Công nghệ đang “nuốt chửng” nhà tôi

(Dân trí) - Không phải kẻ lạc hậu, nhưng những gì đang diễn ra lại khiến tôi trở nên nóng tính và khó chịu bởi sự xâm nhập vô hình của các trang thiết bị hiện đại như thế giới internet, điện thoại thông minh, máy tính bảng…gây trở ngại lớn trong gia đình.

Hồi mới lấy nhau, tôi thường xuyên phải công tác xa, muốn trò chuyện với vợ, nghe con bi bô gọi bố xem ra là cả một vấn đề to tát, nên những ngày gần gũi, gia đình sáp lại nhau như keo dính chặt. Ấy vậy mà khi xã hội phát triển, mọi thứ được công nghệ hóa, con người trở nên xa cách, thích giao tiếp bằng không gian ảo, giống như không chung sống dưới một mái nhà.

Công nghệ đang “nuốt chửng” nhà tôi



Tháng tới là sinh nhật gái nhỏ, hỏi “con muốn gì?”, nó nhanh nhảu “điện thoại thông minh bố nhé!”. Thấy tôi nhăn mặt, con bé giải thích “con có thể đọc sách trên máy cơ mà! Có thể học tiếng Anh bằng hình ảnh nữa”. “Hại mắt, hại tai chứ bõ bèn gì. Cứ rảnh rỗi bố lại thấy con ôm khư khư điện thoại bấm bấm, dí dí. Nếu không thì cũng đeo phone nhún nhảy. Thế giới của con bây giờ là mấy cái máy sành điệu, mấy chiếc sim kỹ thuật số kia à?” - tôi gằn giọng, con bé cúi đầu im lặng. Đã mấy lần tôi cảnh cáo nó cái tội “lười giáp mặt bố” mà lại nhắn tin xin tiền học thêm nhà thầy.

Vợ tôi cũng vậy. Do làm việc nhà nước nên nhàn hạ. Sáng bảnh mắt đã thấy ngồi vào máy tính lướt facebook, update trạng thái, kết nối bạn bè từ thời cổ kim…Tôi vô tình trách móc thì giận lẫy “phải để cho em bằng bạn bằng bè chứ! Anh muốn em thua thiệt thiên hạ à?” Công nhận là đã lâu lắm rồi hai vợ chồng không có thời gian cùng xem một bộ phim trình chiếu trên TV, cười sảng khoái, vui vẻ như dạo nào. Tôi thắc mắc, nàng đốp trả “trên mạng thiếu gì, lên đó mà xem!”. Đến giờ đi ngủ, để điện sáng trưng, tôi lầm bầm “khó ngủ quá” nàng lao vội tắt đèn, chấp nhận mò mẫm với ánh sáng vài pixel le lói phát ra từ cái laptop đặt trên đùi.

Giai lớn tồng ngồng mà nhiều khi còn ngồi vắt chân trong phòng, nhắn tin cho mẹ nhờ pha giùm ly cà phê đá, khen lấy khen để rằng “chỉ mẹ mới pha ngon” để còn tiết kiệm thời gian duyệt trình web, chơi game trực tuyến. Có lần tôi suýt té ngửa khi nghe nó tuyên bố hùng hồn “tao cầu hôn với mày rồi đấy. Hôm qua tao đã mua các phụ kiện mới cho em yêu, nào mũ, nào vòng vàng, kim cương, quần áo…Mày đồng ý đi!”

Và ngay cả bản thân tôi, thi thoảng cũng bị internet quyến rũ. Đúng là internet rộng lớn, ôm đồm tất thảy, khiến thế giới điên đảo, thú vị đầy cám dỗ. Vì thế mà cuộc sống thực, người thực, những thành viên thực trong nhà ngày một mờ nhạt, “ngán ngẩm”, không xa hoa, mĩ miều, e lệ như trên mạng. Nhưng tôi biết điều đó chỉ đơn giản là thói quen “xài” nhiều đâm nghiện, phải có biện pháp cai dần.

Loáng thoáng ở cơ quan, tôi nghe thấy mấy bà lào xào chuyện chị trưởng phòng vật tư đang dùng biện pháp “cưa cẩm từ xa” một ông hoàng “danh giá” nào đó trên sở. Thoạt đầu chỉ là “chiêu trò thách đố” của đám phụ nữ “rỗi hơi” khi muốn dạy bài học sắt đá, cử hoa hậu mặn mà nhất nhóm để dằn mặt tên “đẹp mà kiêu căng” nhưng không ngờ hai người lại “mê mết” thật. Không biết vợ tôi có “ghiền giai” như thế, hay chỉ ghiền facebook nhưng tôi cũng đôi lần lén kiểm tra mà vẫn chưa phát hiện “triệu chứng” khuất tất gì. Tuy nhiên công nghệ quả là đáng sợ, ám ảnh tôi về một hạnh phúc gia đình. Có lẽ mỗi người chúng ta nên hạn chế “đụng chạm” thiết bị để thêm gần gũi, chia sẻ cùng các thành viên khác, duy trì cuộc hôn nhân bền vững hơn.

C.Nguyễn