Dâu Việt, rể Tây, ly hôn đẫm lệ

Mọi ánh mắt đổ dồn về phía John ngay từ khi anh bước chân vào phiên tòa này. Trước hết, người ta tò mò bởi anh là người nước ngoài, sự hiện diện của anh ở “chốn công đường” ít nhiều gây hiếu kỳ cho những người tới dự.

 
Dâu Việt, rể Tây, ly hôn đẫm lệ - 1


Sau nữa là tiếng la ó, chửi bới om sòm từ phía gia đình nhà vợ anh - một thời từng quý trọng anh, coi anh là “rể vàng”. Cả gia đình nhà vợ buông những lời xỉ vả, chì chiết nặng nề bất luận chàng rể chẳng hiểu gì.

 

Ánh mắt ngỡ ngàng tới bàng hoàng của anh khi thấy họ sấn sổ xông tới nạt nộ, giằng xé chiếc áo John đang mặc trên người. May sao có vài người kịp thời ngăn cản, giữ họ lại để anh bước về phía ghế dành cho bên bị đơn.

 

Jonh sinh ra và lớn lên ở Anh quốc - xứ sở sương mù xa xôi nhưng hiện đang làm quản lý dự án xây dựng ở Sài Gòn, còn vợ anh Hoàng Liên - là một cô dâu người Việt đích thực, đang làm ở bộ phận thiết kế cho một công ty xây dựng tư nhân. Họ quen nhau khi anh sang kí kết hợp đồng cho công ty. Sau những lần gặp gỡ ấy tình cảm của họ nảy nở, lớn dần theo thời gian cùng với sự lớn dần của một sinh linh đang tượng hình trong bụng chị.

 

Những tưởng hạnh phúc có thể bền lâu, nhưng mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống vợ chồng. Sự bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, tâp quán, thói quen sinh hoạt khiến tình yêu của họ không đủ lớn để có thể bao dung tất cả.

 

Cùng với việc John nay đây mai đó đi theo những công trình, những dự án xây dựng khiến chị lo lắng, bất an. Liên bảo: “Cứ nhìn vào gương mấy đồng nghiệp cùng cơ quan, hễ đi làm dự án là có bồ nhí cặp kè” và chị cũng lo lắng về chồng như thế, lại nữa anh là người nước ngoài, quen với lối sống phương Tây cởi mở, phóng khoáng, chuyện ngoại tình lại càng dễ xảy ra hơn.

 

Mỗi lần anh về nhà, Liên sờ sờ, nắn nắn, kiểm tra hết hành lý tư trang của anh, hít hà xem trên người anh còn rơi rớt lại chút nước hoa nào không, hoặc tìm tìm, kiếm kiếm xem trên người có sợi tóc dài nào không!

 

Còn anh, John ngạc nhiên, thấy vợ mình đổi khác. Cảm giác ám ảnh chồng có tư tình bên ngoài cứ ám ảnh, đeo bám chị. Hơn thế nữa, quan điểm sống, quan điểm trong công việc của hai người quá khác nhau. Những gì anh cho là bình thường thì chị đẩy lên vô cùng phức tạp, rắc rối còn những gì anh cho là quan trọng thì chị lại nghĩ ngược lại.

 

Cứ như vậy, vết nứt trong ngôi nhà của anh ngày càng lớn, chỉ tội đứa con gái mới 4 tuổi đầu cứ như chong chóng, hết bố lôi lại tới mẹ kéo. Vì thương con gái bé bỏng, nhiều lần anh tìm cách hàn gắn tình cảm gia đình, nhưng sau rất nhiều nỗ lực, vết rạn ấy ngày càng nghiêm trọng và không thể níu kéo.

 

John to lớn đứng giữa phiên tòa, bập bẹ nói không rành tiếng: “anh không biết giữa chúng ta đã xảy ra chuyện gì, nhưng anh vẫn rất yêu em”. Nói đoạn anh đưa mắt nhìn sang ngang mong mỏi tìm kiếm ánh mắt đồng cảm từ vợ.

