Chị dâu

(Dân trí) - Chị về làm dâu nhà mình khi Út còn lơ ngơ chân đất, đưa tay quẹt mũi ngang mặt. Ngày ấy, chỉ biết rằng Út quấn quýt cả ngày bên chị, không chịu rời nửa bước, vì chị hay cho quà.

Mẹ không sinh chị gái cho Út, có lẽ cũng chính vì vậy mà Út thêm thân thiết với chị Ba. Đêm anh chị động phòng hoa chúc, Út nhất định đòi ngủ cùng chị. Dỗ dành mãi không xong, chị đành cho Út chung giường. Giờ, mỗi lần nghĩ lại, thấy ngượng ơi là ngượng, rồi lại càng thêm nhớ chị.

 

Từ ngày có chị về, nhà mình thêm ấm cúng lạ. Mọi thứ được sắp xếp đâu ra đó. Sàn nhà bóng trơn sạch sẽ, lại thêm chiếc lọ nho nhỏ cắm kèm một đóa hoa. Không gian tươi rộ hẳn. Ngôi nhà nhỏ như có thêm luồng sống mới.

 

Rồi cuộc sống bận bịu nặng nỗi lo toan chồng chất lên đôi vai gầy của người con dâu cả là chị. Việc bên nội, ngoại, giỗ quảy đình đám một tay chị đảm đang. Chị ân cần, thảo hiền đối đãi với cha mẹ, hết lòng chăm chút, thương yêu bầy em. Ai cũng quý mến, chẳng chịu để anh chị ra riêng, xây nhà mới.

 

Những tưởng chút hạnh phúc nhỏ nhoi ông trời thương tình san sẻ về nơi chị, vậy mà, chẳng được bao lâu, người ta (nhất là những người họ hàng bên nội) lại nhìn chị bằng con mắt khinh bỉ, có khi là thương hại.

 

Đau xót hơn, có người ác miệng: “Ngợi gì cái giống đàn bà… không biết sinh con!”. Chị lặng lẽ, giấu tủi hờn vào trong, nước mắt lăn dài trên đôi gò má.

 

Càng ngày, cái tin người con dâu cả của dòng họ không sinh được con càng lan tỏa khắp nơi. Đi đến đâu cũng nghe lời bàn tán xôn xao. Trong những buổi giỗ tộc, người ta lại lôi cái chuyện ấy ra so bì hơn thua, phúc lộc: “Giàu mà làm chi, nết mà làm chi, không con, chết có mang theo được đâu, biết chừa lại cho ai?”.

 

Rồi dần dần, ở cái làng quê hãy còn đầy rẫy những hủ tục khắt khe rùng rợn này, uy thế và tiếng tăm của gia đình mình bị hạ xuống từng bậc. Người làng ít ai còn kính trọng và nể nang ông trưởng tộc (là ba) như trước. Người ta bắt đầu dòm ngắm, ngó nghiêng hóng trực để nghe tiếng trẻ con khóc mỗi lần bước ngang qua cổng. Trớ trêu thay, chị vẫn để người đời cứ hoài công ngóng dài cổ.

 

Từng là thanh niên xung phong, thân gái dặm trường ngày ấy không ngại nguy khó lao vào vùng khói lửa chinh chiến hiến mình cho từng tấc đất của Tổ Quốc, để rồi bây giờ, mãi mãi chị phải đánh đổi bằng cả cuộc đời có chồng mà chẳng có con. Ai hiểu cho chị?

 

Anh chị quyết khăn gói vào Nam sinh sống trong nỗi xót xa, đắng lòng của ba mẹ và đàn em nhỏ. Đôi khi, giải pháp cuối cùng có lúc lại là liệu pháp hay! Sau hơn 5 năm bươn chải nơi đất khách quê người, anh chị xây được một gia cơ có thể gọi là khá. Rồi chị bàn với anh xin nhận về một đứa con cho vui cửa vui nhà.

 

Giờ anh chị hạnh phúc tràn đầy, viên mãn trong cái tổ ấm có được từ bàn tay và nghị lực. Mỗi dịp về thăm lại làng, chị không hề đả động đến chuyện năm xưa và ra sức làm từ thiện, góp phần xây nhà trẻ mồ côi, giúp trẻ em khuyết tật.

 

Có lần, Út tò mò hỏi chị: “Chuyện ngày ấy, bộ chị không còn nhớ và giận…?”. Chị mỉm cười cắt ngang: “Cái chính là mình phải sống cho người ta thấy và hiểu mình. Nếu có giận, chỉ giận là chị chưa xóa bỏ hết được cái tư tưởng cổ hủ ấy ra khỏi đầu người dân quê mình…”.

 

Bất giác, Tôi cũng mỉm cười tự hỏi: “Phụ nữ trong hoàn cảnh ấy, có mấy ai làm được như chị?”. Chợt nhớ câu nói ngày bé: “Chị Ba của Út là nhất”. Nhất thật! Đến giờ, trong mắt tôi, chị dâu vẫn là số 1.

 

Đỗ Lan

(Thương tặng chị Ba!)