Mùa cưới

Chuẩn bị làm cô dâu

Trong những chuyến xe của đời người con gái thì chuyến xe hoa là quan trọng nhất, được mong đợi và chuẩn bị chu đáo nhất bởi đó là chuyến du hành đặc biệt để bắt đầu cuộc sống mới.

Chuẩn bị cho một ngày huy hoàng

 

Nghĩ đến ngày lên xe hoa, cô dâu nào cũng muốn mình phải thật đẹp, thật rực rỡ với chiếc áo cưới đắt tiền, hợp thời trang, những món trang sức quý giá, sang trọng và lễ cưới thật tưng bừng, khách khứa nhộn nhịp trong tiếng nhạc. Cô dâu sẽ lộng lẫy như một nàng công chúa bước đi bên người đàn ông của cuộc đời trong sự ngưỡng mộ từ bạn bè, quan khách.

 

Ước muốn ấy chính đáng. Nếu bản thân đôi uyên ương có đủ khả năng về tiền bạc để thực hiện những mong muốn của mình hoặc gia đình hai bên có khả năng hỗ trợ thì không nói làm gì, nhưng không ít cô dâu đua đòi, muốn cho “bằng chị bằng em” đã tìm mọi cách tổ chức một đám cưới xa hoa, cho dù phải đi vay mượn hoặc hồi hộp chờ đợi tiền mừng cưới vào cuối bữa tiệc xem có đủ “sở hụi” hay không. Rất nhiều trường hợp sau đó đôi vợ chồng mới cưới không được tận hưởng niềm vui của cuộc sống lứa đôi vì phải mang trên lưng một số nợ.

 

Như trường hợp Cần và Thanh Thủy là công nhân, cả hai đều xa gia đình, phải ở nhà thuê, lương công nhân chỉ vừa đủ sống nếu biết tiết kiệm. Cả hai cùng quê nên họ giúp đỡ nhau rồi yêu nhau. Được sự đồng ý của gia đình nên họ dẫn nhau về quê tổ chức đám cưới, ra mắt họ hàng chòm xóm.

 

Tưởng như vậy cũng quá đủ vì đó là nơi họ sinh ra và lớn lên. Một lễ cưới như thế cũng đã rất tốn kém với gia đình hai bên đều là nông dân, không có dư giả. Thế mà khi vào thành phố đi làm trở lại, họ còn tổ chức thêm một tiệc cưới nữa ở nhà hàng để mời bạn bè đồng nghiệp và số người thân ít ỏi ở thành phố.

 

Để đủ “lễ bộ” thì đại diện nhà trai nhà gái ở quê cũng phải vượt gần 500 cây số vào dự, rồi lại phải thuê áo cưới, thuê thợ chụp hình, quay phim, xe hoa, rồi nhà hàng với hàng trăm thứ linh tinh khác rất tốn kém...

 

Nhưng khách mời đa số là công nhân, người quen cũng không giàu có gì nên tất cả tiền mừng cưới cho đôi trẻ cộng lại chỉ đủ một nửa chi phí. Thế là phát sinh ra món nợ hàng chục triệu đồng mà hàng năm trời “tăng ca” cật lực họ cũng không thể nào trả hết.

 

Những lúc quên món nợ ấy thì thôi, còn những lúc nhớ là họ cảm thấy bồn chồn, lo lắng và bắt đầu đổ lỗi cho nhau, rồi cãi nhau lẫn hận nhau sao lại muốn tổ chức đến hai lần tiệc cưới làm gì để bây giờ phải trả nợ, chẳng sắm sửa được gì cho sinh hoạt chứ đừng nói gì đến chuyện lỡ có con.

 

Chuyện cưới có thế nào, cô dâu hôm ấy đẹp hay không đẹp, sang trọng hay bình thường, thức ăn ngon không rồi mọi người cũng sẽ quên. Chỉ cuộc sống sau đó của cô dâu chú rể mới khiến họ chú ý và gây ấn tượng mà thôi.

 

Họ sẽ mừng vui, khen ngợi cho dù đám cưới giản dị nhưng sau đó đôi vợ chồng mới sống hạnh phúc, làm ăn phát đạt và sẽ chê cười vì một đám cưới linh đình, tốn kém để rồi vợ chồng lục đục, lẩn quẩn trong vòng nghèo khó.

 

Cho nên khi sắp lên xe hoa, cô dâu có quyền chuẩn bị cho mình những gì tốt nhất từ quần áo, nữ trang, với những bộ ảnh đẹp nhất để “triển lãm” trong ngày cưới. Nhưng điều quan trọng nhất cô dâu cần phải chuẩn bị là để mình không mắc nợ. Điều đó sẽ làm giảm niềm vui trong ngày cưới và có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc dài lâu.

 

Chuẩn bị cho một đời huy hoàng

 

Để có một đời huy hoàng thì cô dâu phải chuẩn bị nhiều hơn, nhiều thứ hành trang có thể không nhìn thấy trong ngày lên xe hoa, nhưng đó chính là nguồn năng lượng, là vốn liếng để bạn tỏa sáng sau ngày cưới.

 

Công việc

 

Ngày nay, hầu hết các bạn gái đều có nghề nghiệp trước khi về nhà chồng. Đó là điều cực kỳ quan trọng, dù là một nghề nghiệp, một công việc khiêm tốn nhưng ít nhất cũng đủ để người phụ nữ nuôi thân mà không phải nương tựa vào chồng như một thứ dây leo. Sống đời “chùm gởi” là điều tệ hại nhất mà mọi phụ nữ có đầu óc tiến bộ, có lòng tự trọng đều tìm cách thoát ra.

