Kiến thức giới tính

“Đói” quá hóa... chán

4 tháng chồng đi công tác về, hăm hở đòi “yêu” nhưng Nguyệt vẫn dửng dưng. Cô thấy ham muốn của mình tụt dốc. 3 năm trời, số lần gặp gỡ chỉ tính trên đầu ngón tay. Nguyệt xa chồng, “nhịn” lâu thành lãnh cảm.

 
“Đói” quá hóa... chán  - 1


Thời gian đầu, anh xã về là vợ chồng quấn quýt lấy nhau ngay. Nhưng gần đây, Nguyệt không còn thấy thích “chiều” chồng nữa. Lúc đầu, cô cố gắng “gần” chồng. Tuy nhiên, những lần sau, Nguyệt lấy lý do “mệt mỏi” hoặc “dính đèn đỏ” để “cáo lui”.

 

Chồng vắng nhà thường xuyên, Nguyệt đã quen sinh hoạt một mình. Sự cô đơn, khao khát ban đầu còn khiến Nguyệt mệt mỏi thì đến giờ là cảm giác nhạt nhẽo. Chưa kể, nhiều lần chồng báo “sẽ về” nhưng phút cuối lại hủy khiến cô mất hứng. Thương chồng, Nguyệt tham khảo các tư thế mới, các loại thuốc bôi trơn nhưng chưa có kết quả.

 

Cùng cảnh với Nguyệt, Hoan kết hôn được 5 năm và có 2 con nhỏ. Chồng Hoan vốn “yếu” nên lười. Có khi, Hoan đếm đúng 3 tháng tròn, chồng mới “gợi ý” tới vợ. Cô có chủ động thì chồng tế nhị quay lưng. Phần vì tự ái, phần vì quen, Hoan chiều theo thói quen “giao ban” ít ỏi của chồng.

 

Những phút “gần” chồng của Hoan cũng rất tẻ nhạt. Cô không có cảm giác thích mà cứ nằm đơ như khúc gỗ. Cựa quậy một chút là chồng “ra” ngay. Bây giờ, Hoan không băn khoăn nhiều về chuyện đó. Hoan thấy vài tháng hay cả năm không “tiếp cận” chồng cũng bình thường. Cô không còn vui thích nữa, dù hai vợ chồng mới ngoài 30. Có lần, Hoan đùa rằng: “Vợ chồng mình cứ như… anh em kết nghĩa”.

 

“Đói” quá hóa no trong chuyện chăn gối

 

Không được “yêu” trong thời gian dài khiến ham muốn của phụ nữ trở nên bão hòa. Khi đó, họ không mặn mà với “chuyện ấy” nữa. Dấu hiệu “tắt lửa” gồm tâm lý và sinh lý. Sinh lý là vùng kín khô hoặc xuất hiện hiện tượng co thắt âm đạo. Khi “giao hợp” dễ gây đau rát khiến chị em không đạt được cao trào mà còn mệt mỏi.

 

Biểu hiện tâm lý là cô đơn, u uất, thấy chán ghét “chuyện đó” hoặc thấy cuộc sống không cần “cái đó” vẫn vui vẻ. Nguyên nhân do vắng chồng quá thành quen, “nhịn” mãi thành bình thường. Có người còn rơi vào tâm lý đối nghịch. Tức là khi xa chồng hoặc khi chồng hờ hững thì mong nhớ nhưng lúc chồng ở trước mặt thì hờ hững.

 

Có thể do bị chồng “bỏ” lâu quá, vợ đâm ra oán trách, bất cần nên không muốn “chiều” chồng nữa. Bệnh này chủ yếu dựa vào tâm lý. Nếu người vợ lạnh nhạt để chồng “độc diễn” mãi thì đối phương cũng chán mà lui vào “hậu trường”. Thế là chuyển sang cảnh “vợ chồng anh em kết nghĩa”.

 

Để “sạc pin” cho mình, vợ chồng cần tìm hiểu nguyên nhân. Nếu có trục trặc thì cần “triệu họp” ngay, tránh để lâu ngày. Hãy tâm sự với nhau về cảm xúc, lo lắng. Đừng chỉ biết oán trách chồng lười “khởi động” trong khi bản thân chẳng động đậy gì. Cũng tránh “treo niêu” theo chồng vì biết đâu, anh ta đang “đánh bắt xa bờ”, bỏ mặc vợ vò võ một mình.

 

Nhiều anh “ăn ít” có thể do mặc cảm yếu kém, không làm thỏa mãn vợ. Trong đời sống gối chăn, điều quan trọng nhất là thấu hiểu và bình đẳng giữa hai bên. Gay go quá thì đi bác sĩ, chứ cứ âm thầm chịu đựng một mình chỉ tự đày đọa bản thân.

 

Trường hợp “vợ chồng ngâu”, lâu ngày mới gặp thì cần chuẩn bị tâm lý từ trước. Đừng cho là “nhịn” lâu nên “máy” hỏng vì thực tế, ham muốn giống như niêu cơm Thạch Sanh: hết lại đầy. Cái chính là tìm được những gợi ý mà bản thân yêu thích để hướng dẫn chồng. Ai đi bộ nhiều thì chân khỏe, “chuyện đó” cũng vậy, phải tận dụng thời cơ gặp chồng để giữ sức khỏe cho tổ ấm.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé