Cha mẹ tuyệt vọng vì con nghiện game online: Coi như mất một đứa con

Sau những tháng ngày dài mòn chân ở các cửa hàng net, người bố ấy đã bất lực vì không thể kéo con mình trở về với cuộc sống bình thường. Đau lòng là đứa con đó đã từng thi đỗ học bổng để du học một trường đại học ở Nga.

Trẻ em chơi game tại một điểm dịch vụ Internet. Ảnh: H.T
Trẻ em chơi game tại một điểm dịch vụ Internet. Ảnh: H.T

“Nó như bị ma nhập, mọi lời khuyên đều trở nên vô nghĩa”

Học giỏi, thông minh có tiếng nhưng Dũng (quê Thái Bình) lại nghiện game online. Dũng bắt đầu lẻn ra quán net chơi game online từ năm lên lớp 8. Khi biết Dũng ra quán net để chơi game, bố em đã đánh em một trận thừa sống thiếu chết. Tưởng đánh con thật đau con sẽ chừa, ai ngờ Dũng vẫn tiếp tục lén lút theo chúng bạn ra quán net. Để kiểm soát và ngăn chặn con đam mê vào game, bố mẹ Dũng đã cắt cử nhau dõi theo từng bước chân của con. Nhờ đó mà Dũng không có nhiều cơ hội để đến cửa hàng net. Năm lớp 9 nhờ đạt học sinh giỏi quốc gia môn Toán nên Dũng được tuyển thẳng vào trường chuyên của tỉnh. Lớp 10, sự nghiệp học tập của Dũng diễn ra bình thường. Nhưng đến năm lớp 11, vì giận hờn trong yêu đương nên mỗi lần chán nản chuyện tình yêu là Dũng lại lao vào game. Năm đó, bố mẹ Dũng tưởng chừng như mất con vì khuyên nhủ ép uổng kiểu gì cũng không thể kéo con ra khỏi phòng net được. Cho đến lớp 12, cũng nhờ tình yêu, Dũng đã bỏ game và lao vào ôn thi cùng bạn gái. Kết quả cậu đỗ vào hai trường đại học tốp đầu trong đó một trường cậu đủ điểm để xét đi du học có học bổng ở Nga.

Thấy con chơi game nhưng vẫn học và thi tốt nên khi Dũng xin bố mẹ thưởng cho cậu một tháng hè chơi game trước khi bước vào năm học mới, bố mẹ Dũng đã đồng ý. Vào đại học, Dũng không đi du học mà theo học một trường đại học tốt ở Hà Nội. Dũng chọn như vậy bởi vì niềm hãnh diện thi được vào trường đó chứ không phải là vì thích ngành đó. Vào nhập học chưa đầy một tháng, Dũng cảm thấy chán nản vì không thấy hứng thú với hàng mớ lý thuyết dày đặc khó nhớ. Sự chán nản một lần nữa lại đẩy Dũng đến các quán net. Từ đó đến nay đã gần 3 năm, bố mẹ Dũng đã theo chân con khắp hang cùng ngõ hẻm để lôi ra khỏi các quán net nhưng không thể kéo con về với đời sống thường nhật được nữa. Dũng như trở thành một con người khác, thoắt ẩn thoắt hiện. Bố mẹ Dũng muốn đưa em đến các trung tâm, Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương để chữa trị nhưng em nhất quyết không hợp tác. Có lần Dũng trốn nhà đi ra quán net chơi trong suốt 15 ngày, chơi đến mức gục trong nhà vệ sinh. Lúc đó Dũng tưởng mình đã chết. Khi nằm trong bệnh viện, trong cơn mê sảng, Dũng ú ớ rằng “chỉ lo chết không còn được chơi game nữa”!?

Sau khi ra viện, Dũng vẫn tiếp tục quay lại quán net, bất chấp những lời khuyên nhủ đe dọa của bố mẹ. Thấy không còn cách nào để có thể cứu con được nữa, bố Dũng tuyên bố rằng: “Nếu con tiếp tục chơi game, bố coi như mất con. Con đã 21 tuổi và phải tự lo cho mình. Bố mẹ không nuôi con nữa”. Nói và làm, bố Dũng đã đuổi em ra khỏi nhà. Hiện giờ Dũng lang thang ở đâu, bố mẹ Dũng không hề hay biết. Mẹ Dũng, vì chuyện con nghiện game online mà đổ bệnh trọng. Chị thương con đứt ruột nhưng không còn cách nào khác và phải theo ý chồng.

Mẹ Dũng (chị Thương) cho biết, không chỉ riêng con chị. Chị đến quán net nhiều, cũng gặp nhiều phụ huynh cùng cảnh. Trong số những phụ huynh chị gặp, không ít người có con cái học giỏi giang như con chị. “Có một điểm chung ở mấy đứa học giỏi này là, khi mê là mê lắm không biết lối ra. Chúng nó như bị ma nhập ấy. Mọi lời khuyên nhủ phân tích thiệt hơn của bố mẹ đều trở nên vô nghĩa”, chị Thương nói.

Chị Thương cũng cho biết thêm, con một người bạn của chị cũng bị nghiện game online như Dũng. Nhưng họ nhờ thầy giáo hướng em vào nghiên cứu một đề tài khoa học khiến cho em say mê nên em ấy đã bỏ được game. “Còn con tôi thì nó chẳng đam mê gì. Trước nó còn thích thi thố này nọ, nó thích đạt học sinh này, học sinh kia, đỗ trường này trường kia. Bây giờ thì nó chẳng thích gì ngoài game nữa”, chị Thương buồn bã cho biết.

Game online làm gia tăng chứng loạn thần của giới trẻ

Vì sao game online lại có thể làm lệch chuẩn hành vi của người chơi đến như vậy?

Theo giải thích của giới chuyên gia, sở dĩ game online có yếu tố gây nghiện là bởi nó tác động mạnh mẽ đến tâm lý người chơi. Trên phương diện cảm xúc, người chơi sẽ hình thành phản ứng lệ thuộc vào game, nghiện game và ảo tưởng về sự “vĩ đại” của bản thân mình. Nhiều game thủ không ngần ngại đánh đổi tình yêu, tình cảm gia đình và các giá trị thật ngoài cuộc sống để chạy theo giá trị ảo trong trò chơi.

PGS.TS Trần Thị Thu Mai, Quyền Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng, một người có thói quen chơi game 3- 4 tiếng đồng hồ trở lên mỗi ngày là dấu hiệu của nghiện game. Những triệu chứng của nghiện net, nghiện game bao gồm: Đảo lộn sinh hoạt thường ngày; Cảm thấy bồn chồn sốt ruột khi không được lên mạng, chơi game; Luôn bị ám ảnh bởi game; Mất khả năng làm những công việc bình thường hằng ngày; Mất khả năng kiểm soát hành vi...

Theo kết quả Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam thì hiện nay, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng Internet làm phương tiện giải trí nhiều hơn là tìm kiếm thông tin trong đó có 61,4% sử dụng Intrenet để chơi game. Hiện tượng thanh thiếu niên nghiện game online cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng chứng loạn thần trong giới trẻ.

Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội