Cha mẹ không nên dạy con “người lạ nào cũng là người xấu”

(Dân trí) - Trung tâm Quốc gia về bảo vệ trẻ em bị mất tích và lạm dụng (NCMEC) đang khuyến nghị các bậc phụ huynh hạn chế sử dụng cụm từ “kẻ lạ nguy hiểm”. Đó là lối suy nghĩ cố hữu mà người lớn gieo vào đầu trẻ để nhắc nhở chúng về những mối đe dọa tiềm ẩn có thể gây ra bởi người lạ.

Dạy con

Mặc dù khái niệm “kẻ lạ nguy hiểm” đã bị xóa bỏ từ lâu nhưng cụm từ này vẫn phổ biến đến mức rất nhiều phụ huynh dạy lại nó cho con cái mình.

Callahan Walsh, nhà hoạt động vì trẻ em tại Trung tâm Quốc gia về bảo vệ trẻ em bị mất tích và lạm dụng phân tích: “Cụm từ “kẻ lạ nguy hiểm” (stranger danger) có vần điệu nên rất dễ nhớ. Mặc dù đó chỉ là một cụm từ, một lời kết luận chung chung, nó không đúng trong tất cả mọi trường hợp. Không phải lúc nào người lạ cũng là người xấu. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn mọi người suy nghĩ lại về việc sử dụng cụm từ này.”

Ông Callahan Walsh cho biết, Trung tâm muốn chấm dứt việc sử dụng cụm từ “kẻ lạ nguy hiểm” vì 3 lý do, trong đó 2 lý do chính xuất phát từ thực tế là trẻ em hoàn toàn có nguy cơ bị làm hại bởi những người quen biết; và cũng có rất nhiều trẻ nhỏ vẫn chưa hiểu được khái niệm “người lạ” một cách đầy đủ, chính xác.

Trên thực tế, trẻ em có thể bị làm hại bởi cả những người quen biết.
Trên thực tế, trẻ em có thể bị làm hại bởi cả những người quen biết.

Lý do thứ ba mà ông đề cập đến là: “Có những tình huống trẻ nhỏ sẽ cần đến sự giúp đỡ của người lạ, ví dụ như khi chúng bị lạc đường, hay thậm chí là khi bị bắt cóc”.

Nhà báo T.J.Holmes của tờ ABC News cùng chuyên gia Callahan Walsh đã thiết kế một cuộc thử nghiệm với sự tham gia của 10 đứa trẻ (trong độ tuổi từ 7-9) tại một Trường tiểu học ở Haddonfield, New Jersey (Mỹ). Cuộc thử nghiệm được xây dựng nhằm quan sát xem liệu những đứa trẻ có hỏi xin sự giúp đỡ từ người lạ khi chúng rơi vào tình huống nguy hiểm hay không.

Tất cả 10 đứa trẻ đều đã quen với cụm từ “kẻ lạ nguy hiểm”, và chúng đều có cách giải thích của riêng mình khi được hỏi về cụm từ này.

Một đứa trẻ định nghĩa rằng: “Giống như khi một người lạ mặt tiến lại gần, chúng ta chỉ muốn trả lời đại loại như chúng ta không thể giúp họ và cứ thế đi thẳng”. Một đứa trẻ khác lại kết luận ngắn gọn về người lạ rằng: “Chúng ta đừng nên tin họ”. Một cô bé lại hiểu về cụm từ này theo cách đơn giản đó là: “Đừng bao giờ nhận kẹo từ người mình không biết”.

Trong cuộc thử nghiệm, ABC News đã thuê 4 diễn viên phụ trách những vai khác nhau, bao gồm: nhân viên an ninh, người mẹ với những đứa trẻ, nhân viên cửa hàng và anh chàng Joe - một người Mỹ bình thường.

Nhân viên an ninh, người mẹ và nhân viên cửa hàng được hóa trang như một người trưởng thành đáng tin cậy, với huy hiệu, một đứa trẻ sơ sinh và một tấm thẻ tên. Trong trường hợp gặp nguy hiểm, trẻ em nên nhận biết được rằng chúng cần hỏi xin sự giúp đỡ từ những người lạ có các dấu hiệu chứng tỏ họ là người có thể tin cậy.

Walsh đã hỏi những đứa trẻ tham gia cuộc thử nghiệm rằng liệu chúng sẽ làm gì nếu chúng cùng bố mẹ vào một cửa hàng để mua sắm nhưng sau đó lại đột nhiên bị lạc và không thể tìm thấy bố mẹ.

Walsh nói với những học sinh tiểu học rằng: “Giả sử các cháu không thể tìm thấy bố mẹ của mình. Và lúc đó các cháu nhìn thấy có một vài người trong cửa hàng. Vậy ai trong những người đó là người mà các cháu có thể hỏi xin sự giúp đỡ?”.

Trẻ em cần cảnh giác với những món quà bất thường và lời nhờ giúp đỡ từ người lạ khi xung quanh vẫn còn những người lớn khác. Bởi thông thường mọi người sẽ tìm sự giúp đỡ từ người trưởng thành trước khi nhờ đến trẻ em.
Trẻ em cần cảnh giác với những món quà bất thường và lời nhờ giúp đỡ từ người lạ khi xung quanh vẫn còn những người lớn khác. Bởi thông thường mọi người sẽ tìm sự giúp đỡ từ người trưởng thành trước khi nhờ đến trẻ em.

Cậu bé Zac (9 tuổi) đáp lại: “Tất cả họ đều là người lạ và chúng ta sẽ không bao giờ nói chuyện với người lạ, trừ khi chúng ta biết họ là ai”. Khi được hỏi liệu chúng ta có nên hỏi người mẹ đi cùng những đứa trẻ, nhân viên an ninh hoặc nhân viên cửa hàng với cái thẻ tên hay không, Zac nói rằng cậu bé sẽ không hỏi xin sự giúp đỡ từ bất cứ ai trong những người trên.

Trong khi đó, James (9 tuổi) lại trả lời rằng: “Nếu cháu không thể tìm thấy bố mẹ và phải chờ rất lâu thì cháu sẽ rời cửa hàng và tìm bố mẹ ở chỗ đỗ ô tô”.

Connolly (8 tuổi) cho biết cô bé sẽ không hỏi xin sự giúp đỡ từ người đàn ông tên Joe mà sẽ nói chuyện với nhân viên an ninh.

Cuối cùng, người mà các học sinh tiểu học cảm thấy thoải mái nhất để có thể tiếp cận là nhân viên cửa hàng; người mẹ và nhân viên an ninh cùng xếp thứ hai về mức độ có thể tin cậy. Không một đứa trẻ nào nói rằng sẽ chọn người đàn ông tên Joe nếu chúng buộc phải tìm người giúp đỡ.

Walsh đưa ra lời khuyên rằng, trẻ em nên được dạy rằng nếu như chúng từng bị tiếp cận hoặc từng bị hỏi xin sự giúp đỡ, ví dụ như: “Cháu có thể giúp cô/chú tìm một chú chó con không?”, hay: “Làm ơn chỉ cho bác đường đến chỗ này với?” thì chúng ta nên cảnh báo với trẻ, và “luôn luôn phải dạy cho trẻ biết nói “không” với những người trưởng thành cố gắng tiếp cận chúng”.

Tuy nhiên, Walsh cũng nói thêm: “Mặc dù vậy, trẻ em cũng nên được dạy rằng nếu như chúng rơi vào một tình huống khẩn cấp thì chúng có thể cần chủ động tiếp cận với người lạ để nhờ giúp đỡ”.

Walsh nhắc lại về “dấu hiệu nhận dạng” nhằm nhận biết những người lạ có thể tin cậy để trẻ tiếp cận, bao gồm: Người mẹ với những đứa trẻ, nhân viên cửa hàng với thẻ tên và nhân viên an ninh với huy hiệu.

“Chúng tôi muốn các bậc phụ huynh suy nghĩ lại về cụm từ “kẻ lạ nguy hiểm”, bởi chúng tôi đã phân tích các vụ bắt cóc trong hơn 10 năm qua. Chúng tôi biết rằng có những xu hướng phạm tội phổ biến và thường những đứa trẻ sẽ bị bắt cóc như thế nào. Nhưng có những trường hợp, khi đứa trẻ thực sự bị bắt cóc thì “kẻ lạ nguy hiểm” lại không hề trùng khớp với các xu hướng phạm tội và nhận dạng phổ biến đó”, Walsh bày tỏ.

Hoài Phương
Theo ABC News