"Đất bằng nổi sóng" từ khi vợ có thu nhập, địa vị xã hội cao hơn chồng

Nếu một người phụ nữ mải mê theo đuổi sự nghiệp và thành đạt trong xã hội, rất có thể họ sẽ khó lấy chồng và cuộc sống độc thân đang chờ đợi bạn.

"Thành đạt khó lấy chồng", đây là nhận xét rút ra từ thực tế chứ không phải là từ suy luận. Nhiều nghiên cứu tâm lý học, xã hội học gần đây đã đi sâu vào thực trạng này như một vấn đề "nóng" nổi lên trong cuộc sống của phụ nữ thế kỷ 21.

Đàn ông không thích vợ thành đạt

Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 20 phụ nữ ào ạt nhảy vào lĩnh vực kinh doanh và nhanh chóng đạt được những thành công hơn cả nam giới. Đặc biệt là ở các nước phát triển, tiền lương và vị trí xã hội của phụ nữ ngày càng tăng,. Nguyên nhân có nhiều như phụ nữ được học hành và đào tạo không thua kém nam giới, những phát minh về biện pháp phòng tránh thai khiến họ hạn chế việc sinh đẻ, xã hội ngày càng có nhiều công việc mà phụ nữ có thể làm tốt hơn đàn ông. Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì nam giới càng mất đi ưu thế về cơ bắp.


Đa số đàn ông, dù thời đại nào cũng vẫn không thích phụ nữ thành đạt. Ảnh minh họa.

Đa số đàn ông, dù thời đại nào cũng vẫn không thích phụ nữ thành đạt. Ảnh minh họa.

Nhưng đối với nước ta điều này ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình vì từ lâu trong xã hội Việt Nam vẫn hình thành một khuôn mẫu là chồng phải kiếm được nhiều tiền hơn vợ thì gia đình mới hạnh phúc. Cho nên cánh mày râu hiện đại vẫn đầy mặc cảm nếu vợ thành đạt hơn mình. Chính vì thế phụ nữ càng thành đạt càng khó lấy chồng. Đàn ông bình thường không muốn lấy vợ giỏi hơn mình. Đàn ông thành đạt càng không cần phải lấy vợ thành đạt mà thích vợ kém mình và ngoan hiền dễ bảo.

Có những cô gái phải tự "phanh" mình lại nếu muốn lấy chồng. Một cô 28 tuổi vừa làm thạc sĩ xong, được hội đồng đánh giá cao và cho làm tiếp nghiên cứu sinh. Cô ngập ngừng nói với Ban giám khảo:"Thưa các thày, em mới thạc sĩ đã khó lấy chồng rồi, nếu làm tiến sĩ nữa thì chắc chắn ế. Các thày có thương em thì để em lấy chồng xong rồi lại học tiếp ạ".

Năm 2014, một công trình nghiên cứu trên quy mô lớn với hàng nghìn gia đình trẻ ở thành phố, cho thấy khi chồng làm trụ cột gia đình và vợ ở nhà nội trợ hoặc có đi làm nhưng lương thấp hơn chồng thì tổ ấm gia đình vẫn bình yên. Đất bằng nổi sóng từ khi vợ có thu nhập và địa vị xã hội cao hơn chồng, những trận cãi cọ nổ ra nhiều hơn và nguy cơ ly hôn tăng lên đáng kể. Thậm chí có phụ nữ được đề bạt chức vụ cao hơn phải xin rút để chỉ ngang với người yêu thì cuộc hôn nhân mới thuận buồm xuôi gió.

Cho nên khi người phụ nữ thành đạt đã đến 35-40 tuổi mà chưa có chồng, họ đứng trước hai lựa chọn: Một là lấy đại một người miễn là có chồng, cho cha mẹ vui lòng, họ hàng khỏi nhắc nhở và xã hội không coi mình là "gái ế". Hai là sống độc thân.

Khó tìm "đũa bằng đôi"

Nhưng ở nước ta khái niệm sống độc thân cũng đồng nghĩa với bất hạnh. Người ta hay nói: "Khổ thân con bé ngoan hiền giỏi giang thế mà không có chồng". Bởi vì theo quan niệm truyền thống, người hạnh phúc là người phải có chồng con và tất nhiên người không có chồng là không hạnh phúc. Thế hệ cha mẹ lại càng nghĩ như vậy, mặc dầu hôn nhân của họ đâu có hạnh phúc.

Thực tế cho thấy, một cô gái 35-40 muốn lấy chồng mà tìm một anh ngang tuổi là rất khó. Khi bạn 20 tuổi đầy các chàng 20 theo đuổi. Nhưng khi bạn 30 tuổi thì những anh chàng 30 không theo đuổi bạn nữa mà họ đi tìm những cô gái 25. Thế là gái 30 trở lên phải nhằm vào đối tượng hơn tuổi, có thể chấp nhận cả những ông đã qua một đời vợ. Nhưng những ông này một là thích lấy vợ trẻ, hai là không cần vợ thành đạt vì càng thành đạt càng khó chỉ huy.

Ngày càng nhiều phụ nữ tuổi 35-40 quay sang để mắt đến phi công trẻ, kể cả trẻ hơn khá nhiều. Nhưng có ai dám chắc những chàng trai trẻ này sẽ trung thành với "máy bay bà già" đến trọn đời, hay hôn nhân lại rơi vào bi kịch khác?

Hãy hạnh phúc khi sống một mình

Ai cũng biết hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng, nó phụ thuộc vào cảm nhận của chúng ta chứ không đo đếm được. Vậy, sống độc thân có hạnh phúc được không?

Trước khi trả lời câu hỏi này xin giới thiệu một kết quả khảo sát ở một số nước phát triển cho thấy, trong độ tuổi 30-50, phụ nữ độc thân có nhiều thành công hơn những người bạn của họ đã kết hôn. Sức khoẻ tâm lý tốt hơn, ít bị trầm cảm hơn. Cho nên bạn đừng coi sự tự do của bạn như một nỗi buồn và càng không nên coi đó là điều bất hạnh. Độc thân là cơ hội để bạn có được một nghề nghiệp vững vàng, một mức lương cao, đi du lịch nhiều nơi, giao tiếp với những người thú vị.

Vậy tại sao bạn không tận hưởng trạng thái tự do của mình ? Có lẽ đàn ông hiểu ra điều này sớm hơn phụ nữ. Nhưng muốn tận hưởng được hạnh phúc đó, bạn phải có một công việc. Bạn không phải bận rộn với gia đình nên bạn có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi để làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ. Bạn có thể sẵn sàng đi công tác xa và nếu cần có thể chuyển đến một nơi công tác mới.

Bạn đừng mặc cảm là đi đâu cứ phải có đôi. Đừng ngại một mình đến chỗ đông người. Nhiều khi sự xuất hiện một mình lại được nhiều người quan tâm săn sóc hơn. Bạn cần có bạn bè thân thiết để chia sẻ. Nếu những người có chồng gần như chỉ có một người bạn, thì bạn có nhiều bạn hơn, kể cả bạn khác giới mà không sợ ai ghen hay khó chịu. Bạn nên có những sở thích như say mê đọc sách, xem phim, nghe nhạc, khiêu vũ, du lịch… Đừng để cuộc sống tẻ nhạt, thừa thời gian mà không biết làm gì.

Bạn có điều kiện chăm sóc bản thân nhiều hơn vì bạn có thì giờ tập thể dục, đi bộ, ghé thăm những salon làm đẹp. Chắc chắn bạn phải trẻ trung, xinh đẹp, duyên dáng, hấp dẫn hơn. Nếu có điều kiện, bạn nên làm từ thiện, mang lại lợi ích cho người khác. Bạn sẽ cảm nhận niềm vui tâm hồn khi thấy mình có ích cho xã hội hơn những người chỉ biết chăm lo cho tổ ấm nhỏ bé của họ.

Điều quan trọng nhất là bạn phải cảm thấy mình là người hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống, bất kể bạn có kết hôn hay không. Tất nhiên sống độc thân không có nghĩa là không yêu, không quan hệ tình dục, vì lợi ích của nó như thế nào chắc bạn quá biết. Bạn cũng nên biết quyền sinh đẻ là quyền hợp pháp của mọi phụ nữ nếu họ muốn, chứ không phải chỉ là "đặc quyền" của phụ nữ có chồng.

Có điều muốn hạnh phúc bạn phải học được kỹ năng sống một mình. Chắc chắn kỹ năng này không khó bằng kỹ năng chung sống với người khác. Lâu nay chúng ta thường quan niệm cứ phải đông người mới vui, thấy ai ngồi một mình là thương người ta buồn. Thực ra đông có cái vui của đông, một mình có cái vui một mình. Thí dụ như đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh, tư duy về vấn đề gì đó. Có người thích cảnh hàng trăm người ngồi xem bóng đá trên ti-vi rồi nhảy lên la hét. Có người lại thích một mình xem cái ti-vi to tướng với cốc bia trong tay.

Ngày trước các cụ nói: "Làm một mình lam lũ, ăn một mình cực thân". Giờ ôm cái máy tính ngồi làm việc một mình là chuyện thường, Buổi tối vừa ngồi ăn một mình vừa xem phim, nghe nhạc có cái thú của nó. Nếu bạn không thể nào tìm thấy niềm vui một mình, bạn phải xem lại mình. Sau nhiều năm quan sát cuộc sống hôn nhân của mọi người tôi rút ra là, nếu một người nào đó không thể hạnh phúc được khi sống một mình thì họ cũng khó có hạnh phúc dù sống với bất kỳ ai.

Nếu bạn đang độc thân, bạn đừng nghĩ là mình bất hạnh, càng đừng nên nghĩ không có ai thích sống với mình mà đó là lựa chọn của bạn. Đặc biệt với những người làm việc trí óc. Một nghệ sĩ có tên tuổi, từ nhiều năm nay sống một mình, tâm sự: "Cha mẹ tôi không hợp nhau và đã ly hôn nhiều năm. Trước khi qua đời cha tôi dặn: muốn trở thành nghệ sỹ lớn, con hãy đạt tới sự... cô đơn". Thống kê cho thấy tỷ lệ người độc thân tăng liên tục trong những năm gần đây trên phạm vi toàn cầu. Các nhà tương lai học dự báo năm 2020, khoảng một nửa nhân loại không kết hôn.

Theo Trịnh Trung Hòa
Dân Việt