Con dại cái mang

(Dân trí) - Đi ngủ rồi bỗng bác Miên nghe có tiếng gọi, bước ra mở cửa thì thấy con gái đang khóc ròng, buông thõng túi hành lý nhẹ tòm xuống ôm chặt lấy mẹ. Như hiểu ra cơ sự chẳng lành, bác khẽ nói: "Đừng buồn con, có mẹ đây rồi".

Con dại cái mang - 1
Hình minh họa: Corbis.
 
Ngày gả con đi lấy chồng, bác khóc đến ngất. Bởi cuộc sống gia đình bác quá toàn vẹn hạnh phúc. Bác là Đảng viên từng nhận nhiều bằng khen cao quý sau bao năm cống hiến, nhà bác còn liên tục được công nhận là gia đình tiêu biểu của thành phố, danh hiệu đáng tự hào ấy không phải nhà nào cũng có, vậy mà, chỉ có một điều khiến bác phiền muộn đó là chàng rể không ưng ý.

 

Một người nom không có hậu, đến chơi không biết chào hỏi, ăn nói trống không, đến bữa như ông tướng trong nhà, sai phái hết người này người nọ, công ăn việc làm không có, ăn bám bố mẹ…. đâu thể là một người có giáo dục, có ích cho xã hội này.  

 

Từ khi nghe mọi người xung quanh kháo nhau, bà mẹ anh ta cướp chồng của chị gái mình, bác đã rợn người, có ý "bới" ra, Song tình yêu đôi khi có những lý lẽ, dù là sai nhưng người đang yêu vẫn luôn mù quáng, chẳng đếm xỉa đến.  

 

Bác răn và đe con không được, "lực bất tòng tâm" đành cho chúng lấy nhau, lòng thấp thỏm không yên. Và hôm nay có chuyện xảy ra lòng bác nóng như lửa đốt, cố chuẩn bị tinh thần nhưng bác cũng không lường được rằng sự việc còn tệ hơn thế, bác bàng hoàng rồi cắn răng "con dại cái mang".

 

Giá tỉnh táo hơn con gái bác đã không phải tủi cực, khóc thầm vậy. Nó cứ nín nhịn và mẹ con họ càng được nước lấn tới "cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng".

 

Sau hôm nó về thì có điện thoại bà thông gia gọi đến ngọt nhạt:
 
- "Bà về dạy lại con gái bà đi, tưởng cành vàng lá ngọc thế nào, ra là phường vô giáo dục, đang đêm bỏ nhà đi".

 

- "Tôi tưởng bà đuổi cháu đi?".

 

- "Tôi tống cổ nó đấy, bà về dạy lại rồi dẫn đến đây xin phép thì tôi cho vào nhà".

 

Tất cả các mạch máu dồn lên thái dương bác bừng bừng. Nhưng vốn mực thước, bác mau chóng lấy lại được bình tĩnh:
 
- "Bà về dạy con bà trước đi đã".

 

- "Nhà tôi không chứa chấp loại lười biếng chẳng chịu làm ăn gì?"  

 

- "Gia đình tôi đều được ăn học tử tế, còn ai không có học người đó tự biết. Con tôi có nghề nghiệp đàng hoàng, vì sức khỏe nên nó chấp nhận ở nhà dưỡng thai, song không vì thế mà nó trở thành ăn bám, khi nó về nhà chồng cũng được cầm theo đồng to đồng bé".

 
- "Tôi chẳng thấy!"

 

- "Hỏi ông con vàng bạc và cờ bạc của bà đi. Cũng có thể ai đó đã bòn rút hoặc nó đổ hết xuống cống cho chó ăn rồi cũng nên, tối qua nó về với tôi chỉ với hai bàn tay trắng".

 

Bà ta "ngọng" luôn, bác cụp máy. Bác trai quát: "Tiếp chuyện loại vô lương tâm ấy làm gì".

 

- "Cũng phải xem họ nói gì chứ, dập máy luôn có bằng họ à?"

 

Cô con gái ôm đầu nức nở. Vì nó mà nhà rối loạn, tại nó thôi đi làm, hết lương, bà ta coi như cái gai trong mắt. Không xin xỏ được gì đâm ra ức chế, ghét bỏ, bà ta sai con bé làm cả những việc nặng như xách nước, thồ hàng, quần quật suốt mà vẫn thường xuyên bị dằn hắt, chửi bới.

 

Bác mếu máo cùng con. Bác dạy nó ngoan có tiếng. Cô bé hiền lành, thật thà không ngờ rằng cuộc sống nhiều bất trắc. Các chàng trai "lấp lánh nhiều nhưng sáng chẳng bao nhiêu". Nó mông muội với niềm tin rằng tình yêu chân chính của mình là đây, để rồi cứ đắm đuối, mê mải. Ấy thế mà mối tình vượt qua bao sóng gió ấy đã tuyên bố: "Kể cả có chửa anh vẫn bỏ em đấy, em phải biết điều hơn".

 

Biết điều là thế nào? Là cung phụng đầy đủ mỗi lần hắn chén chú chén anh, là bụng chửa lễ mễ đi mua rượu cho chồng?

 

Ngoan là thế nào? Là đáp ứng tiền cho hắn tối ngày ngồi bên chiếu bạc, sát phạt.

 

Lễ phép là sao? Là phải vâng lời, ai nói gì nghe nấy, ai bảo gì làm nấy kể cả ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của hai mẹ con.

 

Bà chửa nào được như thanh niên, chẳng thể cập được với yêu cầu "biết điều" ấy. Họ đá nó ra đường, cho về với mẹ đẻ với thông điệp ngầm, mẹ dạy con đi, khi nào mẹ tròn con vuông, mang thêm ít của nả thì hãy về.

 

Nó kể những niềm tâm sự cố giấu bao lâu khiến bác đau quặn ruột. Rồi nó bỗng vui vẻ, hoạt bát hơn: "Không hiểu sao mấy hôm nay con không bị đau lưng, đau bụng, đầu óc cũng thảnh thơi, thoải mái quá!".

 

Bác lại rớm nước mắt thương con. Bác chẳng thể giúp được nhiều, chỉ biết cưu mang hai mẹ con, trao cho nó tình yêu thương vô bờ bến, vô điều kiện của mình, mong bù đắp phần nào.

 

Bác cứ nghĩ ai cũng như mình, nên không thể tưởng tượng nổi thời nay vẫn còn những gia đình tệ bạc, không còn chút tình người như thế! Dẫu sao bác vẫn tâm niệm một điều, có phúc có phần, mình làm gì có ông Trời biết và lương tâm mình thanh thản, vậy là đủ!

 

TSL