Cô vợ “hoang tay”

Sắp đến sinh nhật mình, Thảo nhất quyết đòi chồng mua cho thỏi son màu cam của Hàn Quốc. Nhưng đến khi bóc quà, Thảo lại chê, cho là kiểu son môi này “nhà quê”. Sau đó, cô bỏ mặc thỏi son nằm chơ vơ một chỗ, mặc chồng xót ruột vì tiếc của.

 

Cô vợ “hoang tay” - 1


Đây không phải lần đầu tiên, Thảo muốn thì đòi cho bằng được và không thích thì cũng bỏ cho bằng được. Anh Tùng (chồng Thảo) mặt dài thườn thượt chia sẻ: “Bỏ ra bốn năm trăm nghìn mua son cho vợ. Cuối cùng lại phải đắp chiếu cho nó”.

 

Anh Tùng hơn vợ cả tài lẫn sắc nhưng gia đình đều bảo, Thảo át được vía chồng. Nếu muốn sắm cái váy mới, đôi giày thời trang, Thảo chỉ cần “nũng nịu” là anh đồng ý ngay. Chính vì thế, trong gia đình, Thảo giống như trung tâm vũ trụ, muốn gì được nấy.

 

Anh Tùng kể: “Tôi kiếm được tiền và vợ tôi cũng vậy. Cuối tuần nào, cô ấy cũng đi mua sắm cùng bạn bè. Nhưng bộ đồ nào cũng chỉ mặc được một vài lần rồi chán”.

 

Cái gì Thảo cũng nhiều, kem dưỡng da gần chục lọ, nước hoa vài chai, giày dép đầy một ngăn, quần áo thì chật tủ, choán hết cả chỗ để trang phục của chồng… Họ hàng hay bạn bè mỗi lần đến chơi lại trầm trồ với bộ sưu tập thời trang của Thảo. Được nhiều người ngưỡng mộ, cô càng vui, càng được thể sắm tiếp. “Tôi không cấm vợ mình làm đẹp nhưng thừa quá, nhiều khi cũng tiếc” - anh Tùng than thở.

 

Những lúc anh Tùng nhẹ nhàng góp ý, Thảo không ngại so bì: “Chỗ này chỉ bằng một bữa nhậu của các anh chứ mấy. Em không thích bia rượu thì em phải mua sắm”.

 

Với Thảo, thú vui mua hàng dường như thành cơn nghiện, cứ ra ngoài phải tiêu đến đồng xu cuối cùng, không thì thấy trong lòng bứt rứt. Thế nên trong nhà, cái gì cũng có thể trở thành bộ sưu tập, chai nước mắm hay gói mỳ tôm, lọ kem đánh răng, ngay cả đến giấy vệ sinh, Thảo cũng thích sắm một lúc vài loại. Đang ăn dở chai nước mắm này mà thấy không ngon, Thảo sẵn sàng bỏ đi, chuyển sang dùng chai khác.

 

Có lần, Thảo ngồi dọn dẹp được nguyên cả tải quần áo không dùng đến. Một số cái, Thảo khoác lên người một lần rồi chán, cũng không buồn giặt lại, khiến cái áo trắng mốc meo. “Cô ấy bảo mang về cho chị em họ ở quê. Quê tôi thuần nông, thử hỏi có chị nào chịu mặc quần ngắn với áo trễ ngực” - anh Tùng kể tiếp.

 

Mỗi khi anh Tùng đề xuất kế hoạch tiết kiệm thì vợ gạt đi, bảo: “Đời được mấy tý. Sao anh cứ phải khổ thế?”. Anh Tùng lo lắng, với đà tiêu pha mạnh tay của vợ, sẽ có lúc, gia đình khánh kiệt. Hoặc biết đâu, công việc làm ăn của chồng xuống dốc, không đáp ứng được thói quen sa hoa của vợ, hạnh phúc gia đình sẽ lung lay.

 

Khi vợ “hoang tay”

 

Người vợ “hoang tay” có thể do thói quen tiêu xài tùy tiện từ hồi trẻ. Lúc còn độc thân, không ít chị em ở vào hoàn cảnh “được đồng nào, xào đồng ấy”. Những cô được sinh trưởng trong gia đình “có của”, sẵn có thói quen hoang phí thì bản tính này càng khó sửa đổi, dù họ đã lập gia đình. Nếu lấy được chồng phóng khoáng, yêu chiều vợ thì nhóm cô vợ này càng “được đà lấn tới”.

 

Dù kinh tế có khá giả đến mấy, vợ chồng cần cùng nhau cân nhắc, so sánh mức chi tiêu gia đình để cùng tiết kiệm. Tiết kiệm từng khoảng nhỏ sẽ giúp gia đình có khoản dư lớn.

 

Có một người vợ biết thu vén gia đình là điều đáng quý. Bởi lẽ, tài chính gia đình không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Hơn hết, người vợ cần là hậu phương, là người giữ chắc tay hòm chìa khóa, phòng khi sa cơ.

 

Trái lại, nếu người vợ tiêu xài hoang phí thì chồng dù có phóng khoáng đến mấy cũng không tránh khỏi cảm giác tiếc rẻ. Có khi mâu thuẫn vợ chồng sẽ nảy sinh từ đó.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé