Chồng em là chiến sĩ công an

(Dân trí) - Viết thay lời những người vợ may mắn có chồng là chiến sĩ công an.

Tôi đã nói câu ấy không biết bao nhiêu lần nhưng lần nào cất lên câu nói đó cũng đong đầy niềm kiêu hãnh và tự hào.

 

Chuyện tình của tôi và anh tựa như phim Hàn. Cũng sướt mướt, cũng đấu tranh, cũng đầy thăng trầm và sóng gió cùng những nông nổi của tuổi trẻ.

 

Tôi quen anh vào năm thứ nhất đại học, khi đó anh đang trong thời gian thực tập. Có lẽ đó là mùa hạ nắng rát nhất mà chúng tôi không thể nào quên. Sự tình cờ của số phận đẩy tôi đến với anh cũng như muôn sự tình cờ của ngàn mối tình khác.

 

Anh yêu tôi ngay từ lần gặp đầu tiên trong khi tôi vẫn vô tư xem anh như một người bạn. Anh đã tâm sự với tôi rất nhiều, rất thực, anh kể về mối tình đầu của anh, kể chuyện sóng gió gia đình anh, kể về những người phụ nữ trong gia đình anh. Tôi trở thành một người tâm đầu ý hợp, là nơi mà anh bảo lần đầu tiên anh có thể trút mọi nỗi niễm. Tôi thấy thương sao đằng sau bóng dáng mạnh mẽ ấy là một con người tình cảm. Và rồi yêu anh lúc nào không hay.

 

Ra trường, anh được phân công về công tác tại Đà Nẵng, một lần nữa ông trời lại cho chúng tôi gần nhau. Tình yêu của chúng tôi lớn lên theo những kỷ niệm bên sông Hàn lẳng lặng, bên những dĩa kem ký nhiều màu, bên bờ biển nhạt nhòa lúc hoàng hôn… hai đứa ngồi tựa đầu vào nhau và thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện ngày mai. Những ngày lễ, các cô gái được nhõng nhẽo, phụng phịu và hạnh phúc bên người yêu, còn tôi hầu như không được gặp anh vì cứ lễ anh lại trực nhiều hơn. Lúc đầu vì không hiểu nhau, tôi và anh cũng cãi vả, giận hờn, khi hiểu được tôi lại thương anh nhiều hơn. Anh bảo nghề nghiệp anh là thế, yêu anh tôi phải cố gắng quen với sự thiệt thòi này. Tôi chọn anh, yêu anh nên cũng tập quen, tập mến, tập yêu nghề của anh. Bù lại, tôi luôn mừng lễ, đi chơi lễ, hay nhận quà lễ trước mọi người. Anh cười toe toét như đứa trẻ và bảo “Em nè, người ta ăn chơi mồng 8-3, còn em, em ăn trước thế giới 1 ngày nhé, em yêu”. Cứ thế, tôi quen dần với những ngày lễ trước mọi người.

 

Những đêm anh trực, đi tuần tôi học bài cố chờ anh về. Mỗi khi thấy tin nhắn báo anh đã về, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Những lần anh đi rình bắt đối tượng truy nã, xong nhiệm vụ anh mới kể cho tôi, vì sợ tôi lo. Những kỳ thi với tôi trôi qua dễ dàng bởi có anh kèm cặp, hướng dẫn cho tôi từng bài toán, giải thích cho tôi từng câu triết học khó nhằn.

 

Tôi chăm chỉ vào đọc báo công an, chăm chỉ xem những sự kiện liên quan đến công việc của anh. Những tin tức về cướp giật, tội phạm, lừa đảo… gì tôi đều nắm rất rõ. Để mỗi lần trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp, họ tròn xoe ngạc nhiên là tôi lại hãnh diện trả lời: “Tại chồng em là cảnh sát mà”.

 

Năm năm yêu nhau và giờ là 10 năm vợ chồng, tôi và anh đã có với nhau 2 thiên thần đáng yêu. Có lần, anh được tuyên dương trên báo, tôi khóc vì xúc động, biết rằng anh đã trải qua những giây phút nguy hiểm như thế nào. Tôi lặng lẽ đi in tờ báo ra cất làm kỷ niệm. Anh vẫn trực đêm, trực lễ, Tết, bận rộn với công việc ở cơ quan. Ngày lễ tôi dẫn các con đi chơi, mọi người xung quanh nhìn chúng tôi cứ như thể là một gia đình thiếu sót, tôi hỏi các con có buồn không, chúng nắm tay tôi và nói không bao giờ, thằng anh 10 tuổi còn nói với em gái “Lớn lên, anh cũng sẽ làm cảnh sát như bố”. Có thể thời gian gia đình tôi bên nhau không nhiều nên vì thế mỗi giây phút bên nhau đều là những phút giây hạnh phúc mà cả anh và tôi đều trân trọng. Những năm tôi lặn lội đưa con về ngoại ăn Tết, anh xong việc lại vượt đèo ra thăm và đón mấy mẹ con. 15 năm bên nhau mà tôi và anh chỉ đón giao thừa cùng nhau chỉ 5 lần. Song, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn biết bao nhiêu người khác, như Dương – vợ cậu Tiến cơ quan anh, hai vợ chồng cưới nhau đã bảy năm mà chỉ đón giao thừa cùng nhau được một lần.

 

Tôi lây thói quen và tinh thần cảnh giác cao độ từ anh, anh còn chỉ cho tôi vài chiêu để tự bảo vệ mình. Có lần đi trên phố cùng cô bạn, thấy một cậu choai giật túi xách người ta, tôi thả đôi giày cao gót rượt theo và phang vào người tên ăn cắp. Cả phố reo hò cổ vũ hỏi han tôi thế này, thế kia, tôi chỉ cười và bảo “Tại chồng em là cảnh sát mà”. Nghe người ta xì xào “Ồ, thì ra là vợ cảnh sát, hèn gì…”. Tôi  hạnh phúc và cười thầm trong bụng.

 

Tôi thích cái cảm giác sáng ra, là phẳng phiu bộ quân phục anh mặc, ngắm anh chững chạc và uy nghiêm trong sắc áo đó, dẫu có thể tối trở về, bộ quân phục nhiều khi bị rách hay dính máu. Nhưng tôi học cách can đảm để dần quen với những điều đó. Cảm giác mỗi sáng ra tiễn anh đi làm, chiều thấy anh trở về là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi. Cái hạnh phúc đó tôi cảm nhận được sâu sắc, vẹn nguyên và đầy đủ hơn cũng bởi vì “chồng tôi là chiến sĩ công an”.

 

Diệu Ái