“Con yêu, con ghét”

Nhiều trẻ từ khi sinh ra đã phải chịu áp lực lớn từ chính những người thân chỉ vì bé ra đời không đúng với niềm mong muốn của gia đình. Thế nhưng, đó đâu phải là lỗi của chúng.

“Con yêu, con ghét” - 1
Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô

 

Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng anh Tuấn Minh và cô con gái xinh xắn, thông minh là niềm mơ ước của biết bao người. Riêng anh Minh lại chưa thoả mãn, anh “khát” một quý tử.

 

Vợ mang thai lần thứ hai, anh chán nản khi biết lần này lại là một “thiên nga”. “Biết trước là con gái, đẻ làm gì cho mệt thân”. Lần đầu vợ sinh mổ nên lần này được xem như là cơ hội cuối cùng để anh tìm mụn con nối dõi. Con bé được bố đặt ngay cho một cái tên Lê Chung Thân với ý nghĩa bé là bản án chúng thân của đời anh.

 

Không biết từ bao giờ, bé Thân lớn lên với ý nghĩ: “Mình không muốn làm con gái. Mình muốn là con trai”.

 

Lỡ “dính” nên phải sinh

 

Trong khi bao gia đình mong ngày mong đêm vẫn không thấy tin vui thì có những cặp vợ chồng lại được ông trời quá ưu đãi.

 

Bốn tháng sau khi sinh, chị Hồng Vân, vợ anh Ngọc Thiên, lại cấn thai. Với thu nhập từ đồng lương công nhân của hai vợ chồng, nuôi dạy hai cậu con trai sinh đôi đã là quá sức nên họ không có ý định sinh thêm con.  

 

Chị Vân bị vỡ kế hoạch vì cho rằng mình đang trong thời gian cho con bú nên không thể thụ thai. Anh bảo chị đi phá. Chị phản đối vì “Bỏ con là tội lớn”.

 

Sau khi sinh, sức khoẻ của chị Vân giảm sút, đành phải ở nhà trông con. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình giờ chỉ trông chờ vào lương của anh.

 

Tháng trước, công ty giải thể, anh Thiên vẫn chưa tìm được việc mới. Cuộc sống gia đình anh chị thật sự bế tắc. Anh quay sang đổ lỗi cho cô con gái “khắc mạng” với mình…

 

Cuộc sống không luôn luôn như ý của chúng ta. Trẻ con hoàn toàn vô tội. Chúng không có lỗi trong những vấn đề của người lớn. Bố mẹ không nên trút nỗi thất vọng của mình lên đầu con trẻ. Mọi đứa trẻ đều có quyền được yêu thương và phát triển. Ngay cả khi trẻ được sinh ra không đúng với mong muốn, bố mẹ cũng đừng bao giờ khiến trẻ cảm thấy mình chỉ là người thừa, kẻ lạc loài trong gia đình.  

 

Một giọt máu đào hơn ao nước lã, con nào chẳng là con, sao có thể con yêu, con ghét? Đừng để trẻ lớn lên trong những ý nghĩ lệch lạc, bi quan về bản thân.  

 

Theo Tiếp thị & Gia đình