Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

"Em chào thầy ạ!"

(Dân trí) - Cổ nhân có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Lời chào chính là sự tôn trọng bản thân người chào và người được chào. Lời chào hỏi của học trò đối với thầy cô giáo chính là nét đẹp truyền thống “tôn sư trọng đạo” xưa nay của người Việt.

Nhiều khi ra đường thấy các cụ già tóc đã điểm bạc nhưng vẫn kính cẩn: “Em chào thầy ạ!” mỗi khi gặp thầy giáo của mình. Các em nhỏ cũng được dạy về lời chào từ những ngày đầu tiên đi học: “Đi đến nơi nào lời chào đi trước. Lời chào tiếp bước con đường bớt xa...”. Đó là điều nằm lòng trong tâm hồn của các em.
 
"Em chào thầy ạ!" - 1


 

Vậy nhưng cuộc sống hiện đại, lời chào gỏn gọn với bốn từ ấy, nhiều lúc, nhiều nơi học trò vẫn cố ý hoặc vô tình cắt xén thành những câu “tỉnh lược” cụt ngủn, mà người được chào cũng phải giật mình: “Chào thầy ạ!”, “chào thầy!”, “thầy ạ!”, “thầy!”… Thậm chí ngày nay để hạn chế bụi bặm do ô nhiễm môi trường, trò đi học phải mang theo khẩu trang vậy là rất nhiều trò tự cho phép mình “miễn lệ” khi gặp thầy cô giáo. Trò tự nhủ rằng: “Trông mình thế này thầy cô chẳng nhận ra đâu!”. Có lẽ vì vậy mà ở một số nơi phải đề tấm bảng ghi rõ: “Cấm bịt khẩu trang khi vào trường học!”. Ngoài ra còn có một quy định chung ở đây là khi tiếng trống trường điểm, học trò lễ phép đứng dậy chào thầy cô. Với nhiều trò việc đó cũng trở nên nặng nề và gò bó. Phía dưới không ít trò vẫn an toàn “ngồi chào” một cách vô tư.

 

“Học ăn học nói, học gói học mở” là điều mà con người ta phải biết để hoàn thiện mình. Đừng kiệm lời chào em nhé, vì nhiều khi trong suốt đời dạy học, người thầy chỉ mong nhận được một điều giản dị thế thôi!

 

Xuyến Chi - Khánh Hồng