Cha ơi, quê mình gió Lào đã thổi chưa?

(Dân trí) - Sống giữa mảnh đất gió Lào bỏng rát nhưng kì lạ chưa, đã bao năm nay con không còn cảm nhận được “vị’ của nó nữa cha ạ. Mùa này, gió Lào đã thổi chưa cha? Hay con đã quá bận rộn để rồi quên đi một miền ký ức xa thẳm?


Cơn gió Lào đã “hun” da cha đen giòn, giọt mồ hôi chưa kịp rơi đã bị thổi khô trên trán.

Cơn gió Lào đã “hun” da cha đen giòn, giọt mồ hôi chưa kịp rơi đã bị thổi khô trên trán.

Mấy bữa nay trời nóng, phải bật điều hòa con trai mới chịu ngủ. Hơi lạnh từ chiếc máy công nghiệp phả ra, mùi ngai ngái khiến con không tài nào chợp mắt nổi. Hình như con nghe tiếng gió thổi trên mái nhà, thứ gió Lào "đặc sản" xứ Nghệ quê mình. Và con thảng thốt nhận ra rằng, bao năm qua dường như con đã quên những trận gió khô khốc bỏng rát ấy. Có phải tại con đã không còn ngây thơ hồn nhiên như thủa trước hay những lo toan cơm áo gạo tiền đã choán hết suy nghĩ, tâm trí của con?

Cha sẽ hỏi gió Lào có vị chi mà con nhớ? Con không thể dùng một vài từ để cắt nghĩa về nó, chỉ biết rằng, trong cơn gió Lào thổi ràt rạt lũy tre có vị lam lũ, nhọc nhằn của cha, của mẹ. Những cơn gió Lào khô khốc đẩy dáng mẹ với quang gánh trên vai, liêu xiêu trong chiều tà. Cơn gió “hun” da cha đen giòn, giọt mồ hôi chưa kịp rơi đã bị thổi khô trên trán.

Ngày gió nổi, cha có thể ngồi cả trưa, vót nan tre, quết hồ giấy để làm cho con cánh diều. Để chiều về, trên triền đê đầu làng, chúng con sẽ chạy nhảy, reo hò và giành nhau xem diều của ai cao hơn, đẹp hơn. Những chiếc diều dán bằng mảnh giấy xi măng chở bao ước mơ của con bay cao, bay xa khỏi lũy tre làng mình…

Mùa gió Lào, bà thường thở dài vì những tàu lá chuối bị "đánh" tơi tả, không thể cắt bán cho các bà hàng xén đổi lấy mấy trăm đồng kẹo mật cho lũ cháu. Ngày gió lên cha lại thở dài vì những mầm lúa chưa kịp gieo xuống thì đất ruộng đã khô như rang. Lùa vội bát cơm với nước rau muống luộc cùng quả cà pháo giòn tan, cha lại than thở “Nam thổi mạnh như ri thì bên Lào mưa to lắm”.

Con không hiểu vì răng bên mình gió thổi, bên nước Lào lại mưa, chỉ mong gió thổi thật nhiều, nhất là những trưa mất điện mà chẳng để ý đến tiếng thở dài của cha. Gió Lào càng thổi mạnh, đồng ruộng lại khô như rang, lúa không xuống giống được, mùa vụ chậm lại, gánh lo toan trên vai cha mẹ lại nặng thêm..

Con nhớ những buổi tối, trên chiếc chõng tre nhà mình, các bác hàng xóm lại quây quần bên ấm nước chè xanh đặc sánh bàn chuyện thế sự râm ran. Khuya, thềm bê tông bớt nóng, cha trải manh chiếu ra, lũ con lại tranh nhau nằm, cãi nhau chí chóe cho đến khi những cơn gió Lào ru vào giấc ngủ. Đêm bình yên, chỉ còn gió thì thào với trăng, với cây…

Nơi ấy chúng con đã nuôi ước mơ thoát khỏi nghèo khó, mang theo giấc mơ của cha mẹ rằng các con của mình sẽ đỗ đạt thành tài, rời xa những rơm rạ lam lũ ruộng đồng…

Quê mình giờ không còn ruộng, cha mẹ không còn phải hong khô người dưới những trưa hè bỏng rát, quăng quật với bùn đất để đánh cược với trời. Quê mình giờ cũng vắng bóng tre, chỉ còn những con đường bê tông khô khốc, những bức tường rào ngăn cách tình làng nghĩa xóm. Nắng vẫn hong giòn đất, hong cả nỗi buồn của cha mẹ già khi lâu lắm rồi con cháu không về chơi.

Cha ạ, con thèm được trở về, được nằm trên manh chiếu nhỏ trước thềm mà nghe gió mơn man trên da thịt. Con thèm những bữa cơm đạm bạc cả nhà mình quây quần với nước rau muống luộc vắt chanh và bát cà giòn trắng muốt đặc trưng của xứ Nghệ quê mình. Con sẽ ngồi thật yên để gió thổi khô những giọt nước mắt buồn tủi, thổi đi những nỗi buồn và gánh nặng lo toan. Con sẽ trở về là đứa con gái bé nhỏ đen nhẻm của cha, để được hồn nhiên tung tăng trên triền đê lộng gió, ngước nhìn trời xanh mà nuôi mơ ước của mình...

Cha ơi, quê mình gió Lào đã thổi chưa?

Hoàng Lam