Có còn là yêu?

(Dân trí) - Ranh giới giữa tình yêu và sự sở hữu, ích kỷ, đố kỵ, hoặc tham lam đôi khi chỉ là một sợi chỉ nhỏ mà chính những người trong cuộc cũng không biết chắc mình đang ở phía bên nào, và sợi chỉ ấy đã đứt hay chưa…

Ghen tuông

 

Yêu - ai chẳng ghen. Người ta nói có yêu mới có ghen nhưng thực ra nó bắt nguồn từ sự ích kỷ chỉ muốn người yêu thuộc về mình, không chia sẻ tình cảm với bất cứ một ai khác nữa.

 

Ghen cũng có nhiều mức độ, tùy thuộc vào khả năng kiềm chế của mỗi người. Người ghen nhẹ nhàng thì im lặng, bình tĩnh tìm hiểu kỹ mọi chuyện, người ghen mù quáng thì làm ầm ỹ rồi vạch áo cho người xem lưng. 

 

Chuyện ở một khu phố, người ta thấy có nhà lúc nào cũng êm ấm, vợ chồng con cái hòa thuận, nhưng lại có nhà vợ chồng chửi nhau ầm ỹ, đánh nhau chạy cả ra ngoài sân để rồi hang xóm phải vào can thiệp. Đó là nhà chị Hằng, một gia đình thi thoảng lắm mới có cái giấy chứng nhận gia đình văn hóa.

 

Mọi chuyện bắt nguồn từ cái tính hay ghen của chị. Mỗi lần thấy có “mùi” lạ trên người chồng, hoặc có tin nhắn không rõ ràng quan hệ là chị lại gào lên, gọi điện lại tra bằng được chủ nhân tin nhắn là ai, tra cho ra hôm nay chồng đi đâu làm gì. Nếu không có bằng chứng khả dĩ có thể tin được, chị sẵn sàng quy kết chồng vào tội ngoại tình, tiếp đó là một thời gian dài kèm cặp chồng như trẻ lên ba.

 

Thế nên đôi lúc không chịu được, anh chồng tức khí mắng lại, kêu chị “điên”. Chị bắt đầu lăn ra ăn vạ. Thấy mọi chuyện có xu hướng xấu, anh vội mặc quần áo định đi khỏi nhà thì chị xông vào cào cấu, thành ra một cuộc đánh nhau từ trong nhà ra ngoài ngõ, kể cả lúc nửa đêm.

 

Sở hữu

 

Tình yêu cũng xen lẫn chút sở hữu, vì nghĩ rằng người yêu chỉ là của mình, vì thế người ta tự cho mình cái quyền được quản lý, được chi phối giờ giấc, các mối quan hệ xã hội của nhau. Đôi khi điều này núp dưới danh nghĩa của từ “tôn trọng”. Tuy nhiên họ không để ý rằng tôn trọng là “lắng nghe” chứ không phải là “nghe”.

 

Vợ chồng Thủy - Hoàng vốn dĩ rất yêu nhau, Hoàng lúc nào cũng quan tâm chăm sóc chiều chuộng Thủy. Ngược lại, Thủy cũng chỉ có Hoàng, mắt cô luôn ngập tràn tình yêu dành cho anh.

 

Thế nhưng ít ai biết mỗi tối Hoàng đều gọi điện quản lý Thủy , bắt cô phải về đúng giờ, không được lang thang chơi bời bạn bè, hoặc kiểu gì cũng kỳ kèo kêu cô ở yên trong nhà vì theo Hoàng, đã yêu nhau thì đi đâu cũng phải có nhau chứ không có thì đi làm gì, có gì hay ho đâu. Đến lúc lấy nhau Thủy cũng không thoát khỏi kiềm cặp, đi đâu làm gì cũng kè kè chồng một bên. 

 

Thủy luôn nhịn Hoàng do quá yêu chồng, và cũng chỉ nghĩ là chồng yêu mình quá. Thế nhưng Hoàng được đà, nghĩ rằng anh nói gì cũng đúng, nên nói gì vợ cũng phải nghe. Chưa lúc nào Thủy “có ý kiến” mà Hoàng lại lắng nghe, vì anh chắc chắn những ý nghĩ đấy là sai. Anh không phát hiện ra rằng mình đang thiếu tôn trọng vợ.

 

Ích Kỷ

 

Phương yêu Trung, nhưng cô không biết nghĩ. Lúc nào Phương cũng muốn được ở bên cạnh anh mà không ý thức rằng anh còn gia đình, còn công việc, còn bạn bè và các mối quan hệ khác. Thế nên dù đi học xa nhà nhưng có những khoảng thời gian cô ở với anh cả tháng trời, bắt anh bỏ nhà theo cô, kể cả lúc đó mẹ anh đang ốm.

 

Phương ích kỷ cho rằng yêu thì chỉ cần hai đứa là đủ. Cô thậm chí chẳng quan tâm đến gia đình mình, cũng như bố mẹ gia đình Trung. Lễ tết nhà Trung có việc, anh phải ở nhà phụ một tay cô cũng không hiểu mà lên hộ, còn bắt Trung đưa mình đi chơi với lý do “nhà anh thiếu gì người, anh ở nhà cũng giúp được gì đâu”. 

 

Gia đình Trung ghét Phương. Với họ, Phương giống như một đứa con gái hư hỏng dù cô không lăng nhăng và cũng đang đi học đại học đàng hoàng. Bố mẹ Trung lúc nào cũng phản đối anh yêu cô vì cái họ nhìn thấy là Phương đang làm hỏng Trung, hỏng tương lai con trai của họ, dụ dỗ Trung bỏ nhà đi chơi, cộng với đủ thứ thành kiến khác.

 

Ranh giới

 

Có thể bạn nhận thấy những người đang yêu, nhng đôi vợ chồng trên đã để một thứ cảm xúc nào đó của tình yêu đi quá giới hạn, và như thế là sai, là quá đáng. 

 

Có còn là tình yêu hay không khi cả hai người sẵn sàng đánh chửi, làm đau nhau, có còn là tình yêu không khi không có sự tôn trọng mà chỉ là ích kỷ, sở hữu? Người trong cuộc hiếm khi nhận ra mình đúng hay sai, chỉ khi đã chia tay, có thời gian ngẫm lại may ra họ mới nhận thấy lý do tan vỡ. 

 

“Cái gì quá cũng không tốt”, đó là sự thực. Tình yêu giống như ly cốc tai, hoàn hảo khi được pha trộn với lượng vừa phải. Nhưng chỉ cần quá tay một chút, bạn sẽ phải hoặc bỏ cả ly để pha lại ly khác, hoặc chấp nhận uống và nghĩ “thứ này mà là cốc tai ư?”.

 

Tùng Nhi