Hưởng ứng chương trình "Giờ trái đất":

Chiếc quạt giấy của bà và ngọn đèn dầu sau vách núi

(Dân trí) - Khi đọc báo và xem trên phương tiện truyền thông về chương trình “Giờ trái đất” tôi lại nghĩ ngay đến bà ngoại với hình ảnh chiếc quạt nan như vật bất ly thân và câu nói: “Tắt bớt mấy ngọn đèn đi cháu, đã khuya lắm rồi…”.

 
Chiếc quạt giấy của bà và ngọn đèn dầu sau vách núi - 1


Lúc làng quê tôi mới bắt đầu có điện, bọn trẻ con mừng rớn cả người khi thấy cái bóng tròn tròn treo dưới sợi dây nhỏ xíu đột nhiên đỏ sáng. Cả đám trầm trồ cái gì đã làm cho nó sáng, chú thợ điện lúc này như một nhà thông thái vì đã tiếp cận được với thứ “hiện đại” này và tỏ ra hiểu biết: “Nước từ trên rừng chảy về, làm quay cái máy phát ra điện, điện làm cho bóng đèn đỏ sáng”. Cả đám đã xôn xao bàn về một dòng suối, dòng sông hùng vĩ nào đó đã làm ra thứ ánh sáng bằng cả trăm cây đèn dầu này.

 

Thế rồi lớn lên tý nữa, tôi theo ba lên thăm chú ở tận miệt rừng. Nơi rừng núi thâm u, ban ngày thật thơ mộng nhưng vào đêm thì chìm đắm trong bóng tối. Lâu rồi quen sống dưới bóng đèn sáng trưng, giờ ngồi bên ngọn đèn dầu có cái bóng đen xì, thú rừng, tiếng dế kêu râm ran, tôi rất sợ. Tôi lại nghĩ về nhà thông thái kiêm thợ điện tôi gặp lúc nhỏ, điện được làm ra từ những dòng sông, suối ở trên núi, trên rừng. Rồi tự ngạc nhiên vì sao nơi chú tôi ở có cả trăm con suối và một dòng sông lớn mà vẫn không có điện?

 

Rồi khi trở thành một anh chàng kỹ sư điện, tôi ít khi quan tâm đến những dòng sông kỳ vĩ trên rừng làm nên nguồn điện như thời tuổi thơ. Và đương nhiên, chưa từng biết thế nào là tiết kiệm nguồn năng lượng này cho tới một ngày tôi giật mình bởi những giấc mơ về những dòng sông, lũ lụt, hạn hán và điện. Từ đó tôi học cách tiết kiệm.

 

Tiết kiệm điện là tiết kiệm một khoản tiền mà mẹ phải chi ra trong cuối tháng, nên trong gia đình bà ngoại luôn là người “giám sát” quá trình sử dụng điện của mỗi thành viên. Những thiết bị điện hiện đại đã đem lại tiện nghi cho mọi người, song với bà ngoại chiếc quạt giấy luôn theo bà trong mỗi mùa hè, có khi mẹ giục bà dùng quạt điện cho khoẻ nhưng bà luôn từ chối, lúc đó bà thường bảo: “Gió của chiếc quạt này bà dùng quen rồi, từ cái thời cả xã này chưa có điện, dùng quạt điện nó nóng và khó chịu lắm”.

 

Có những buổi tối trời cúp điện tối om, mấy anh em cùng bà ngồi ngoài hiên nghe bà kể chuyện, chiếc quạt của bà là nguồn gió mát xua đi đêm hè oi bức.

 

Và rồi từ chuyện trong gia đình, tôi nghĩ miên man đến những nơi khác tôi đã từng đi qua. Từ vùng cao quanh năm chỉ có nắng và gió, từ những bản làng nằm sâu trong rừng thâm u, nơi điện chưa vào tận nơi, mỗi tối chỉ có ngọn đèn dầu thắp leo lét, ai khá lắm thì có cái bình ắc quy, không ti vi, máy quạt. Rồi từ thành phố, những khu công nghiệp có nhiều cột khói trắng, đen bóc nghi ngút lên trời, nơi đó hàng giờ “ngốn” hàng ngàn kw điện để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và cũng thải ra hàng ngàn mét khối khí gây ô nhiễm.

 

Thế nhưng, hệ quả và hậu quả từ việc sử dụng điện mang lại đối với người thành phố, khu công nghiệp hay những bản làng biệt lập không điện đều như nhau. Một trận lũ quét qua bản làng mang đi mọi thứ, một trận lũ, lụt đi qua thành phố cũng vậy. Hậu quả của việc trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu, thiên tai thì ai cũng gánh chịu, nhưng tác nhân gây ra nó đâu phải chỉ có thế!

 

Mấy hôm nay cả xóm bàn tán về “một giờ không điện”. Trong tâm tưởng của mình tôi “ủng hộ hai tay”. Đem chuyện cúp điện một giờ để bảo vệ môi trường nói với bà ngoại, bà bảo “Biết thế bữa giờ ngoại giục bây tiết kiệm điện nhiều hơn, có ai làm như nhà mình không cháu?”. “Cả nước ngoại ạ”. Tôi trả lời và thấy thật hạnh phúc vì cả nhà không có thành viên nào không hưởng ứng chuyện này.

 

Một giờ không điện ư? Có sao đâu, tối đó cả nhà sẽ được bà kể chuyện dưới đóm sáng của bầu trời sao, sẽ được “thưởng thức” gió từ chiếc quạt giấy của bà. Và đặc biệt khi nghĩ về những bản làng nằm cô lập sau đỉnh núi, sẽ thấy mình không “mắc nợ” với ai!

 

Yên Mã Sơn