Chiếc áo dạ mùa thu

Lần này thì Thắng về trong tâm trạng rối bời, anh trai gọi điện lên báo “về ngay tình hình mẹ không ổn” thế là chân nọ đuổi chân kia ra bến xe. Quãng đường dài hơn 700km về nhà nặng trịch bởi Thắng cứ day dứt mãi về chiếc áo dạ bấy lâu nay mẹ ao ước.

Mẹ bị ông bà ngoại giục lấy chồng bởi lúc ấy đã bước sang đến tuổi băm. Lấy bố là người khác làng và qua mai mối nên chỉ sau 2 lần gặp và nói chuyện là hai gia đình trở thành thông gia. Lúc ấy mẹ chưa yêu mà đơn giản chỉ là cái gật đầu tặc lưỡi về làm vợ bởi giữ con gái ế trong nhà với cả dòng họ chẳng khác gì quả bom nổ chậm.

Lấy bố cho đến khi Thắng lên 5 thì ông đổ bệnh, căn bệnh tâm thần chẳng biết do đâu chỉ biết ông không còn minh mẫn nữa. Bố không nhận ra mẹ, không nhận ra cả hai anh em Thắng, suốt ngày chỉ cười cười nói nói rồi đi tinh linh để đến tối 3 mẹ con lại hì hụi thắp đèn dầu đi tìm. Mọi ngóc ngách, ao chuôm ở cái vùng quê nghèo của Thắng, chưa có chỗ nào không in dấu chân của mẹ. Tuổi thơ của anh cũng lớn lên và nhớ mãi kỉ niệm những lần đi soi đèn tìm bố.

Bố điên, hai con còn nhỏ dại, mẹ bươn trải đủ thứ nghề từ mua đồng nát, đong thóc hay mò chai ở khúc sông đầu làng khi mùa nước cạn để rồi lại gom góp đi bán vào buổi chợ sớm tinh mơ ngày hôm sau. Thỉnh thoảng đến vụ, đàn ông con trai trong làng chê công bèo không đi phun thuốc sâu thì mẹ lại đứng lên nhận. Đàn bà con gái, trưa nắng chang chang vậy mà mẹ vẫn cặm cụi phun hết bình này đến bình thuốc khác để đổi những đồng tiền công về mua thuốc cho bố.

Chiếc áo dạ mùa thu

Mùa đông lạnh như cắt da cắt thịt, năm nào mẹ cũng chỉ vận chiếc áo ka ki màu bộ đội có từ ngày còn con gái. Mẹ nói chiếc áo ấm và cũng tiện, mặc đi làm không sợ bẩn nên cũng chẳng bao giờ tự mua cho mình một chiếc nào mới cả. Nhưng mỗi lần cô Bẩy con nhà bác Lâm hàng xóm làm trên Hà Nội về mặc chiếc áo dạ màu vàng nhạt là mẹ cứ xuýt xoa mãi. Chiếc áo trông lịch sự, bóng bẩy và có lẽ rất ấm nên Thắng không bao giờ thấy cô Bẩy phải xuống ngồi gần bếp lửa như mẹ của anh vẫn làm.

Lớn lên hai anh em Thắng đều được học đại học bằng những đồng tiền ít ỏi từ việc buôn thúng bán bưng của mẹ. 4 mùa đông trên Hà Nội, năm nào Thắng cũng ấp ủ phải mua bằng được chiếc áo dạ như của cô Bẩy để tặng cho mẹ để mẹ không còn phải ngồi cạnh bếp lửa lấm lem để ủ ấm nữa. Nhưng rồi anh lại quên hay ích kỉ nghĩ cho bản thân nhiều hơn khi mua thêm cho mình chiếc quần bò mới hay đôi giày đúng mốt. Điều mong muốn ấy chưa bao giờ Thắng làm được cho đến ngày ra trường đi làm

Ở quê mẹ đau bụng cả ngày, người gầy rộc và không ăn được. Anh trai vội vàng cho đi khám, bác sĩ nói mẹ bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối và chỉ sống thêm được 2 tháng. Nghe tin Thắng như ngã quỵ, cảm giác đau đớn chạy dọc khắp cơ thể, chân tay anh cứng đờ không còn nhúc nhích được. Hợp đồng công việc sau gần 1 năm mới kí được tại công trình trên mảnh đất Lai Châu cách nhà hơn 700km nhưng sao anh thấy nó nhẹ bẫng. Trước mắt anh là mẹ đang ngồi cạnh bếp lửa sưởi ấm mỗi khi gió lạnh về, tim anh thấy đau nhói và khó thở như có ai đang cố tình bóp nghẹt nó. Năm nay mùa đông chưa về nhưng ở nhà chắc mẹ cũng đang lạnh lắm bởi mẹ không còn xuống được bếp mà nhóm lửa lên được nữa.

Một nỗi ân hận, day dứt như cào cấu trái tim anh. Mùa thu trời mát mẻ trong lành nhưng là lần đầu tiên anh thấy ớn lạnh. Trên dọc phố phường các cửa hàng quần áo chưa kịp lấy hàng đông về bán nhưng anh sẽ cố tìm bằng được chiếc áo dạ cho mẹ. Chiếc áo dạ của mùa thu khi ngoài đường những chiếc lá vàng đã bắt đầu lìa cành xuống đất … Bất giác Thắng khóc, giọt nước mắt hiếm hoi mặn đắng cho dù đường về nhà còn xa lắm.

Vũ Ân