“Cậu bé” đáng yêu

(Dân trí) - Trong người đàn ông bên cạnh cá tính mạnh mẽ cứng rắn của một đại trượng phu có một chút ngộ nghĩnh, yếu đuối như một đứa trẻ. Điều đó phải chăng là đúng?

Hôm nay cuối tuần, chị quyết định cải thiện món ăn cho cả nhà bằng món phở cuốn hấp dẫn. Chị hồ hởi nói với các con:

 

- Hôm nay nhà mình ăn cơm sớm rồi đi xem phim nhé!

 

Hai đứa trẻ nghe thấy mẹ nói cho đi xem phim thì nhảy cẫng lên, miệng gọi mời bố rối rít như sợ mẹ rút lại lời nói:

 

- Bố ơi, con mời bố ra ăn cơm. Bố ơi hôm nay nhà mình đi xem phim.

 

Thấy con gọi mãi mà anh chỉ ậm ừ chưa ra. Nghĩ anh đang dở công việc, chị toan vào xem sao. Chị chợt hiểu ra khi thấy ông xã thực tình chẳng bận việc gì cả, nằm vắt chân chữ ngũ và hát ngêu ngao. Biết anh “làm nũng” đợi vợ “thân chinh” vào gọi ra ăn cơm chị hài hước:

 

- Bố ơi, mời bố ra ăn cơm.

 

Anh lập tức đứng dậy, ra ngồi vào bàn ăn cơm như một cậu bé ngoan ngoãn biết nghe lời. Hai đứa con, đứa lớn vừa ăn vừa kể cho mẹ nghe hôm nay lên bảng được điểm mười bài toán mà cả lớp không giải được. Đứa nhỏ tấm tắc khen mẹ nấu ăn ngon và nói tuần sau mẹ lại làm món này nữa. Còn anh cũng tranh thủ kể chuyện bà vợ anh đồng nghiệp hôm nay đánh ghen ở cơ quan thế nào. Thế là chị ngập trong bấy nhiêu câu chuyện, vừa đơm cơm chị vừa cố gắng nghe thành tích của đứa lớn, yêu cầu của đứa bé và câu chuyện ở cơ quan của anh. Nhưng bọn trẻ vốn to mồm hơn nên nói lấn lát hết cả tiếng bố. Bực mình quá anh nghiêm mặt, cáu với các con:

 

- Tập trung ăn cho nhanh đi, ồn ào quá!

 

Hai đứa trẻ đang sôi nổi bị bố ngắt lại thì mặt tiu nghỉu. Nhận thấy sự vô lý của mình, anh sửa sai bằng cách an ủi con: “Các con ăn nhanh còn đi xem phim không muộn rồi” và suốt bữa cơm cứ tủm tỉm. Chị cũng không nhịn được cũng cười theo vì trông anh hệt như một “đứa trẻ lớn”.

 

Trong cuộc sống, anh là một con người mạnh mẽ, trong gia đình anh là trụ cột. Vậy mà cũng có những lúc hai bố con tranh luận om củ tỏi vì tranh nhau chiếc tivi. Bố thích xem thời sự còn con thích xem phim họat hình. Kẻ bật người tắt đến là buồn cười. Thấy “cuộc chiến” có vẻ như không phân thắng bại, chị đành khéo léo nhờ anh nhặt rau giúp. Vừa nấu cơm chị vừa không nhịn được cười. Anh thường ngày quyết đoán, luôn yêu vợ thương con vậy mà cũng có lúc “trẻ” đến kỳ lạ.

 

Có hôm đi làm về, chị hốt hoảng khi tủ quần áo bị lục tung, vứt lộn xộn khắp phòng. Chị nghi có trộm vào nhà nhưng kiểm tra kỹ lại chẳng mất thứ gì. Chị đoán ngay ra thủ phạm là anh. Thường ngày, trước khi đi làm chị đã chuẩn bị quần áo sẵn cho anh, hôm nay chị vội đi làm quá, nói anh tự chuẩn bị. Hóa ra là anh không biết tất, cavat ở đâu nên lục tung tủ quần áo lên tìm. Khi tìm xong rồi cũng không dọn luôn mà cứ thế đi ngay. Vừa bực mình vì đi làm về mệt mỏi chưa được nghỉ đã phải giải quyết hậu quả của ông xã nhưng chị vừa buồn cười, thực là bố con chẳng khác gì nhau.

 

Hôm trước anh bị sốt nên nghỉ làm ở nhà. Trước khi đi làm, chị đã nấu một nối cháo để sẵn trên bếp, dặn anh phải ăn rồi mới uống thuốc. Cẩn thận chị dặn cả con bé lớn, nhớ nhắc bố ăn cháo rồi uống thuốc. Nào ngờ đến trưa chị về nồi cháo vẫn còn nguyên, vỉ thuốc vẫn trên bàn chưa uống. Tưởng anh ốm nặng thêm, chị vào hỏi gì anh cũng không nói. Thì ra là dỗi…. Chị lẳng lặng đi hâm lại cháo, bưng vào cho anh, anh ngồi dậy húp ngon lành. Nhắc lại chuyện ấy, anh chỉ biết cười hiền: “Có vợ thì anh mới “làm nũng” chứ, chẳng nhẽ lại làm nũng với cô hàng xóm!”.

 

Chị hiểu rằng trong người đàn ông bên cạnh sự mạnh mẽ quyết đoán, trụ cột gia đình vẫn có những phút giây yếu mềm, hài hước. Tình yêu thương và sự chăm sóc của người vợ đã làm cho tính cách ấy thêm ngộ nghĩng đáng yêu. Điều đó cũng thật cần thiết để anh cân bằng cuộc sống mưu sinh vốn nhọc nhằn.

 

Lan Tường