Dọn nhà ngày cuối năm

Mười hai tháng tất bật với cơ quan, với những phần thưởng thư giãn riêng cho mình, nhà cửa phó mặc cho chị giúp việc. Chỉ đến cuối năm, mới rờ lại "cái tổ". Giở ngăn nào ra cũng có cớ để mà thần mặt nghĩ ngợi.

 

Dọn nhà ngày cuối năm - 1


 

Hai cái vé xem phim rơi xoạt từ một cuốn sách. Tận dụng mấy ngày nghỉ, vợ hí hửng đi bon chen với phe vé, tưởng về chồng sẽ hưởng ứng, không ngờ anh che miệng ngáp. Vợ giật mình, vì chồng chưa bao giờ là người thích đến rạp. Nài ép mãi, anh càu nhàu: Lần sau rủ bạn đi nhé, cứ ép anh đến đấy, anh khổ lắm. Vợ nước mắt ngắn nước mắt dài, đã thế không đi đâu nữa.

 

Giận chồng đến quên cả việc đi cho hai cái vé. Vụ đi xem phim ấy làm không khí gia đình đóng băng mất hai tuần. Vợ khóc ba đêm vì nỗi tủi thân, có mỗi cái sở thích bé bằng móng tay mà anh không chiều được, thì còn có thể mong chờ gì? Chồng ức chế, mình xem các loại phim mới chả hiểu họ muốn nói gì. Ngồi ở rạp toàn nghe người ta tán chuyện, ăn bỏng ngô, lại còn bị muỗi đốt. Vừa xem vừa ngáp nhìn đồng hồ. Đi các hội chợ công nghê có phải thú vị không?

 

Mỗi người có cái lý của mình, trong các câu chuyện buổi trưa của vợ với đồng nghiệp còn thấp thoáng từ ly hôn. Những người có kinh nghiệm nghe được mắng cho nên thân: Chúng mày bây giờ Tây quá, khúc mắc chuyện nhỏ tí cũng dọa bỏ nhau rồi.

 

Mâu thuẫn về nghệ thuật dần cũng qua. Giờ nghĩ lại, vợ bật cười, sao lúc đó lại cứ khăng khăng bắt chồng đi bằng được. Có lẽ mâu thuẫn sẽ kéo dài nếu cô em dâu không sáng mắt lên bảo chị: Lần sau có chương trình gì chị cứ alô cho em, em trai chị cũng chẳng ham gì mấy vụ này, em toàn phải ấam ức ở nhà. Vợ cảm thấy như được giải thoát. Chồng thì khỏi nói, mỗi lần có điện thoại của em dâu là hộc tốc chạy ba tầng dí vào tai vợ. Vợ đi xem phim anh vừa huýt sáo vừa dắt xe hộ, còn dặn, thỉnh thoảng chị em muốn đi ăn cùng thì anh sẽ rủ chú ra quán bia. Hóa ra cuộc đời cũng không đến nỗi nếu ta tìm được người đến rạp cùng.

 

Một năm trời mua sắm, cái tủ bốn buồng đầy ắp đồ của vợ chồng, con cái. Năm nào cũng phải lôi ra thanh lý bớt. Cách dễ nhất là tống về quê cho mẹ thanh toán. Những năm đầu mẹ nhận rất hào hứng, không hiểu sao năm ngoái lại có vẻ ngần ngại không vui.

 

Gặng hỏi mãi, mẹ mới rầu rầu kể: Những đồ con đưa về dạo này nhiều cái mốt quá, người ở quê không mặc hợp, mà không cho đi thì tiếc, mẹ cũng chẳng dùng được. Có cái áo hajaruku của cô bạn đi Nhật về, mẹ cho đứa con anh hàng xóm. Không ngờ mấy hôm sau mẹ nó bóng gió: đồ rách rưới bỏ đi như thế mà cũng đem cho, khác gì bố thí. Bà buồn vì thế. Con dâu bây giờ mới hiểu chuyện. Từ đó năm nào cũng phải soạn quần áo trước, rồi chăm chăm đến những hội đổi đồ, đổi lấy những bộ nghiêm chỉnh và nhã nhặn để cho ai cũng hài lòng.

 

Ở trên móc có một cái áo len màu hồng trông rất "thắm", nhưng vợ chẳng bao giờ vứt đi, cũng chẳng đem cho ai. Cái áo đấy là một kỷ niệm ngọt ngào vợ cứ nhấm nháp mãi. Chồng hay có thói quen cho tiền họ hàng mỗi khi họ gặp khó khăn. "Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống", chẳng ăn thua gì. Vợ một mặt xót của, một mặt thấy việc làm của chồng như ném đá ao bèo, có lần nói bâng quơ: thà anh giới thiệu cho các cháu đi học một nghề gì còn có ích. Nó sẽ tự kiếm được tiền và không phải phụ thuộc vào ai nữa.

 

Mắt chồng sáng lên: Ừ nhỉ rồi giao luôn vụ ấy cho vợ. Vì câu nhỡ mồm, vợ phải chạy đôn đáo khắp nơi tìm một nơi dạy nghề phù hợp với đứa cháu mới học xong lớp bảy. Hết sáu tháng, cháu tốt nghiệp lớp trang điểm, làm tóc cho cô dâu. Chú lại giao cho bà thế chấp mảnh đất vay vốn để cháu có tiền mở tiệm. Sau hai năm, tiền vốn đã thu hồi, giờ cô cháu nghiễm nhiên thành gia đình "có kinh tế" vững trong họ.

 

Vợ chồng phấn khởi, mua tặng bà cô một chiếc áo len hồng đắt nhất thị trấn. Cô chỉ dám mặc vào những hôm về quê, nhưng trong lòng rất vui. Hóa ra làm được một việc có ích cho người khác, cảm giác lại dễ chịu đến thế.

 

 

Trong phòng sách, còn khá nhiều sách mới thơm mùi giấy. Công việc tíu tít cả năm cuốn mọi người đi, thời gian dành cho sách cũng bị cắt xén. Khi đi chợ sách, cứ nhắm mắt nhặt, nghĩ rằng sẽ đọc vào lúc rảnh. Thế mà có những cuốn đã hai năm chưa đụng đến. Chả trách đứa bạn hồi đại học mới gặp lại nói nửa đùa nửa thật: Con mọt sách của tao đâu mất rồi, giờ nhìn mặt toàn cơm áo gạo tiền. Tay sắp xếp những cuốn mới ra vị trí ưu tiên, trong đầu đã nhủ, bắt đầu từ ngay tối nay, sẽ giảm bớt thời gian cho phim Hàn dài tập và buôn dưa lê qua điện thoại. Phải có vài cuốn sách để trong đầu để giữ hình ảnh với người cũ trong dịp họp lớp năm mới chứ nhỉ?

 

Ở góc sâu của ngăn kéo, còn cả một tấm bưu thiếp nhỏ bị vo đến nhàu nát. Đó là một tấm thiếp quảng cáo, trên đó ghi: Anh mới là thần tượng của em! Vợ thấy ngồ ngộ gắn trước bàn làm việc của chồng. Chồng ngoài miệng bảo "trẻ con" nhưng trong bụng chắc rất thích, thỉnh thoảng nhìn nó lại tủm tỉm cười.

 

Có đợt, chồng mâu thuẫn với sếp, lên cơn tự ái ở nhà cả quý liền. Không đi làm, kinh tế dồn cả lên đầu vợ. Có lúc mâu thuẫn chồng bảo: Việc của cô thì có gì mà quan trọng, vợ tức tối độp lại: Không có cái kém quan trọng ấy thì lấy gì mà nuôi cả nhà này? Chồng tái mặt, lẳng lặng không nói gì. Hôm sau tấm bưu thiếp trước bàn làm việc bị vo tròn vứt vào sọt giấy. Vợ hối hận, nhặt lại đút vào ngăn kéo, để luôn dặn mình dù nóng giận thế nào cũng không bao giờ được buông ra những lời xúc phạm chồng. Lời đã nói không bao giờ lấy lại được.

 

Con lợn đất để ngay góc bàn ăn nâng lên đã đầy đầy. Vợ nghĩ đợi đến hôm về quê ăn Tết thì đập ra để gom lại thành tiền chẵn rồi gửi bà mua phần thưởng cuối năm. Con lợn này, nguyên văn vợ học của bà.

 

Về nhà hồi hè, vợ thấy bà dặn cả nhà: Giờ ai có tiền lẻ hoặc muốn góp tiền mua sách bút cho con thì bỏ cả vào con lợn đỏ. Bà thấy con cháu ở quê đứa nào ở quê đi học cũng khó khăn. Bà chả có nhiều tiền giúp chúng nó. Bà nghĩ ra cách nuôi một con lợn, cuối năm đập ra chia thành những phần học bổng nhỏ, thưởng cho đứa nào có kết quả học tập tốt. Lũ trẻ rất thích thú với điều đó, đứa nào cũng cố gắng hơn.

 

Về thành phố, vợ lập tức ra chợ mua một con lợn sắt có khóa thật đẹp để ngay trên bàn ăn. Tiền thừa đi chợ, tiền thưởng cuối năm, tiền làm thêm của chồng, tiền ăn sáng do các con tự giác... tất cả đều trích một phần cho lợn ăn, chắc nó khá béo. Pi và Đốp cũng sẽ được thưởng quà vì kết quả học kỳ I của hai đứa đều tốt.

 

Một vài đĩa nhạc cũ của bạn tặng lăn lóc dưới kệ tivi. Đã lâu không nghe, vợ lôi ra lau bụi và cho vào đầu đĩa. Những giai điệu ngọt ngào vang lên nhắc vợ rằng đã lâu hình như chẳng dành đủ thời gian cho bạn bè. Người đi xa, người mất do bệnh. Đến khi không thể gặp nhau được nữa mới ngậm ngùi mình đã để phí biết bao thời gian mà chả cho nhau. Guồng quay cơm áo, thăng tiến kéo mỗi người xa nhau mỗi ngày. Đến khi giật mình nhìn lại, trong gương tóc vợ đã có sợi bạc rồi.

 

Cái đĩa gồm có bốn con giáp ứng với tuổi bốn thành viên trong góc tủ là quà của con gái khi đi chơi Bát Tràng. Trông nó xấu xí và chẳng có gì nổi bật nhưng mẹ luôn nâng niu và bố mỗi lần nhìn thấy đều lắc lư rất hài: Bốn ngọn nến lung linh, đốt nhau gần chết! Phải có một cái tủ riêng để đựng những kỷ vật như một cuốn sách nhỏ, nó kể về những kỷ niệm, và cả tình yêu nữa.

 

Loanh quanh cả chiều, chưa việc gì vào việc gì thì chồng đã gọi điện: Chuẩn bị cơm cuối năm cho cả một anh bạn miền Nam ra công tác nhé! Vợ tất bật xách giỏ ra chợ chiều. Trong đầu vẫn vấn vít câu chuyện của những món đồ cũ. Nhất định sẽ sắp xếp đâu vào đấy trước đêm Giao thừa!

 

Để còn có lý do mà thêm vào những câu chuyện của năm mới.

 

Theo Thế giới Phụ nữ