Chuyện 3 gia đình

1. Sau cuộc gọi của bố từ Việt Nam sang, Thắng như bị tụt huyết áp. Thông tin ngắn nhưng khá nặng nề, rằng bố và mẹ có thể sắp chia tay. “Mẹ có người khác” là điều mà cậu không thể hình dung được khi còn ở nhà.

Chuyện 3 gia đình - 1

Con cái có thể là cầu nối yêu thương vô cùng quan trọng giữa cha và mẹ.
 
Với Thắng, mẹ là chỗ dựa vững vàng của cả gia đình và đặc biệt, là chỗ dựa của tâm hồn cậu. Thắng tôn thờ và yêu mẹ biết chừng nào. Nhưng tại sao giờ đây, khi mà Thắng đã cố gắng học tập và xa nhà đi du học như mong muốn của mẹ thì mẹ lại có người khác.

 

Thắng biết rằng bố sẽ rất buồn nhưng cậu không nghĩ được nhiều cho bố, chỉ biết rằng, mình đang rơi vào tình trạng mất phương hướng khi một tượng đài trong tâm hồn sụp đổ.

 

Vài ngày sau, mẹ gọi điện sang, Thắng nhận điện thoại, không nói được gì, chỉ khóc. Mẹ nói rất nhiều. Rằng mẹ yêu Thắng và xin lỗi về tất cả. Mẹ nói rằng mẹ đã quá cô đơn khi Thắng ra đi. Bố vẫn là người bố tốt nhưng ngày nào ông cũng bận rộn với các cuộc gặp gỡ đối tác. Và mẹ đã không thể quen được với cảnh sống hụt hẫng. Mẹ rất nhớ Thắng và đã không thể vững vàng. Những lời nói của mẹ càng khiến Thắng đau xót. Cậu láng máng hiểu ra rằng, việc mình đi du học đã gây nên một lỗ hổng lớn khiến mẹ mất thăng bằng, khiến gia đình mình đổ vỡ.

 

2. Bố mẹ Hà cũng căng thẳng đến mức có thể bỏ nhau nhưng là xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân. Từ ngày Hà sang Đức du học, cuộc sống của bố mẹ ngày một tồi tệ hơn.

 

Hàng ngày, bố vẫn chat với Hà và trao đổi rất thẳng thắn về tình trạng gia đình. Ông thường than phiền về sự cẩn thận và chu đáo quá mức của mẹ, khiến cho ông cũng bị căng thẳng theo. Bố nhớ con gái nên trong lòng thường chông chênh, lại không có thói quen tụ tập rượu bia với bạn bè nên cứ xong công việc, ông lại có mặt đúng giờ như ngày cô còn ở trong nước.

 

Nhưng hai vợ chồng quanh quẩn ra vào trong cùng một căn nhà, mà chẳng biết nói gì với nhau. Bố bảo, nhiều lần rủ mẹ đi đâu đó chơi xa hoặc muốn hai vợ chồng cùng đi dạo ven hồ cho khuây khỏa, nhưng mẹ không thích. Mẹ chỉ chăm chăm làm sao cho nhà cửa sạch đến từng cen - ti - mét, nấu nướng mọi thứ thật chu đáo mà đâu có biết, bố có tâm trạng đâu mà ăn.

 

Có lần hai bố mẹ ngồi vào bàn ăn, nhìn mâm cơm ngon lành quá, bố thở dài vì nhớ con gái. Mẹ thì bực mình. Chuyện mỗi lúc một căng hơn khi bố nhiều lần rủ mẹ đi đâu đó nhưng mẹ đều từ chối vì chỉ thích ở nhà dọn dẹp hoặc đi thăm họ hàng.

 

Hà như thắt lòng khi bố bảo, vì con gái nên bố không muốn nói chia tay với mẹ. Ngày xưa, cả hai người có mối quan tâm chung là Hà, nên dường như không có nhiều “cơ hội” để va chạm. Nay chỉ còn hai vợ chồng với nhau, họ mới nhận ra rằng, cuộc sống đã đẩy họ về hai đầu lúc nào không hay.

 

3. Không có con, dù đã sống với nhau gần ba mươi năm, ông bà Chung - Khang vẫn bị ám ảnh bởi việc xa cách.

 

Ông là hoạ sĩ, nhà báo của một tờ chuyên về mỹ thuật, còn bà là phát thanh viên, họ là một đôi hiếm hoi trong xã hội hiện nay, không con mà vẫn sống gắn bó đến già.

 

Thời trẻ, ông bà đã qua mười năm dài đằng đẵng trong hy vọng về một đứa con. Bà nhiều lần mang thai rồi không đậu. Đến lần cuối cùng, người ta phát hiện bà ung thư dạ con. Họ vẫn yêu nhau nhưng vẫn da diết mong mỏi một mụn con để được đau, được khổ, được chăm bẵm, được khóc cười bên con khôn lớn từng ngày.

 

Sau đó, ông bà quay ra nhận con của anh chị trong gia đình để khuây khoả. Cứ anh chị em nào có cháu mới sinh, ông bà lại nhận đỡ đầu, làm bố mẹ nuôi. Nhưng những đứa nhỏ lớn dần lên, năm sáu tuổi lại phải đi học, lại phải theo hộ khẩu và chúng buộc phải về với gia đình.

 

Tuy không ở gần, nhưng ông bà vẫn quan tâm, chăm sóc từng bước đường trưởng thành của chúng. Rồi đứa cháu cuối cùng cũng vừa lập gia đình. Ông bà lại hụt hẫng. Thế là chúng đã có cuộc sống riêng rồi. Chúng phải toàn tâm toàn ý với gia đình nhỏ đầy hạnh phúc, có khi nào rảnh ra được lại lo đôn đáo về với nội ngoại hai bên. Chúng chỉ nháo nhào về thăm bố mẹ đẻ mà không kịp ghé về thăm bố mẹ nuôi. Những lúc chỉ có hai vợ chồng lủi thủi với nhau, bà Khang bảo ông hãy chuyển tình cảm sang cho các cháu nhỏ, con của bọn chúng.

 

Ông Chung thì buồn bã gật đầu nhưng nói vớt lại, mình có đến thăm hỏi cũng là ông bà xa thôi, đâu có gần gũi và thường xuyên như ông bà nội ngoại của chúng. Ông Chung bắt đầu chuyển sự quan tâm sang cây cối, vườn nhà, còn bà Khang vẫn lủi thủi đi lại thăm nom những đứa cháu họ. Cứ tối đến, sau công việc chăm sóc cây cảnh của ông, sau những thăm hỏi con cháu của bà, cả hai lại cảm giác bơ vơ, trống trải.

 

Theo SGTT