Cha mẹ giàu, con dễ sinh hư?

Ông bà ta xưa từng có câu: “Cha mẹ nghèo mới biết lòng con thảo”. Khi nghe câu này, lập tức nhiều người sẽ phản đối: “Đâu đến nỗi thế, con ngoan hay hư do cha mẹ dạy, đâu phải do giàu nghèo”.

Thế nhưng, từ khi kinh tế thị trường phát triển, hay nói đơn giản hơn khi Việt Nam có nhiều người giàu hơn, câu nói được nhiều người thường nghe thấy, thường chép miệng tán thành nhất trong chuyện dạy con là: Nhà càng giàu, con càng hư. Đồng thời, người ta có thể kể đến hàng trăm ví dụ về chuyện đó.

 

Thương con cách ấy bằng mười...hại con

 

Ở Q.10 (TP. HCM), hầu như những ai làm công tác từ thiện đều biết chị P.N. Nữ doanh nhân ngành nhựa này nổi tiếng vì những đóng góp, giúp đỡ người già cô đơn, trẻ em nghèo. Thế nhưng ít ai tận tường vì sao chị lại sẵn lòng giúp đỡ người nghèo. Chỉ có người thân thiết mới được nghe những tâm sự buồn của chị. Chị có hai đứa con trai, cả hai đều đã chết vì ma tuý.

 

Cách đây chừng mười năm, chị P.N từng là một tấm gương điển hình phụ nữ vượt khó làm giàu. Gia sản và sự nghiệp của chị bắt đầu từ một điểm thu gom phế liệu nhỏ. Cuộc sống ngày càng khấm khá khiến chị nghĩ lại và thương tuổi thơ của hai đứa con nhỏ nhọ nhem trong cái kho phế liệu chật chội, dơ dáy.

 

Bắt đầu phất lên khi các con vào độ tuổi 12, 13, chị chiều chuộng chúng hết mức. Chị rất tự hào về điều đó. Con các đại gia có gì, con chị có nấy, từ điện thoại di động, laptop đến xe máy... Đồng tiền mang lại cho các con chị đầy đủ vật chất nên chị càng lao vào kiếm tiền.

 

Không có thì giờ ở bên các con, chị P.N cho chúng nhiều tiền hơn và thường âu yếm nói: “Đi chơi đi con, cho thoải mái”. Tiền bạc lập tức hút đến xung quanh các con của chị những người bạn xấu. Vì thế, chúng đã nhanh chóng trở thành con nghiện.

 

Chỉ đến khi được công an mời lên khi hai con cùng bị bắt trong một tụ điểm hút chích, chị P.N mới biết sự thật. Không để gan đẩy các con đi trường cai nghiện, chị âm thầm đưa chúng về nhà chữa chạy. Trái tim yếu đuối của người mẹ khiến chị chữa một thì hại mười. Những lúc cầm lòng không được trước sự vật vã của các con, chị chính là người đi tìm mua ma tuý.

 

Được một thời gian, không chịu nổi sự kìm hãm của mẹ, chúng bỏ nhà đi. Chỉ trong vòng tám năm, chị mất hai đứa con. Đứa đầu sốc ma tuy mà chết, đứa thứ hai mắc căn bệnh thế kỷ sida.

 

Đến lúc ấy, chị P.N mới cảm thấy hết sự vô nghĩa của đồng tiền.

 

Hãy dạy cho con biết tiết kiệm và quý trọng đồng tiền

 

Nuông chiều con đến mức con hư mới chỉ là một nguyên nhân dễ thấy, dễ nhận ra. Bên cạnh đó, không ít những ông bố bà mẹ giàu có cách sống, cách hành xử bằng tiền. Con cái họ lấy đó làm gương noi theo. Đây là một trong những nguyên nhân khiến con cái hư hỏng mà ít người nhận ra.

 

Nhà anh chị H.K, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu uy tín, chỉ sinh một cô con gái. Gia đình họ giàu có nhưng cuộc sống lại không hạnh phúc. Chồng chị H.K thường xuyên vắng nhà.

 

Những chuyện bồ bịch, chơi bời nhậu nhẹt, của chồng, chị thường xuyên than thở với con gái. Để giải toả nỗi buồn, chị đưa con đi chơi, đi nhảy với mình từ khi con bé mới chỉ 10 tuổi.

 

Những chuyện bồ bịch, ăn chơi của bố mẹ đập vào mắt cô bé tâm hồn còn trong sáng ấy. Đến khi 14 -15 tuổi, Nhi đã biết trang điểm, ăn mặc rất hở hang và tiêu tiền như giấy. Khi con rớt tốt nghiệp cấp hai, chị H.K chạy vạy hàng chục triệu đồng để đưa con vào một trường bán công nổi tiếng và khoản học sinh ăn chơi của thành phố.

