Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2018:

Có nghìn nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về

(Dân trí) - ... "Đôi khi, thấy chú gà con lạc mẹ kêu chiếp chiếp hốt hoảng kiếm tìm, thấy con mèo hoang tìm chỗ ngủ co ro bên hiên nhà vào những ngày mưa gió, chạnh lòng nhận ra thứ đáng sợ nhất chính là cảm giác bơ vơ, lạc lõng..."

Gia đình, ở đó có thể có nhiều thế hệ, với những lối sống và cách nghĩ khác nhau. Ở đó có thể có những bất đồng, có giận hờn, cãi vã. Ở đó có thể có cả những giọt nước mắt khổ đau. Nhưng sau tất cả vẫn là tình thương yêu vô bờ bến.

Có nghìn nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về - 1

Gia đình, nơi ta có thể lột bỏ thứ mặt nạ vẫn đeo hàng ngày, có thể tự nhiên khóc cười, xuề xòa, nhí nhố. Là nơi ta thường bị cằn nhằn nhiều nhất, là những sự quan tâm nhiều khi thái quá khiến ta có chút phiền hà. Là khi bé ta khó chịu vì bị kèm cặp, lớn lên rồi mới thấy khát thèm những nhắc nhở quan tâm. Ngày bé thì ước lớn lên để tung cánh bay xa, lớn lên rồi chỉ ước giá như mình bé lại. Để được cha cõng trên lưng, để được mẹ ngồi buộc tóc, để chị em hú hí bên nhau, chí chóe khóc hờn, để sum vầy bên bữa cơm đạm bạc nhưng vô cùng ấm cúng.

Gia đình, ấy là những khi ta sai lầm lỡ bước, là khi ta bị tất thảy quay lưng, thì vẫn có những người sẵn sàng dang tay đón ta về, bao dung và rộng lượng. Mọi người trên đời này đến bên ta, không ít thì nhiều đều mưu cầu một điều gì đó. Họ cần ta, ta cần họ, theo kiểu có nhận thì phải cho đi, chẳng thể tường tận ai thật lòng ai giả dối. Khi ta thành công, họ ghen tỵ, khi ta thất bại họ hả hê. Khi ta có những thứ họ cần thì họ kề cận xum xoe, khi ta trắng tay chẳng còn gì thì họ cũng lẳng lặng rời xa như chưa từng thiết thân quen biết. Mới hay rằng, cả xã hội này có điều kiện mới yêu ta, chỉ có gia đình là yêu ta vô điều kiện.

Gia đình là nơi ta được bảo vệ trước những sóng gió cuộc đời. Mẹ vốn rất hiền, nhưng sẵn sàng xù lông như gà mẹ để bảo vệ gà con khi con mình bị người ta đặt điều, châm chọc. Cha tưởng rằng khô khan, cứng cỏi nhưng ngày con gái lên xe hoa cũng lặng lẽ quay đi lau dòng nước mắt. Anh trai lúc nào cũng cậy mình là anh bắt nạt em, thế nhưng ngày em gái lấy chồng thì lăm le chú rể “cậu mà không tốt với nó thì tôi sẽ đón nó về nhà”. Em trai lúc nào cũng tỏ ra bướng bỉnh khó chiều, nhưng lại nhắn cho chị cái tin “Em nhớ chị quá” ngay đêm đầu tiên chị về nhà chồng khiến chị khóc suốt đêm sưng cả mắt. Một thuở ấu dại, một trời yêu thương bỗng dưng như quá xa xôi khi ta sống ở nhà người. Chợt nhận ra ta nhiều khi đã quá ơ hờ, vô tâm khi còn sống chung, gần gũi

Cha tóc đã bạc trắng trên đầu, mẹ tai nghe không còn rõ. Ấy vậy mà mỗi khi về nhà, gần bốn mươi tuổi đầu, con vẫn chỉ như là đứa trẻ. Cha vẫn nhắc trời nắng ra đường mất công gì không đội cái nón, mẹ vẫn nhắc nhớ mặc thêm áo khi gió lạnh về. Chỉ nghe con húng hắng ho đã vội vàng đạp xe ra tiệm thuốc. Con đã làm mẹ rồi, mà về nhà vẫn như đứa trẻ thơ, vẫn câu hỏi như ngày xưa “thèm món gì mẹ nấu?”. Vẫn là những món ăn giản dị của đồng quê với tô canh mướp mẹ trồng, với mớ cá rô anh hàng xóm bắt được đem cho, vẫn món cà pháo giòn tan trắng muốt. Những món quê giản dị mà khi xa rồi mới nhớ mới thương, mới thấy những món ăn sao mà đậm đà ấm vị.

Chợt nhớ mấy câu hay quảng cáo trên ti vi, nào là “chuẩn cơm mẹ nấu”, nào là “vị ngon nhà làm”, nào là “tiệc nào bằng cơm nhà hả em”. Phải đi thật xa, rồi trở về nhà mới thấm thía vô cùng những câu nói ấy. Mới hay rằng cứ cái gì mà nhắc đến mẹ, cha, nhắc đến quê nhà là vô ngần ấm áp. Cảm giác ấy cứ xâm chiếm nhẹ vào tim, thổn thức, nôn nao. Để đôi khi giữa tất bật xô bồ, chợt ngẩn ngơ thèm một bát nước chè xanh mẹ nấu.

Đôi khi, thấy chú gà con lạc mẹ kêu chiếp chiếp hốt hoảng kiếm tìm, thấy con mèo hoang tìm chỗ ngủ co ro bên hiên nhà vào những ngày mưa gió, chạnh lòng nhận ra thứ đáng sợ nhất chính là cảm giác bơ vơ, lạc lõng. Cứ thử tưởng tượng xem nếu một ngày nào đó mình thức dậy, nhận ra mình chẳng có ai gần gũi thân thương trên thế giới này. Rằng mình có thể đi bất cứ đâu mà không có ai mong nhớ, đợi chờ. Mình có thể về bất cứ lúc nào bởi chẳng ai ngóng trông, đón đợi. Cái cảm giác nỗi buồn không có người chia sẻ, niềm vui không có người sớt chia. Lúc tổn thương, thất bại không có một vòng tay ôm, một bờ vai để dựa, thật khủng khiếp biết chừng nào.

Gia đình là nơi “đi xa muốn về, khổ đau càng muốn về”. Không có gia đình, hẳn là khi khổ đau chẳng biết tìm nơi nào bình yên mà nương náu. Bởi khi vui thì có nhiều người vui cùng, có nhiều nơi để vi vu. Nhưng khi buồn, khi cô đơn, mệt mỏi, chỉ muốn xách ba lô lên và chạy về nhà. Chỉ ở đó mới đủ bình yên, mặc kệ ngoài kia tất bật bon chen, mặc kệ ngoài kia bão bùng mưa gió.

Lê Giang