gái tươm tất hơn. Người thành đạt chẳng dễ mà ép họ cưới được vào đúng mùa cưới.

 

Theo Người Đẹp