 

Cô bé Nhi ngày càng hiểu sức mạnh của đồng tiền. Không đậu cấp ba: chục triệu đồng. Không đủ điểm lên lớp: ba triệu một môn.

 

Chạy xe, bị công an bắt: đút tiền. Ngay cả khi gia đình buồn, mẹ cô bé cô bé cũng giải quyết bằng tiền. Chị đưa con đi mua sắm, đi chơi, đi nhảy nhót cho đỡ buồn. Nhi đã lầm tưởng rằng tiền có thể làm mọi chuyện, có tiền là có tất cả. Thế là cô bé tự nhiên mang cái chân lý ấy áp dụng vào cuộc sống của mình.

 

May là cô bé không sa vào chuyện hút xách, trộm cắp.

 

Nhưng nó đối xử với mọi người thông qua đồng tiền. Giàu nó trọng, nghèo nó không coi ra gì. Rồi đến lúc nó cho rằng quan hệ mẹ và nó cũng chỉ là...tiền.

 

Một hôm, cô bé đột ngột bỏ nhà, trốn đi sống với bạn trai, ôm theo mấy trăm triệu của mẹ. Nhi gửi tin nhắn “an ủi” mẹ: “Tiền này trước sau mẹ cũng phải chia cho con. Thôi thì mẹ cho con trước, để con có vốn làm ăn. Con sẽ quyết tâm tạo dựng sự nghiệp riêng. Sau này con sẽ lo nuôi mẹ”.

 

Chị H.K khóc hết nước mắt: “Mình có cần nó nuôi đâu. Mình có cần tiền của nó đâu. Chỉ muốn nó đi du học nước ngoài. Thế mà nó sợ xa thằng bồ mất dạy, bỏ nhà theo trai”.

 

Hoá ra tất cả những chuyện rắc rối, không hiểu nhau của cha mẹ, con cái, cũng khối người giàu giải quyết bằng tiền thay vì sự yêu thương, trăn trở, xót xa...Chính vì vậy, họ trúng đòn “Gậy ông đập lưng ông” là điều dễ hiểu.

 

Sử dụng chiếc “gậy tiền” sao cho đúng?

 

Kể ra, gọi tiền bằng gậy cũng không phải là so sánh khập khiễng. Quả thực, tiền là chiếc gậy chống tốt cho người ta leo lên những vách cheo leo của cuộc sống. Nhưng sử dụng đồng tiền ấy như thế nào để không bị chính nó đập vào lưng mình lại là sự khéo léo của những người nắm cây gậy ấy trong tay.

 

Gia đình chị Kim Nga, nhà ở Phú Mỹ Hưng (TP. HCM) là một ví dụ. Các con chị học một trường ở Q. 2. Hai đứa đều đi học bằng xe buýt, điều mà ngay cả những gia đình trung lưu cũng e ngại.

 

Chị Nga giải thích: “Đưa con đi học bằng xe hơi chẳng khó khăn gì. Tập cho chúng tự lập mới là khó. Chen chúc trên một chuyến xe, chúng học được khối điều. Mà các con tôi không tủi thân chút nào. Ngược lại, chúng còn tự hào vì được bố mẹ tin tưởng”.

 

Đó là chuyện nhỏ mà hoá ra không phải nhỏ trong những gia đình thừa vật chất. “Cho chúng tiền, phải cân nhắc, chắc còn hơn... nhà nghèo. Vì mình rút ra vài trăm nghìn dễ quá, nên càng phải nghĩ. Làm thế nào để con hiểu đúng nghĩa đồng tiền ở đây?”.

 

Làm sao cho con trẻ hiểu đúng nghĩa

 

Đồng tiền mà cha mẹ chúng làm ra quả là điều khó. Chính vì thế, gia đình chị Thanh Xuân, một doanh nhân khá giả, lại trút nhiều tiền nhất vào... những chuyến du lịch, những chuyến cả gia đình vừa nghỉ ngơi, vừa làm từ thiện.

 

Chị bảo: “Mình chẳng nghĩ đến chuyện tích luỹ nhiều tiền cho con cái. Của đó có khi làm nó hư. Tốt nhất là cho nó kiến thức để nó lớn lên tự làm việc nuôn bản thân”. Xem ra, những suy nghĩ kiểu này không còn nghĩ xa lạ với nhiều người giàu nữa.

 

Theo Hoàng Phương

Phong cách