Con khó dạy tại... gameshow?

Đứa con gái 13 tuổi của tôi một hôm thỏ thẻ với mẹ: “Trường tổ chức cuộc thi học sinh tài năng, con đăng ký tham gia rồi mẹ ạ”, rồi cháu “trả bài” cho tôi xem...

Con khó dạy tại... gameshow?


“Cuộc thi này đã làm thức dậy đam mê trong em. Em tin vào chiến thắng của bản thân, sẽ làm món quà dành cho ba mẹ!”, con gái giải thích phải nói trôi chảy giống các thí sinh trên truyền hình mới mong gây ấn tượng với ban giám khảo!

 

Con gái còn bảo: “Mấy bạn đi thi như con ai cũng bắt chước trên tivi hết, có bạn còn giả vờ “đối đáp lượm liền” với ban giám khảo nữa, xem vui lắm”. Tôi giật mình: thì ra các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình bấy lâu tác động đến suy nghĩ của con tôi mạnh như vậy. Vậy mà tôi nào hay biết, cứ đến giờ có chương trình thì mở lên để cả nhà cùng xem, cùng giải trí. Khi đó con gái tôi chỉ xem chứ tuyệt không một lời bàn tán về chuyện ăn mặc, ứng xử, thi thố của thí sinh, vậy mà...

 

Mấy hổm rày con gái cứ loay hoay thúc giục mẹ lo đồng phục, mỹ phẩm. Tôi chọn cho con bộ này, con liền chỉ tay chọn bộ cánh màu mè, sặc sỡ chẳng phù hợp với tuổi của mình. Con mặc vào rồi xoay qua xoay lại soi gương, rồi tập cười, tập nói, rồi hỏi tôi: “Trên tivi người ta cũng mặc như vầy đó mẹ, như vậy mới ấn tượng. Đứng trước ban giám khảo, có phải mình cần nhất là sự tự tin không mẹ? Bạn bè con bảo rằng chỉ cần tự tin, biết cách tạo ấn tượng thì mình sẽ chiến thắng, chứ khả năng thật sự chỉ là một phần thôi. Có bạn còn thành lập nhóm hâm mộ để ủng hộ bạn ấy trong quá trình thi nữa đấy”.

 

Tôi phải giải thích với con thế nào đây, khi con tôi và bạn của nó đã quá ấn tượng với những gì diễn ra tại các cuộc thi truyền hình? Tôi là một giáo viên, cũng thường dạy học sinh phải biết xây dựng niềm tin, sự tự tin, bản lĩnh ở chính những gì mình có. Nhưng con gái tôi lại đi bắt chước sự tự tin ở một cuộc thi hào nhoáng nào kia. Phải chăng trong hành trình dưỡng dục con cái, phụ huynh chúng tôi đã thua các chương trình gameshow?

Nguyễn Thiều Chi (Vũng Tàu)

 

Dạy con nhận đúng giá trị bản thân

TS Võ Văn Nam, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, đại học Sư phạm TPHCM

 

Các chương trình gameshow truyền hình của chúng ta hiện nay dường như đang có một điểm chung: cố gắng thể hiện sự khách quan, tự nhiên ở các thí sinh như các chương trình nước ngoài. Thế nhưng, sự khách quan đó lắm khi là xếp đặt cố tình. Nếu giải trí đơn thuần thì không nói làm gì, nhưng có lẽ chúng ta chưa nghĩ tới những tác động đến khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi. Các cháu vẫn luôn nghĩ rằng những người đẹp nhất, tài năng nhất thì mới tham dự các cuộc thi. Vì vậy, bất kỳ một lời nói, một hành vi ứng xử, một kiểu ăn mặc trên truyền hình cũng có thể làm các cháu bắt chước theo. Sẽ thế nào đây nếu ban tổ chức vô tình hay bằng cách nào đó cho lên sóng một thí sinh có vấn đề về tâm thần nhưng cứ ảo tưởng mình sẽ chiến thắng? Hay thản nhiên để một thí sinh không tài cán gì, vô tư lên sân khấu tán hươu, tán vượn với ban giám khảo... rồi cho rằng tất cả những thí sinh này đang tự tin vào bản thân, tung hô sự tự tin ấy? Sẽ rất nguy cấp nếu những khán giả nhỏ học phải sự “tự tin” như thế.

 

Về phía nhà trường và các bậc cha mẹ, cần chỉ rõ cho con thấy giá trị bản thân của con. Rằng sự tự tin chỉ có thể tìm thấy ở chính khả năng thật sự của mình. Các cháu cần nhận thức rằng những gì diễn ra ở các cuộc thi chỉ nhằm mục đích giải trí. Và nếu các cháu muốn đuổi theo, bắt chước, thì cha mẹ nên hướng cho con những mẫu hình tích cực, phân tích để con hiểu thế nào là đẹp, là xấu, là tốt.

 

Xin đừng cho lên sóng những hành vi kệch cỡm

Phan Lê Dung, 34 tuổi, quận 5, TPHCM

 

Những gia đình trí thức còn có biện pháp xử lý tình huống con cái bị tác động quá mạnh bởi truyền hình. Chứ còn với những gia đình công nhân, lao động, lắm khi cha mẹ phải bối rối với những lý lẽ từ con cái. Đứa con trai học lớp 5 của tôi, chỉ tham gia biểu diễn văn nghệ ở trường thôi nhưng cháu cũng đòi bố mẹ dẫn ra tiệm làm tóc, mà phải nhuộm màu, vuốt keo bóng láng mới chịu! Cháu bảo như vậy mới giống ca sĩ biểu diễn. Khuyên con không nghe, chúng tôi dùng biện pháp mạnh thì con khóc la, trách hờn, không chịu tham gia văn nghệ nữa. Có khi chúng tôi bất lực trước những đòi hỏi của con. Tan học về là cháu đòi mở tivi, rồi dán mắt vào mấy cuộc thi âm nhạc. Cháu còn đòi tôi mua cho điện thoại để nhắn tin ủng hộ. Lỗi này do đâu?

 

Tôi chỉ mong những người tổ chức các cuộc thi trên truyền hình hãy đưa mục đích giáo dục lên hàng đầu, không nên vì lợi nhuận, vì mục đích thu hút đám đông mà cố tình gán ghép, cho lên sóng những hành vi kệch cỡm, ứng xử vô bổ rồi cho đó là tự tin. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống của thế hệ trẻ thời nay.

 

Con tôi cũng từng là nạn nhân

Nguyễn Anh Tài, 52 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM

 

Con trai tôi cũng làm tôi một phen khốn đốn. Sau khi xem trò nuốt cá kèo ở cuộc thi VietNam Got Talent vừa qua, con trai tôi bắt đầu đi học võ, rồi về nhà xếp gạch, lấy tay đấm vào cho đến khi nào gạch vỡ! Lúc khác cháu lại làm liều, nằm nhoài ra sàn, bảo đứa em nhỏ cưỡi xe đạp cán qua mình! Cũng may chúng tôi phát hiện kịp thời, can ngăn, giải thích khéo léo cho con hiểu không cứ bắt chước những trò trên tivi thì mới có tài năng, thì mới là tự tin. Mong rằng những cuộc thi đó hãy gạn đục, khơi trong một cách khách quan nhất để đem đến những phút giải trí đầy ý nghĩa cho khán giả khắp nơi.

  

Theo Sài Gòn tiếp thị