 

Ánh mắt ráo rác lạc lõng giữa hàng chục đôi mắt hằn học, vằn tia lửa, anh chợt hiểu, sự níu kéo này là vô ích. Nghe những lời thống thiết của chồng, mắt Liên ầng ậng nước. Chỉ chờ có thế, cả gia đình Liên nhao nhao đứng lên chửi bới, văng những lời lẽ khiếm nhã giáng tới John.

 

Cậu em trai của Liên gầm gừ: “Chị không được nao núng. Chị mà không bỏ gã John này, bệnh tim của mẹ mà tái phát là tỗi hoàn toàn do chị. Chị không nghe lời mẹ, mẹ có mệnh hệ gì chị có gánh vác được không?”. Nghe con trai nói vậy, bà Tứ ôm ngực, mặt nhăn nhúm tỏ vẻ đau đớn lắm. Tất cả những người tới dự đều không khỏi ngạc nhiên bởi thái độ quá khích của gia đình Liên, ở họ ánh lên sự thù hằn, căm ghét tới người đàn ông ngoại quốc tội nghiệp.

 

Có lẽ đứa con gái trở thành lẽ sống duy nhất của anh, nên anh dồn cả tình yêu thương cho con, anh bập bẹ nói từng câu Tiếng Việt không rõ chữ trước tòa: “Tôi xin Tòa cho phép tôi nuôi con gái mình”. Tiếng anh vừa rứt, phía bên gia đình nhà vợ lại lồng lên như trúng tà, tiếp tục buông những lời lăng mạ nặng nề. Ông bố vợ nhìn anh với ánh mắt hằn học, mẹ vợ lườm lườm, nguýt nguýt, họ hàng nhà vợ xì xào chửi bới. Duy chỉ có cô vợ thi thoảng nhìn anh, ánh mắt đau xót không nói nên lời.

 

Liên đứng lên trước tòa, nước mắt giàn giụa, cô bày tỏ nguyện vọng được nuôi con, ánh mắt vẻ như xa lạ, vô tình nhưng ẩn sau đó là sự hiền lành, trìu mến, thương yêu mặc cho sự khó chịu của cả gia đình ngồi phía sau. Chị toan nói gì đó, bố ruột chị ngồi sau huých vào con gái, thì thầm đủ để những người ngồi xung quanh nghe được: “Mày còn chần chừ gì nữa. Trông mong gì cái thằng ăn không nên đọi, nói không nên lời. Nói nhanh lên kẻo tòa chờ”.

 

Thêm vào đó là tiếng mẹ chị gầm rít khe khẽ, tiếng anh chị em móc máy cay độc, chị đành ngậm ngùi: “Xin tòa cho phép tôi ly hôn người đàn ông này”. Đứa trẻ ngơ ngác nhìn mẹ khóc, thấy ba ngồi ở hàng ghế bên kia mà không hiểu lý do gì.

 

Tòa nhận thấy mâu thuẫn giữa hai bên không thể hàn gắn, hạnh phúc chẳng thể níu kéo khi lòng tin đã vơi đi quá nửa, cho dù những người trong cuộc, chắc chắn vẫn còn tình cảm với nhau chứ không đơn thuần chỉ là đứa con – sợi dây ràng buộc giữa hai người, tòa đồng ý để họ ly hôn. Đứa trẻ vì quá nhỏ, cần bàn tay chăm sóc của mẹ, nên cháu được ở với mẹ.

 

Cả gia đình nhà vợ mừng ra mặt, hỉ hả, tươi cười, chỉ có chị mắt đỏ hoe, nhìn anh gục mặt xuống bàn, rồi bị mẹ ruột kéo tay đi về phía cửa chính. Một mình anh thất thểu bước từng bước chầm chậm ra về, còn Liên đầu cứ ngoái về phía sau, nhìn bóng anh mờ khuất dần sau làn nước mắt.

 

Tung tin con dâu ngoại tình, ép con trai ly hôn

 

Trong tình yêu, có trăm nghìn lý do để chia tay, song chỉ cần một lý do để xa nhau mãi mãi. Nói về lý do chia tay của đôi vợ chồng trẻ Ana và Tiến (Chương Mỹ – Hà Nội), vị thẩm phán Nguyễn Minh Đ ngậm ngùi cho mối tình đẹp không vượt qua định kiến của gia đình, chấp nhận đường ai nấy đi khi tình yêu vẫn còn sâu đậm.

 

Hùng Tiến quen Ana khi cả hai cùng là du học sinh ở đất nước Úc xinh đẹp, kết thúc là một đám cưới đình đám ở quê nhà Việt Nam. Ngỡ rằng 4 năm yêu nhau trước khi cưới, hai người đã hiểu thấu về nhau, song khi đã kết hôn, cả hai mới biết cuộc sống hôn nhân vô cùng phức tạp không thể dễ dàng một sớm, một chiều thấu suốt. Ngặt một nỗi, bà Loan - mẹ Tiến là mẫu phụ nữ sống theo phong cách thời xưa, bà chăm chút tới những điều nhỏ nhặt, trọng gia đình, coi trọng công, dung, ngôn, hạnh - những thứ khá xa lạ đối với người phụ nữ phương Tây như Ana.

 

Ana biết mẹ chồng khó tính, chị chăm chỉ học tiếng Việt để nói chuyện với mẹ, cần cù học hỏi những phong tục tập quán của người Việt Nam, đọc thêm sách dạy nấu ăn để tự tay nấu cơm cho mẹ, cho chồng. Nhưng với bà Loan, những gì Ana làm không thể vừa mắt, bà muốn tất cả phải hoàn hảo ngay tức khắc, với bà, sự chờ đợi là không thể. Chính vì thế, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu ngày càng lớn.

 

 Ana biết mình thiếu sót, chị im lặng và cần mẫn trau dồi thêm, được thể bà Loan càng lấn tới. Bà bới lông tìm vết những lỗi lầm của nàng dâu, lấy cớ mắng nhiếc nàng. Tiến là người đứng giữa, yêu vợ nhưng cũng không dám cãi lời mẹ, anh luôn bị lôi vào trận chiến ỏm tỏi giữa hai người. Cho tới khi mẹ Tiến vác từ đâu về tờ giấy khám sức khỏe, báo tin bà đang mắc căn bệnh cao huyết áp, bà đòi Tiến ly hôn với Ana, nếu không bà suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe.

 

Khủng khiếp hơn, bà Loan một mực khẳng định với cậu con trai là chính mắt bà nhìn thấy Ana tay trong tay với “một người đàn ông cao to, tóc vàng, mũi lõ, rất thân thiết”. Bà nghi ngờ sự đoan chính của nàng dâu, trong khi Ana nước mắt ngắn dài giải thích đó là người bạn thân đồng hương với cô.

 

Sức ép quá lớn từ phía mẹ cùng với hàng loạt lời lẽ khích bác từ các cậu ruột – em của mẹ, Tiến lung lạc ý chí và cuối cùng anh đành lòng gửi đơn lên tòa án nhân dân huyện nhờ giải quyết.

 

Ana tiều tụy đứng lên trả lời những câu nghi vấn của vị chủ tọa. Có đôi khi định nói gì đó, từng câu chữ lại nghẹn trong cổ họng, cô bập bẹ vốn liếng Việt non nớt: “Tiếng Việt không quá rành, tôi không thể diễn tả được hết những suy nghĩ trong lòng. Tôi vẫn còn rất yêu chồng tôi, và tôi không hiểu được tại sao lại ra nông nỗi này”. Nói đoạn, Ana ôm mặt khóc nức nở trong ánh mắt chua xót, ân hận của Tiến.

 

Tới phiên Tiến nói, anh không nói gì nhiều, bởi có thể những gì anh nói ra quá đớn đau đối với người đàn bà có mái tóc màu hung đỏ. “Tôi xin tòa chấp thuận cho chúng tôi ly hôn”, Tiến dứt lời, cụp vội đôi mắt xuống nền đá lạnh lẽo, anh không dám nhìn sang phía người vợ mình, dù biết đôi mắt ấy đang vụn vỡ thành hàng trăm nghìn mảnh nhỏ. Ana đau. Tiến đau. Chỉ có bà Loan tỏ ý mừng vui ra mặt.

 

Tiếng búa gõ xuống, phiên tòa kết thúc nhưng nỗi đau trong lòng Ana, nỗi dày vò trong lòng Tiến chẳng biết khi nào sẽ thôi nhức nhối?

 

Theo Đang Yêu