Đừng để người giúp việc trở thành mẹ của con bạn

Bài viết này tôi không có ý trách những người giúp việc mà chỉ muốn chia sẻ với những người mẹ đang dựa dẫm quá nhiều vào người giúp việc.

Đừng để người giúp việc trở thành mẹ của con bạn


 

 

Tôi nhìn thấy ngay ở xung quanh tôi, bạn bè, hàng xóm… họ đang là những người phụ nữ làm mẹ, mà sẵn sàng đẩy cái thiên chức cao quý cho những người phụ nữ xa lạ chỉ đến giúp việc cho gia đình mình.

 

Tôi biết hoàn cảnh hiện nay, cuộc mưu sinh bận rộn, chế độ bảo hiểm, thai sản của ta không cho phép các bà mẹ được nghỉ ở nhà chăm con nhiều tháng như ở các nước phát triển. Nhưng nhiều bà mẹ tham công tiếc việc đến mức con mới được khoảng hai tháng đã lại lao đầu vào làm việc. Phần lớn họ giao con cho người giúp việc chăm nom khi đi làm và rồi cũng lại là người giúp việc lo cho con khi họ rời công sở về nhà để họ được nhàn hạ và thoải mái hơn. Điều đó dễ hiểu, nhưng sẽ là vấn đề khi người giúp việc lo cả việc chăm nom và nuôi dạy em bé của họ.

 

Giúp việc cho các gia đình ở đô thị hiện nay, phần lớn là những người phụ nữ nông thôn, trình độ học vấn hạn chế. Họ là những người chăm chỉ lao động. Kỹ năng chăm trẻ của họ thuần tuý là kinh nghiệm (từng nuôi con ở quê trong điều kiện kinh tế eo hẹp và sự hiểu biết giới hạn) hoặc do gia chủ chỉ bảo dần dần. Vậy mà nhiều bà mẹ giao cho họ làm từ A – Z cho các em bé: tắm rửa, giặt giũ, cho bé ăn, ru bé ngủ, chơi với bé, dạy dỗ bé điều này nên điều kia không nên… những việc mà đáng ra phải là của mẹ bé.

 

Sách, báo, internet… hiện nay cung cấp những thông tin, tri thức nuôi dạy con vô cùng đa dạng, hình thành một thế hệ bà mẹ biết cách chăm con vừa theo truyền thống phương Đông lại kết hợp với khoa học phương Tây. Nhưng cũng vì thế, mà có nhiều bà mẹ áp dụng sự kết hợp này một cách máy móc. Chẳng hạn, một người mẹ mới sinh, em bé được dành riêng một phòng đầy đủ tiện nghi như một em bé phương Tây với ý đồ để con làm quen với sự độc lập, tránh bám hơi mẹ. Nhưng bà mẹ lại để bé ngủ cùng người giúp việc trong căn phòng riêng của bé. Kết cục em bé lại bén hơi người giúp việc. Vì thế mỗi lần người giúp việc về quê trở thành những ngày khủng khiếp đối với người mẹ này và cả với em bé.

 

Thêm một điều nữa, bạn khó có thể thể toàn tâm toàn ý chăm sóc một em bé không phải là con ruột của mình, cho dù đó là cháu ruột trong gia đình, và cho dù bạn yêu quý cháu đến mấy, tình cảm đó cũng không thể so sánh được với tình cảm mẹ – con vô cùng thiêng liêng. Vậy thì tại sao lại phó mặc em bé của chính mình cho những người hoàn toàn xa lạ, thậm chí không phải họ hàng trong gia đình? Không ít người tự nhận ra rằng đúng là mình không nên làm như thế, đúng là mình nên chăm con nhiều hơn, nhưng sự mệt mỏi, thậm chí là lười biếng chiến thắng họ, để rồi có người mẹ đã từng tặc lưỡi công nhận với tôi: "Thời buổi này đứa trẻ nào mà chẳng bám người giúp việc!"

 

Tôi đã từng tham gia nhiều buổi sinh nhật của các em bé. Hình ảnh không hiếm trong bữa tiệc đầy năm của các em bé con các gia đình giàu có là: những người khách mời đều xúng xính trong những bộ váy áo đắt tiền, trang điểm như đi dự tiệc, vui cười trò chuyện như đang dự một lễ cưới. Gia chủ còn bận tiếp khách, nên việc dỗ bé hay cho bé ăn là của người giúp việc!

 

Đã có lần tôi chứng kiến cậu bé sinh nhật một tuổi gần như khóc cả buổi vì sợ hãi, bé chưa bao giờ đến chỗ đông người như thế, bé nhất định chỉ tìm bác giúp việc để đòi bế. Thậm chí khi mẹ bé bế và ra sức dỗ bé cũng không chịu, bé vẫn cứ nhoài người theo bác giúp việc và chỉ tạm nín khóc khi được ngồi chơi trong một góc phòng với bác giúp việc. Một bé khác lớn hơn cũng gần như vậy. Bé thích chơi với những bạn và đồ chơi xung quanh, nhưng chỉ yên tâm chơi khi có cô giúp việc ngồi bên cạnh. Cô giúp việc đứng lên đi vệ sinh thôi cũng đủ để bé đứng ngồi không yên, gọi tên cô loạn lên và dáo dác đi tìm, mặc dù mẹ bé vẫn đang ngồi ngay cạnh bé.

 

Tôi từng rất tâm đắc bài viết của một bà mẹ gửi cho mục Chăm con nói về việc nuôi con theo cách nào. Người mẹ đó nói, con cái chúng ta thường chỉ cần được ba mẹ ôm ấp, chăm sóc nhiều nhất trong những năm đầu đời. Sau này khi bé lớn, tự làm được mọi thứ, ba mẹ sẽ lại thấy nhàn hạ hơn, thậm chí chẳng cần đến sự giúp đỡ của người giúp việc nữa. Tại sao ta lại không cho bé được hưởng sự chăm sóc đó từ chính ba mẹ ông bà của bé ngay từ những năm đầu đời. Chúng ta nên nhớ, nuôi một đứa trẻ không chỉ cần kỹ năng hiểu biết mà còn đặc biệt cần tình thương yêu. Vậy thì hãy để người giúp việc chỉ là người giúp việc, họ chỉ đến để giúp đỡ, hỗ trợ chứ đừng bắt họ làm hết mọi việc cho chúng ta, đặc biệt là việc làm cha làm mẹ!

 

Theo Hoàng An

SGTT