Chồng… mọn

“Tôi chịu hết nổi rồi, hết nuôi con mọn lại chồng mọn, không có tôi không biết làm sao cha con nhà anh sống!” - “Thì em cứ đi đi, xem cha con tôi có chết không”

- Được rồi, tôi sẽ đi cho anh sáng mắt ra.

 

Sau cuộc đối thoại đó, chị Xuân Đào (Q.5, TPHCM) quyết định đi công tác ở Pháp một tháng - chuyến đi mà trước đó chị đã định nhường cho người khác. Chị quyết tâm đi một lần, để chồng chị ý thức hơn về bản thân, vì trước giờ chị “hầu” chồng từng li từng tí, chẳng khác nào chăm con
“Cậu bé lớn tuổi”

 

 
Chồng… mọn  - 1


Chị kể, ngày đầu tiên ở xứ người, lòng chị như lửa đốt, chỉ muốn gọi về nhà ngay nhưng cố nén chờ đến tối, xem lão chồng ở nhà chống đỡ thế nào. 8 giờ tối (giờ VN), không thể chờ thêm nữa, chị gọi về. Cu Tí con anh chị bốc máy, nhanh nhảu:

 

- “Mẹ ơi, bố làm nổ phích nước với hỏng bếp ga rồi”.

 

- “Thế bố đâu?”.

 

- “Dạ, đang coi tivi”.

 

- “Vậy hai bố con không ăn tối à?”.

 

- “Bố bảo bố không đói. Con có đói thì ra ngoài tìm đại thứ gì mà ăn, con chẳng biết tìm gì nên thôi”.

 

Hóa ra, chồng chị cũng đói, cũng vô bếp tìm cách pha mì tôm cho hai bố con. Anh hí hoáy bật bếp mãi không lên lửa, bèn phán với con trai: Bếp hỏng rồi! Anh không biết, vợ anh đã cẩn thận khóa bình ga sau mỗi lần dùng. Anh chuyển phương án, dùng bình siêu tốc đun nước. Đun xong, đổ luôn vào phích, dù trong phích vẫn còn nước nguội, vậy là phích nước nổ. Anh mất hứng, bỏ ra xem tivi cho… qua bữa, vì cũng lười không muốn ra ngoài ăn.

 

Nghe con trai kể tỉ mỉ cảnh khổ sở của chồng, chị vừa thương vừa giận. Thường ngày, anh đi làm về là có cơm bưng nước rót. Bữa ăn thiếu ớt, hết bữa thiếu tăm, cũng phần chị đứng lên đi lấy. Được cái anh dễ tính, vợ cho gì ăn nấy, không cho thì nhịn, chẳng kêu ca gì. Có điều, để anh tự thân vận động làm những việc lặt vặt trong nhà thì chị không dám mơ.

 

Chị chua xót chia sẻ: “Anh ấy là con nhà giàu, từ nhỏ đã được bố mẹ cưng chiều, lập gia đình thì nhiệm vụ chăm sóc anh đến tay vợ. Nói chắc mọi người không tin, nhiều lúc ngủ thiếu gối, anh ấy cũng nằm luôn, chứ không biết đường đi lấy. Đôi tất anh ấy đi, nếu vợ quên thay là… bốc mùi anh ấy vẫn cứ mang”.

 

Anh Định thường được bạn bè “ganh tị” vì có cô vợ “trên mức đảm đang”. Anh không ngại khoe khoang: “Vào bữa ăn, tớ chỉ việc ngồi và đưa bát cho vợ bới cơm. Vợ còn đưa bằng hai tay nữa. Đi công tác ở đâu là báo trước, vợ chuẩn bị hết đồ đạc, tớ chỉ việc xách vali lên đường”.

 

Hưởng “bao cấp” thành quen, có lần, vợ anh nằm viện gần tháng trời, anh liểng xiểng với “cuộc sống mới”. Vợ nhờ đi mua phở, chạy một vòng, anh quay về bảo “buổi trưa chẳng ai bán cả”. Vợ bực: “Thế sao thường ngày, có lần, buổi trưa, anh thèm ăn phở mà em mua được?”. Có công tác gấp ở tỉnh xa, anh nhờ người thân chăm sóc vợ giúp. Đến nơi, anh gọi giật: “Em ơi, anh quên mang đồ lót, làm sao bây giờ?”. Vợ cáu: “Thì anh mua mà dùng tạm, chuyện đó cũng hỏi là sao?”. “Nhưng… mua cái món đó ở đâu?”. “Trời ơi là trời, ngoài chợ chứ ở đâu”. “Nhưng anh không quen mua cái đó…”. Đến đây thì vợ anh chịu hết nổi: “Anh muốn thế nào cũng được” rồi cúp máy cái rụp.

 

Nhân sinh nhật, được chồng cho một điều ước, vợ anh Công chỉ ước: “Em ước được anh cọ toa lét và lau nhà một lần”. Chao ôi! Cái ước mơ của chị khiêm tốn đến mức ấy nhưng anh Công vẫn không đáp ứng được. Hàng ngày, chị vẫn là người lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, anh chỉ rung đùi đọc báo, nhấm nháp ly cà phê do vợ pha. Có lúc anh còn xẵng giọng: “Lần sau đừng có tọng cả đống đường vào cà phê, uống cà phê chứ có phải ăn chè đâu?”. Lần này, vì… trót lỡ cho vợ một điều ước nên anh cũng cố đáp ứng với tinh thần tự nguyện cao. Anh lau được nửa căn nhà thì nghe tiếng vợ hét ầm lên: “Anh phải quét nhà xong rồi mới lau chứ?”. Vậy là anh phải lau lại bằng giẻ khô, rồi quét, rồi lau lại. Cọ toa lét, anh cũng lớ ngớ, tay đập lấy chân mãi mà không xong. Biết chồng làm không được, nhưng chị nghĩ “Cứ để lão làm một lần cho biết mùi đời. Bình thường, nhà nhám chân một chút là kêu ca, toa lét có một vết bẩn cũng cằn nhằn”. Đúng là sau lần đó, tuy khả năng lau nhà và cọ toa lét của anh Công vẫn không được cải thiện, nhưng ý thức ít nhiều cũng thay đổi, không kêu ca, quát nạt vợ về “tội” để nhà bẩn nữa.

 

Chồng hư tại… vợ!

 

Sáng chủ nhật, anh Bình vừa lau nhà, vừa hóng vợ trò chuyện điện thoại. Chị Đoan - vợ anh, biết chồng tò mò nên kể: “Nhỏ Phượng hỏi ông xã đâu rồi, em bảo “ổng đang lau nhà”. Nó ngưỡng mộ em lắm, bảo “mày huấn luyện chồng giỏi thật”.

 

Anh Bình biết vợ mình nói thật, vì chồng Phượng cũng thuộc hệ chẳng bao giờ đụng tay vào việc nhà. Chị còn kể với chồng bằng giọng của một người đang may mắn hơn người khác: “Lão chồng nhỏ Phượng, có lần trời mưa, giở áo mưa ra mặc mới phát hiện bốc mùi thối. Hóa ra, áo đầy nước mà cứ tống vô thùng xe, mở ra mặc mới biết. Phen đó lão phải chạy ngược về nhà thay bộ quần áo khác, vì đồng nghiệp trong phòng không chịu nổi mùi hôi. Em thấy, chồng hư tại vợ, nhỏ Phượng dễ tính, hầu hạ chồng cho lắm vào…”. Chị nói đến đây mới giật mình biết mình… hớ. Chẳng ai lại tự hào rằng mình dạy được chồng, mà lại tự hào với chồng mới ghê! Biết thế nhưng anh Bình vẫn cười xòa, nhìn nhận: “Kể ra, vợ mà dễ dãi quá thì chồng lười chảy ra là đúng. Chồng cứ ỷ vào vợ chu đáo nên sẽ chẳng cần để ý đến mọi việc”.

 

Lan Anh, một người vợ từng có “chồng mọn” chia sẻ cách của mình: “Mới cưới, tôi cứ xung phong làm hết việc nội trợ. Riêng chuyện nấu ăn, tôi càng không cho chồng đụng tay vào vì sợ không ngon. Chồng tôi thời sinh viên cũng biết nấu ăn sơ sơ, nhưng gặp được cô vợ nấu ăn giỏi, nên mặc nhiên xếp mình vào hạng “không biết” và không cần làm nữa. Sau một thời gian, tôi nhận ra sai lầm, bắt đầu kéo chồng tham gia việc bếp núc, lúc thì nhặt rau, khi thì canh chảo cá chiên, bắc nồi cơm. Từ việc nhỏ tiến lên việc lớn, từ dễ đến khó. Tôi thấy đàn ông chỉ lười việc lặt vặt thôi chứ thông minh, nhanh nhạy lắm, ba cái chuyện bếp núc, họ làm vài lần là chuẩn hết”. Cái hay ở chỗ, trước đây chồng Lan Anh cũng thuộc týp thích được vợ hầu như “ông vua con” nhưng khi được vợ nhỏ nhẹ “nhờ cậy” anh thay đổi hẳn.

 

Chị Nguyễn Thu Hương, thành viên của diễn đàn hoclamchame.net chia sẻ: “Muốn một đứa trẻ cứng cáp, tự lập sớm, người mẹ cần bớt úm, cứ thả cho trẻ tự vật lộn với cuộc sống, sẽ tiến bộ lên ngay. Chồng cũng thế. Đôi khi cũng cần viện lý do bận rộn gì đó, để mặc đống quần áo bẩn của chồng. Hết đồ sạch để mặc, lại không chờ vợ được ông ấy mới nghĩ đến chuyện tự đi giặt. Buồn cười lắm, chồng em là cử nhân ngành tự động hóa, nhưng đến lúc giặt đồ mới hỏi vợ “Muốn giặt thì bấm nút nào trước, nút nào sau?”.

 

Thời hiện đại, người đàn ông càng tài giỏi ngoài xã hội càng dễ kém cỏi việc nhà. Đặc biệt, quý ông có chức vụ lớn, có lính phục vụ, về nhà lại càng như một “đứa trẻ” vì không quen làm việc lặt vặt, kể cả việc chăm sóc cho bản thân. Thế nên mới có nghịch lý: nhiều chị em có chồng thành đạt ngoài xã hội, lại “ước gì ổng là người bình thường, biết tự lo cho bản thân, biết chăm sóc cho vợ con”.

 

Theo Trần Triều

PNO