 

Vả lại, cả hai vợ chồng cùng đi làm thì thu nhập gia đình sẽ dồi dào hơn, không tạo sức ép nếu chỉ có người chồng đi làm nuôi cả nhà khi các con còn nhỏ, nhất là khi đau ốm, thất nghiệp...

 

Có công việc, người phụ nữ có cơ hội phát triển năng lực, năng khiếu và đóng góp đáng kể cho gia đình lẫn xã hội. Và dù khi về nhà chồng, cô dâu chưa có nghề nghiệp thì các bạn bắt đầu có nghề hay thậm chí học văn hóa cũng không muộn, trái lại điều đó càng làm gia đình bên chồng nể trọng bạn, nhất là bạn vẫn chu toàn bổn phận làm vợ, làm dâu.

 

Nhiều gia đình khá giả hoặc gặp người chồng có thu nhập cao, đôi khi họ muốn cô dâu nghỉ việc ở nhà để toàn tâm toàn ý với gia đình hoặc cho thoải mái. Đây là việc mà các bạn gái nên suy nghĩ kỹ lưỡng.

 

Trước hết, nếu quanh quẩn ở nhà, giao tiếp xã hội của bạn sẽ trở nên hạn hẹp, kém phong phú. Nhiều phụ nữ vì ở nhà lâu ngày đã trở nên chậm chạp, kém năng động và có thể bị lạc hậu, đơn điệu và bị chính người chồng nhàm chán, rẻ rúng.

 

Lối sống

 

Khi lên xe hoa về nhà chồng, bạn gái phải xác định và chấp nhận việc bước vào một cuộc sống khác với những ràng buộc bổn phận, phải biết “nhập gia tùy tục”.

 

Có những bạn gái khi về nhà chồng đã hoàn toàn đánh mất mình, tức là hoàn toàn lệ thuộc vào gia đình chồng, sống thụ động, cam chịu ngay cả khi bị đối xử bất công, nhân phẩm bị xúc phạm là điều không nên. Nhưng một số cô gái lại quá hiện đại, nhất là có những cô sống ở thành phố lại quá “tây” đến mức có chồng rồi mà vẫn sống như người độc thân!

 

Có bà mẹ chồng không chịu nổi cô con dâu đi làm thì thôi, về nhà là rút vào phòng riêng “cố hữu”, không tham gia những sinh hoạt chung của gia đình, thậm chí thích thì ăn cơm chung, còn không thì thôi. Có cô thì lên mạng internet chat với bạn bè nhiều hơn là trò chuyện với người trong nhà hoặc vẫn đàn đúm đi nghe nhạc, nhảy đầm, se sua quần áo như một cô chưa chồng. Nếu gia đình góp ý, họ giận dỗi cho rằng nếu biết lấy chồng khổ sở, mất tự do như thế, họ thà sống độc thân!

 

Kiến thức về hôn nhân, gia đình

 

Muốn làm gì cho tốt thì cũng phải học, cho dù một việc đơn giản như làm một cái bánh. Thế nhưng, dường như cho đến nay việc lấy chồng ở nước ta được xem là một việc không cần phải học.

 

Trong lúc ở những nước phát triển, trình độ dân trí cao hơn nhưng vẫn có những lớp “dự bị hôn nhân” cho những chàng trai, cô gái sắp lập gia đình để trang bị cho họ những kiến thức cần thiết bước vào một cuộc sống mới rất phong phú nhưng cũng rất phức tạp với những diễn biến khó lường.

 

Đúng là trong tình yêu, trong hôn nhân, muốn thực hiện được lời “dạy dỗ” của ai đó là điều không dễ, nhưng rõ ràng được trang bị kiến thức để có sự hiểu biết về tâm lý, về ứng xử luôn luôn là điều quan trọng trong cuộc sống chung đôi.

 

Ở những thành phố lớn hiện nay đã có những khóa học, những buổi nói chuyện chuyên đề cho những bạn trẻ, nhưng số người tham dự chưa phải là đông.

 

Tuy nhiên, loại sách báo về chủ đề này là rất phong phú và phổ biến. Riêng việc tìm đến loại sách này trước khi lên xe hoa có nghĩa là bạn gái đã có ý thức về việc xây dựng, gìn giữ cuộc sống hạnh phúc gia đình của mình rồi. Sự trang bị những kiến thức này là suốt đời, tùy theo giai đoạn của cuộc hôn nhân mà bạn tìm hiểu và ứng dụng được.

 

Có cô vợ trẻ biết chồng mình dan díu với một nữ đồng nghiệp, cô đã hoàn toàn suy sụp, mất hết lòng tin vào chồng và chỉ muốn chết đi nếu không biết mình đã cấn thai.

 

Thế rồi một người bạn thân đã lập gia đình tặng cho cô một tờ báo có chuyên đề về tật “ăn vụng” của đàn ông. Thế là cô hiểu “thuộc tính” ấy của các đấng mày râu và bớt suy sụp để rồi cô tìm cách kéo chồng quay về, rồi họ lại hạnh phúc như xưa.

 

Hạnh phúc không phải là chuyện may rủi, càng không phải là chuyện “trong nhờ, đục chạy” mà nó giống khi ta đầu tư vào sự nghiệp, nếu có vốn liếng, quyết tâm và có tri thức thì khả năng thành công bao giờ vẫn cao. 

 

Theo Hạnh Phúc Gia Đình

Dòng sự kiện: Mùa cưới