Dâu út cũng chẳng sướng

Ngày Hảo quyết định cưới Nam, mẹ cô hớn hở: “Đoảng như con, làm dâu út thật may”. Thế mà được 2 tháng, Hảo bất đắc dĩ phải lên chức dâu trưởng.

 

Dâu út cũng chẳng sướng - 1


Nguyên nhân là anh chị chồng đã xong thủ tục định cư tại Canada. Hảo được mẹ chồng và chị dâu (trước khi bay) truyền đạt kinh nghiệm làm dâu trưởng khá nặng nề. Ngay hôm nhà có giỗ, Hảo được mẹ chồng giao toàn quyền lên thực đơn, tổ chức và sắp xếp trong khi các cụ bận đi du lịch cùng tổ dưỡng sinh.

 

Lần đầu làm khoảng 4 mâm cỗ, Hảo nghĩ đơn giản. Alô đặt hàng rồi sắp bát đĩa là xong. Nhưng đến khi bắt tay vào thực hành, cô mới tá hỏa. Chuyện đơn giản như cái tăm xỉa răng hay gói giấy ăn, Hảo cũng quên. Bát đĩa thì tìm kiếm khắp nhà cũng chưa đủ. Nhờ chồng giúp thì chồng cứ vờ như không phải việc của mình. Bí quá, Hảo đành gọi điện về nhà mẹ đẻ cầu cứu. Bố mẹ đẻ và em gái cô phải sang tiếp viện thì mọi việc mới suôn sẻ. “Thế mà hôm đó vẫn bị mẹ chồng mắng vì có 4 mâm cỗ cũng không xong. Làm dâu út như mình, ai cũng nghĩ sướng lắm” - Hảo ấm ức.

 

Cũng bất đắc dĩ phải kiêm chức “dâu trưởng” như Hảo là Xuân (Tây Hồ, Hà Nội). Xuân vụng nấu ăn, kém giao tiếp. Vài lần, cô định tham gia lớp “nữ công” nhưng ỷ có đến 2 chị dâu tháo vát trong nhà nên thôi. Đột nhiên, chị dâu cả chuyển vào Nam sống. Chị dâu thứ do bất đồng với mẹ chồng nên bị bà “từ mặt”, phải thuê nhà ở riêng. Xuân được mẹ chồng giao trọng trách đối nội - đối ngoại.

 

Ma chay, giỗ chạp, người nhà ốm đau, sinh nở, họ hàng dưới quê lên chơi hay những chuyện khác như mừng cháu đầy tháng… toàn đến tay Xuân. Với ngân sách mẹ chồng đưa hàng tháng, Xuân thấy đầu vào thì ít, đầu ra thì nhiều. Xuân than thở: “Đã thế, mẹ chồng cứ chỉ đạo, cho người này bao nhiêu tiền, biếu người kia bao nhiêu tiền. Bà rất thích hình thức mà”. Không dám ca thán nên Xuân toàn phải âm thầm bỏ tiền túi để xứng danh nàng dâu hiền trong mắt mẹ chồng. Không ít lần, Xuân ấm ức với chồng vì cô nghĩ, mình không phải dâu trưởng nên chẳng việc gì phải ôm đồm nhiều thứ thế.

 

Thu (Hải Phòng) toàn bị “kẹp giữa” mẹ chồng - chị dâu. Mẹ chồng và chị dâu cô vốn “kình địch” nhau nên hay kể xấu nhau qua Thu. Không ít lần, Thu bị đặt vào tình huống “luống cuống” chỉ vì hai người đàn bà trong nhà. Có lần, chị dâu sai: “Thu, bình hoa héo rồi, sao không bỏ đi?”. Nhưng lúc cầm hoa, định bỏ vào sọt rác thì mẹ chồng ngăn cản: “Hoa còn tươi. Mai hẵng vứt”. Cô lại “vâng” rồi lầm lũi đặt hoa vào chỗ cũ trước lời khó chịu của chị dâu dù đã cố biện minh: “Mẹ bảo mai mới vứt”.

 

Chưa hết, họ hàng nhà chồng, cứ “nhè” dâu út mới về mà “sai vặt”. Hôm nay, Thu nhận điện thoại chở bà cô đi mua sắm. Ngày mai, lại nhận điện thoại đón bác dâu ở bến xe... Thu cho biết: “Khổ kinh. Ai bảo gì cũng phải nghe. Không được cãi”.

 

Vơi bớt áp lực

 

Nhiều người quan niệm, dâu trưởng mới vất vả, còn dâu út thì được an nhàn. Thực tế không phải vậy. Về làm dâu thì con dâu phải theo nề nếp nhà chồng. Đừng ngay lập tức thoái thác (hoặc đòi thuê người khác làm thay) chỉ vì nghĩ mình là dâu út. Hãy cho nhà chồng thấy thiện chí của con dâu là cũng muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không ỷ lại cho dâu trưởng.

 

Chuyện đối nội - đối ngoại cũng nên lưu ý. Vật chất thì nên tùy hoàn cảnh nhưng thái độ thì nên chân thành, đặc biệt là đối với những người họ hàng ở quê. Là con, cháu ai cũng cần có trách nhiệm riêng. Nếu gặp khó khăn, đừng ngại nói ra để nhận được sự thông cảm và giúp đỡ từ mọi người. Chỉ có điều cách nói phải thực sự có thiện chí, không phải kể công hay nói xấu.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé