“Chén trong sóng”

... Người lớn tuổi hay khuyên “chén trong sóng còn khua, huống chi là vợ chồng”, giờ xài chén nhựa không, lấy đâu mà khua với gõ...

Ở quê có đám giỗ, lần này lại rơi trúng vào Chủ nhật nên tôi tranh thủ về từ chiều thứ Bảy. Tưởng mình sớm, ai dè, mấy chị em khác còn sớm hơn, đang vừa làm gà, vịt, gọt khoai củ ngoài sân vừa chuyện trò râm ran về phim ảnh, nghệ sĩ, diễn viên, giá cả ngoài chợ… Vòng vo tam quốc cuối cùng cũng quay về chuyện chồng con, bắt đầu từ vụ giá cả đắt đỏ sinh ra vợ chồng gây gổ. Hai Thủy, con cậu Ba, bán trái cây ngoài chợ huyện, kể mới cách đây mấy ngày đã cho chồng một trận vì cái tội mê nhậu quên rước con. Tất nhiên, ổng đâu có chịu ngồi im, cũng cãi tới bến, vậy là cả xóm bị một đêm mất ngủ.

“Chén trong sóng”



Nghe người này người kia kể chuyện nhà mình, Tư Thu, con dì Út, buột miệng: "Chèn ơi, vợ chồng mà còn cãi nhau được là mừng rồi". Nhiều người nghe vậy chưng hửng, nhưng cũng có vài người nhìn Thu thông cảm. Mấy năm trước, có lần chị em tình cờ gặp nhau ngoài chợ, Thu mời tôi ghé qua nhà, nơi vợ chồng Thu đang sống cùng bà nội, ba mẹ và hai người chị chồng đã ngoài 40 tuổi. Đó là một ngôi nhà xưa, kín bưng và lạnh ngắt. Thu kể, trong nhà không được nói lớn tiếng chớ đừng nói là cãi nhau. Có hôm vợ chồng mới “đề-pa” vài câu là nghe bà nội tằng hắng, ba chồng ho khúc khắc… Nếu tiếp tục cự cãi, má chồng lập tức can ngăn một cách ngắn gọn: "Nhà này không phải là cái chợ, nghe chưa?". Đòi ra riêng nhiều lần không được, Thu ức quá, hẹn chồng ra quán cà phê để nói chuyện. Chồng Thu hỏi, bộ em điên hả, hai vợ chồng cùng là giáo viên tự nhiên kéo ra quán cãi nhau để học trò, phụ huynh nhìn thấy cười cho thúi đầu. Thu gọi điện thoại đến trung tâm tư vấn tâm lý, chuyên viên khuyên nên viết thư cho chồng để bày tỏ những vướng mắc. Thu viết lá thư đầu tiên sau chín năm làm vợ, chồng Thu đọc xong, không thèm trả lời một câu mà xé tan nát. Thu viết thêm nhiều lá thư nữa để dưới gối chồng. Thiệt lâu mới thấy chồng Thu hỏi: "Đồ quỷ ôn gì đây?". Rồi quăng cả xấp thư vô sọt rác cái xạch. Năm ngoái, nghe đâu Thu bị trầm cảm vì mất ngủ triền miên, phải đi điều trị dài ngày ở bệnh viện …

Cùng ngồi lặt rau với tôi là bé Loan, đứa cháu gái đã làm cho dòng họ nở mày nở mặt vì chồng không những có học vị tiến sĩ, mà còn làm cán bộ chủ chốt của thành phố. Đồng cảm với Thu nhưng Loan không dám nói lớn, mà cúi thấp đầu, nói với riêng tôi: "Vụ này con rành lắm. Giận mà nói ra không được, cứ y như là bị sình bụng. Anh ách, nặng nề, khó thở…".

Hỏi làm sao mà nói không được? Bé Loan kể, cứ mỗi lần vợ chồng gây nhau, chung quy chỉ là chuyện nuôi dạy thằng con trai, thì mười lần như một, khi bị đuối lý trước vợ là chồng Loan đều kết thúc “cuộc họp” nhanh chóng bằng câu: "Tôi chỉ tranh luận với người hiểu biết". Xong, tiếp tục cắm đầu vô máy tính. Lúc đầu Loan còn cố gắng giải thích cho chồng hiểu ý mình, sau vài lần thấy mình độc thoại hoặc chỉ nghe, chồng phán một câu ứ hự: “Tôi ghét ai cãi lại tôi.” Câu nói ấy gờn gợn trong đầu riết khiến Loan đành buông xuôi trước sự kỳ vọng quá sức vô lý của chồng vào con trai. Loan có cô bạn thân cũng lâm cảnh như mình, lấy được ông chồng doanh nhân giàu sụ, nhưng hễ có chuyện cãi nhau là ông cắt đứt bằng câu: “Chén kiểu không chọi với chén sành”. Rồi thay quần áo, lái xe đi mất. Nhỏ bạn tức điên lên, chỉ còn biết giải tỏa bằng cách đi mua sắm, đánh bài. Mới đây, khi phát hiện vợ mắc nợ số tiền khá lớn, ông chồng đưa đơn xin ly hôn. Loan kết bằng tiếng thở dài: “Kiểu nào phụ nữ cũng thiệt!”.

Cứ ngỡ vấn đề “cấm cãi” chỉ bó hẹp trong diện vợ chồng trí thức, ai dè, Thủy - làm công nhân trong khu chế xuất, ở nhà trọ cũng không thoát. Lý do vô cùng đơn giản là chồng Thủy mê nhậu, tan ca về nhà, chỉ cần vợ nói một câu không êm tai là anh chàng lấy đó làm cớ để chạy ra quán tu bia tới bến, mặc vợ tất bật với hai đứa con. Thủy nói, nhiều lúc giận tím gan bầm ruột cũng không dám nói, mà cũng không biết nói lúc nào. Buổi chiều phải dành thời gian lo cho con cái, cơm nước, tối đến phải biết điều để láng giềng nghỉ ngơi, mai đi làm sớm. Đợi ổng đi nhậu về nói, còn kinh khủng hơn, dễ ăn “đá bịch” lắm. Thành ra, cục tức cứ vậy mà lớn dần, đến nỗi Thủy hết cả ham muốn, dù tuổi chưa quá ba mươi. Thủy nói, hồi đó mấy người lớn tuổi hay khuyên “chén trong sóng còn khua, huống chi là vợ chồng”, giờ xài chén nhựa không, lấy đâu mà khua với gõ.

Nghe hai ba tiếng thở dài đánh sượt tiếp theo sau câu than của Thủy, dì Út, má của Tư Thu, hứ một tiếng, giọng cam chịu: “Buồn làm gì cho xuống sắc tụi bây ơi! Tụi bây mà vậy riết mơi mốt già còn mệt dữ. Vợ chồng sống càng lâu năm, càng phải nhịn nhiều hơn. Nhịn vì uy tín với làng xóm, vì con cái ngày một lớn, vì sợ sui gia người ta biết cười cho mang nhục… Chuyện gia đình mà, mình nhắm cái gì nói mà thay đổi được hẵng nói, đừng nói linh tinh, người ta nói đàn bà nói nhiều. Cũng đừng lo xa, đừng ôm đồm quá, rồi than thở, gây gổ, khổ thân mình chớ sướng ích gì”.

Mấy phụ nữ trẻ nhìn nhau nháy nhó, nói thì dễ chớ làm được vậy không dễ đâu Út ơi. Dì Út ờ nhẹ re, thì có ai nói dễ hồi nào. Vậy mới phải ráng, không ráng thì chịu sóng sánh một mình.

Theo Bạch Hạc
PNO