Chồng lười, tại... người giúp việc

Từ ngày sinh con, thuê người giúp việc, chồng Linh không còn hứng thú đỡ đần vợ việc nhà. Về đến nhà là anh tắm rửa, ngồi xem tivi và chờ đến giờ cơm.

Chồng lười, tại... người giúp việc - 1

 
Trước khi có osin, chồng Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khá chăm chỉ. Đi làm về, anh hăng hái giúp vợ nhặt rau, cắm cơm, lau dọn nhà cửa rồi mới tắm giặt, chờ đến giờ ăn tối. Sau bữa cơm, chồng Linh tự nguyện nhận chân rửa bát để vợ hoàn thành nốt phần giặt áo quần. Xong đâu vào đó, vợ chồng mới nghỉ ngơi, xem tivi, trò chuyện vui vẻ.

 

Từ ngày nhà có người giúp việc, chồng Linh quên luôn chuyện gia đình, còn Linh thấy nhà cửa gọn gàng nên không nhờ chồng giúp sức. Đột nhiên, bà giúp việc nhà Linh nghỉ được hơn tháng nay, cô mới hối hận vì quá nuông chiều chồng.

 

Linh bận ngập đầu vì vừa lo đi làm, cơm nước, vừa đưa đón con nhỏ về ông bà ngoại ở phố bên, còn chồng cô vẫn nhàn hạ như nhà vẫn còn osin. Linh năn nỉ, phân tích lý do: “Không có osin thì anh phải đỡ em chứ” thì chồng cũng bước chân xuống bếp cho lấy lệ rồi năm phút lại đi lên nhà và than: “Anh mệt lắm”…

 

Tương tự, hồi mới kết hôn, Phong - chồng Nguyên (Thái Hà, Hà Nội) cũng là mẫu đàn ông chăm, sẵn sàng rửa bát, cọ nồi giúp vợ mà không nề hà. Khoảng thời gian vợ mang bầu, sinh con, thuê được người giúp việc, Phong chuyển sang lười hẳn. Anh giao toàn quyền chăm con, nội trợ cho hai người phụ nữ trong nhà.

 

Hàng ngày, người giúp việc lo chăm bé, Nguyên nhận phần nấu cơm. Ăn xong, Nguyên ngồi trông con, còn cô giúp việc lo hết chuyện rửa bát, dọn dẹp nhà cửa. Thấy mọi chuyện cũng ổn nên Nguyên không nhờ đến sự trợ giúp của chồng. Chỉ đến khi osin hay làm bỗng nhiên phải nghỉ việc, cô mới thấy, để chồng chăm lại là điều vô cùng khó.

 

Nguyên nhờ mãi, chồng mới chịu cúi xuống xếp gọn mấy tờ báo mà chính anh vừa bày trên sàn nhà. Còn những việc khác, Nguyên có nói thế, chứ nói nữa, Phong cũng không bận tâm. Có khi, Phong còn nổi nóng, trách vợ không đảm đang, không nhanh chóng tìm người giúp việc mới.

 

Ngăn ngừa và phòng chống “bệnh lười” cho chồng

 

Không cứ đàn ông, ngay bản thân phụ nữ, nếu có người đỡ đần việc nhà, họ cũng có thể trở nên lười biếng. Tuy nhiên, khi hoàn cảnh không thuận lợi (kinh tế sa sút, các con đã lớn…), gia đình không có người giúp việc thì chị em lại trở về với vai trò quen thuộc trong nhà. Lúc này, do chồng đã quen được phục vụ nên việc người vợ muốn kéo chồng vào việc nhà là khá khó khăn.

 

Người chồng có lỗi nhưng người vợ cũng không phải vô tội: Có người vợ cầu toàn, thích ôm đồm mọi thứ, chồng động vào việc gì cũng không cho; có người thương chồng nên giành hết việc nhà; lại có người chê chồng vụng về nên tự làm lấy cho xong. Lúc khỏe mạnh không sao nhưng khi đau ốm, chồng không giúp đỡ thì lại tủi thân, oán trách chồng vô tâm, bạc bẽo, tàn nhẫn…

 

Người vợ không biết rằng, một khi chồng đã “lười mãn tính” thì không thể chăm chỉ bất chợt được. Mà có muốn làm thì chân tay anh ấy cũng lóng ngón, tâm lý ức chế do không thạo việc.

 

Được anh chồng tốt, tâm lý là mơ ước của tất cả người làm vợ nhưng phần lớn đàn ông đều vô tâm và lười. Để chồng không bị tật lười đứt quãng, người vợ phải làm “cách mạng triệt để” ngăn ngừa và phòng chống bệnh lười cho chồng từ khi mới cưới. Kể cả trong nhà có người giúp việc, vợ chồng cũng nên san sẻ việc nhà với nhau như việc phải ăn cơm, nói chuyện hàng ngày. Nếu chủ quan, không duy trì thói quen cùng làm việc nhà với nhau, người chồng dễ trở nên lười biếng dù trước đó khá chăm chỉ.

 

Không phải cứ bắt chồng rửa bát, nấu cơm mới là làm việc nhà. Người vợ có thể tranh thủ nhờ chồng mọi lúc, chẳng hạn: “Anh dắt hộ em cái xe” hoặc “Treo hộ em cái áo”, “Lấy cho em cái khăn mặt của con”… Những công việc tuy nhỏ nhưng thông qua đó, người chồng sẽ thông cảm và hiểu được vợ. Đó cũng là cách người vợ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương từ chồng.

 

Những gợi ý khác để chồng luôn chăm chỉ là:

 

- “Ưu ái” cho chồng một danh sách cụ thể việc nhà như đưa con đi học, phơi quần áo, rửa mặt, đánh răng cho con… Hàng ngày, người chồng cứ theo thời gian biểu mà thực hiện, giờ nào việc ấy. Nếu chồng rảnh rỗi, vui vẻ, người vợ nên nhờ chồng thêm việc khác, ngoài danh sách.

 

Phương pháp này sẽ hạn chế được chuyện vợ nhăn nhó: “Sao anh không giúp em?” còn chồng ngơ ngác: “Làm cái gì?”.

 

- Yêu cầu đơn giản. Nếu nói: “Anh rút quần áo rồi đổ rác giúp em” thì nhiều khả năng, người chồng chỉ nhớ mỗi việc đổ rác mà quên rút quần áo và ngược lại (chưa kể nhiều chị em liệt kê hàng chục đề nghị khiến chồng mệt đầu). Nếu chồng đã thực hiện xong việc A, người vợ mới nên tiếp tục nhờ việc B.

 

- Yêu đến mấy cũng không làm hộ chồng: Nếu chồng đột nhiên bận bịu, người vợ nên trao đổi để đảm trách phần việc cho chồng một thời gian. Nếu không, tranh thủ ngày nghỉ, ngày cuối tuần, người vợ nên cùng chồng vệ sinh nhà cửa, chăm sóc con cái.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé