Chia tay lần nữa

(Dân trí) - “Rổ rá cạp lại” có thể mang lại hạnh phúc dẫu chẳng viên mãn nhưng đôi khi, lại là nỗi đắng cay khó nói. Tiếp tục chung sống hay lại chia tay, lần này, với họ, còn khó khăn gấp bội?

Lúc 40 tuổi, chị Thoa quyết định ly hôn người chồng cờ bạc, rượu chè dưới quê. Gửi lại con nhỏ cho cậu em ruột trông nom, chị lặn lội lên Thủ đô kiếm kế sinh nhai. Khởi nghiệp sau 3 năm trời vất vả, bon chen, chị Thoa giờ đã nắm trong tay một cơ ngơi kha khá: Làm chủ 2 cửa hàng ăn nhỏ tại khu Phố cổ sầm uất. Khách khứa ngày một đông đúc, công việc làm ăn lại thuận buồm xuôi gió, dần dà, chị Thoa cũng dành dụm được chút ít, gọi là “Có bát ăn bát để”.

 

Quãng 6 tháng trước, vợ chồng cô bạn thân thương chị “Thân gái đơn độc lặn lội nơi thương trường, mới tìm cách làm mối cho một người đàn ông cùng cảnh. Anh Luân cũng xấp xỉ tuổi chị. Sau khi chia tay, người vợ cũ của anh đã nhanh chóng sang nước ngoài định cư, để lại cô con gái duy nhất, năm nay đang học lớp 10.

 

Qua mấy lần gặp gỡ, tội cảnh “Gà trống nuôi con”, lại thấy anh nhiệt tình chiều chuộng, chị Thoa mới gật đầu đi bước nữa. Chẳng ngờ, sau một thời gian sống chung ngắn ngủi, chị Thoa mới nhận ra: Hạnh phúc gia đình, một lần nữa lại không mỉm cười với chị…

 

“Nhu cầu” của chồng quá cao, chị không sao đáp ứng đủ. Thoạt đầu, chị nghĩ chắc do anh: “Bỏ vợ đã lâu nên thiếu thốn về mặt sinh lý”. Càng thương và thông cảm cho chồng, chị Thoa càng cố gắng “đáp ứng” dù nhiều khi công việc và tuổi tác đã vắt kiệt sức lực của chị. Thế nhưng, cho đến khi anh Luân trắng trợn, ngang nhiên, sỗ sàng “đòi hỏi” bất chấp vợ đang trong “chu kỳ của phụ nữ”, chị mới không khỏi rùng mình kinh sợ. Đêm ấy, lần đầu tiên chị Thoa thẳng thừng cự tuyệt chồng. Hậu quả, chị bị anh cho 2 cái bạt tai nổi đom đóm mắt kèm theo lời đay nghiến: “Cô không biết làm vợ à? Đồ đàn bà hư hỏng?”. Xong, anh đùng đùng “tống cổ” vợ lên gác xép.

 

Sau cái ngày kinh hoàng ấy, anh chả thèm mảy may để ý đến vợ, đi sớm về khuya. Trơ trẽn hơn, ít lâu sau đó, chị Thoa phát hiện chồng mình ngoại tình với một cô gái “làng chơi”. Nhẫn nhịn và cam chịu, thi thoảng chị mới đả động đến chuyện này đều bị anh “lý sự cùn”: “Tôi ngoại tình đấy, thì sao? Cô không chiều chồng được thì tôi phải đi tìm người khác chứ?”.

 

Chẳng thay đổi được gì, chị Thoa chỉ âm thầm khóc, ngước mắt làm ngơ. Ước mong lớn nhất chị Thoa luôn canh cánh trong lòng là được đoàn tụ với đứa con nhỏ ở quê. Sống cùng chồng, chăm sóc con riêng của chồng chu đáo, nhiều khi chị không khỏi chạnh lòng thương cho con mình. Nhân lúc chồng vui vẻ, chị Thoa mới lựa lời đề xuất: “Em tính đón con bé ở dưới quê lên đây. Mẹ con xa cách lâu ngày quá rồi anh ạ”. Dứt lời, anh Luân nhìn vợ, như muốn ăn tươi nuốt sống rồi mồm năm miệng mười: “Nhà này của bố con tôi. Cô đừng hòng đưa bất cứ đứa nào về nhé!”…

 

Càng ngày, chị Thoa càng xa cách và không thể nói chuyện được với chồng. Hễ định mở lời là anh gạt phăng, giận dữ. Chẳng lẽ, chị lại ly hôn thêm một lần nữa hay cam chịu và nấn ná mong chồng đổi thay?

 

Chị Liên cũng trong tâm trạng băn khoăn không kém. Viết xong đơn ly hôn, chị Liên lại tự tay mình xé toạc. Ba bốn lần như thế, nước mắt chị lăn dài trên hai gò má. Đã một lần thất bại, chị Liên sợ hai chữ “ly hôn” ấy biết nhường nào…

 

“Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” là tình cảnh của chị Liên khi này. Ly dị vì không chịu nổi thói “trăng hoa, ong bướm” của chồng từ khi còn khá trẻ. Chị Liên đâm ra “sợ” đàn ông. Năm năm sau, khi ấy, chị gần 30 mới đồng ý tái giá. Lý do anh Toàn bỏ vợ cũ cũng là vì chị này “cắm sừng chồng”. Chị Liên thấy may vì chí ít hai người cũng cùng cảnh và thống nhất quan điểm “chung thủy một vợ một chồng”

 

Thế nhưng, niềm vui với chị Liên “ngắn chẳng tày gang”. Ám ảnh “bị cắm sừng” trong quá khứ khiến anh Toàn luôn dò xét và hằn học với vợ. Cuộc sống thường ngày của chị nhanh chóng biến thành “địa ngục trần gian” bởi người chồng gia trưởng, luôn áp đặt vô lý. Chị muốn đi ép tóc, gội đầu, anh giễu cợt: “Làm đẹp để trai nó ngắm à?”. Ra đường thấy cô nào nhuộm tóc xanh đỏ hay ăn mặc mát mẻ, anh bĩu môi: “Đúng là đồ cave”.

 

Hôm trước, bà ngoại ốm, chị lo cuống, ba chân bốn cẳng sang thăm. Khuya mới kịp về nhà, vừa bước chân đến cửa, chồng đã trực chờ sẵn: “Cô hú hí với thằng nào mà giờ này mới vác mặt về? Rồi thóa mạ vợ bằng thứ ngôn ngữ khó nghe nhất. Khốn nỗi, mọi lời phân bua, giải thích của chị bằng không. Từ đó, anh cấm luôn cả việc chị về thăm bên ngoại…

 

Chưa hết, em gái chị Liên “trót dại”, lỡ có thai nhưng cậu bạn trai lại “phụ tình”, “cao chạy xa bay”. Thế mà chuyện này lại trở thành “chủ đề lớn” để anh xúc phạm gia đình chị rồi quy kết, chửi bới vợ: “Nòi nào giống ấy”. Và càng ngày càng siết chặt vòng dây “xiềng xích”. Nếu chị Liên có chút phản ứng, anh Toàn gắn ngay cho vợ tội “cứng đầu, không chung thủy” và thậm chí sẵn sàng dùng bạo lực với vợ…

 

Không lẽ chưa đầy 30 tuổi, chị phải hai lần bỏ chồng? Rồi họ hàng, gia đình, bạn bè, dư luận sẽ đánh giá chị là người như thế nào? Qua hai lần đò, liệu có người đàn ông tốt nào dám đến với chị? Hay chị cứ cố cam chịu để có một cuộc sống bình thường như bao người? Hàng trăm câu hỏi trong đầu, đó cũng là lý do khiến chị viết đơn ly hôn rồi lại tự tay xóa bỏ.

 

Nỗi đau đổ vỡ trong quá khứ cũng giống như nỗi sợ của một con chim đã một lần trúng tên, cứ thấy cành cây cong là hoảng. Tâm lý chung của những bà vợ đáng thương trong hoàn cảnh này là nhẫn nhịn và cam chịu, mong một mái ấm bình yên. Tuy nhiên, nếu bị đày đọa về thể chất và tinh thần quá sức tưởng tượng, người vợ hãy cố gắng tìm một lối thoát, đừng để tâm lý “sợ ly hôn” trói buộc bản thân mình.

 

Bên cạnh đó, tốt nhất, ngay từ đầu, nếu muốn tái giá với người cùng cảnh, người trong cuộc phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Không phải ai có cùng hoàn cảnh, mất mát, đau thương như mình đều phù hợp. Bởi lẽ, khi “rổ rá” đã “vênh” nhau thì khó mà “cạp” cho vuông vức lại.

 

Ngọc Anh