Cẩn thận với thói “ghen ăn tức ở”

Có một loại kẻ thù bên ngoài nguy hiểm hơn và là mối đe dọa thường xuyên hơn cả kẻ thứ ba. Đó là những người mà nhiều khi ta không nghĩ họ là…kẻ thù.

Chúng ta không nên nghĩ xấu về mọi người, nhưng một mặt cũng phải thấy rằng trên đời ở đâu cũng có những người nhiễm một thói xấu gọi là thói “ghen ăn tức ở”. Hình như thấy cảnh vợ chồng người khác hòa thuận, hạnh phúc, họ cũng lấy làm chướng tai gai mắt? Bề ngoài, họ vẫn ra vẻ thân tình nhưng nếu có một chút gì có thể đơm chuyện làm cho người ta không thể hạnh phúc trọn vẹn được là họ hí hửng “như mèo thấy mỡ”.

 

- Này, cậu có biết hôm nay tớ thấy ông xã nhà cậu từ đâu đi ra không? Quán Karaoke Hoa Sữa nhá! Một bọn vừa giai vừa gái phải đến gần chục người. Anh chị nào trông cũng phởn phơ lắm!

 

- Hôm qua, tớ thấy bà xã nhà cậu đi với một anh nào trông phong độ lắm vào hàng phở. Trông anh chị đẹp đôi ra phết. Ngồi ăn lại còn gắp bỏ sang bát nhau rất “tình củm”.

 

Một câu nói nửa đùa nửa thật, bâng quơ như thế nhưng gieo vào lòng người nghe bao nhiêu suy tư, có khi mất ăn mất ngủ hoặc biết đâu chẳng nổ ra những trận lôi đình, bát đĩa vỡ loảng xoảng. Và chỉ cần thế là họ hả hê, ăn ngon ngủ kỹ.

 

Bà Diệp về hưu đã 2 năm nhưng ông chồng chưa đến tuổi hưu và vẫn đang làm Phó giám đốc một xí nghiệp lớn. Những kẻ ghen ghét với cương vị và tài năng, đức độ của ông họp nhau bàn cách gây sóng gió trong gia đình ông. Họ phân công một người giả chữ con gái viết một lá thư tố cáo ông quan hệ với ca-ve. Một người khác, gọi điện cho vợ ông nhắc nhở phải cảnh giác mối quan hệ của chồng bà với cô Trưởng phòng hành chính. Kẻ nữa cứ thỉnh thoảng lại nhắn tin vào máy di động của ông giả giọng nữ hẹn hò.

 

Với những trò đê tiện như vậy, ông Diệp khốn đốn vì máu Hoạn Thư của bà vợ. Đến nỗi mỗi lần bà đến cơ quan để răn đe kẻ tình địch, ông lại được một phen không có lỗ nẻ nào mà chui. Điều nguy hiểm, là những chuyện như thế chẳng phải mọi người không tin.

 

 Chuyện xưa kể rằng: Có kẻ cứ phao tin đồn như vậy, lần đầu người ta không tin nhưng nghe đến lần thứ hai cũng nghi ngờ và nghe mãi cũng thành tin. Một người nói không tin, nhưng người khác nghe lại truyền đi đến khi nhiều người nói phải tin. Hình như có những người cứ phải “chọc” được người khác một “nhát” như thế thì về nhà ăn cơm mới ngon?

 

Nếu chẳng may hôm ấy, anh chồng về lại không nói gì với vợ về chuyện mình có đi hát Karaoke hoặc thái độ lại có vẻ khoái chí như có gì vui trong lòng, thì câu nói như đùa của thiên hạ cũng đủ làm cho cái máu “Hoạn Thư” của vợ sôi lên sùng sục rồi. Trước hết, là một bộ mặt lạnh như tiền nếu chưa phải là bộ mặt “hình sự” làm cho không khí gia đình u ám một màu nghi hoặc. Sau đó, là một vài câu bóng gió xa xôi. Tiếp theo có thể là những câu lục vấn: Hò hát với ai? Quán nào?... Và ai biết được, chừng ấy câu hỏi liệu có dẫn đến một cuộc cãi nhau?

 

Trước hết, phải thấy những người đơm chuyện như thế có phải là người tốt vì lo cho hạnh phúc gia đình nhà mình mà họ phải quan tâm giúp đỡ không? Thực ra, đó là những câu nói rất vô trách nhiệm và có ác ý. Nếu họ thật sự quan tâm lo lắng cho mình, họ đã không nói như thế. Vì chắc hẳn họ thừa biết điều đó sẽ khiến cho vợ chồng người khác sinh ra nghi ngờ, lục đục.

 

Người đứng đắn, tử tế không bao giờ đi gieo rắc sự ngờ vực làm gia đình người khác lục đục, lấy đó làm điều thích thú của mình. Hoặc nếu thấy có điều gì sai trái, họ cũng tìm cách góp ý thân mật với chính người đó, chứ không “mách” với vợ hay chồng người ta. Cho nên, những người khôn ngoan muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình mình không bao giờ dễ tin ngay những điều đơm đặt “thêm mắm thêm muối” của thiên hạ. Lòng tin của vợ - chồng đối với nhau sẽ làm nản lòng những kẻ ngồi lê đôi mách.

 

Nhưng ở đời, không ít người nhiều khi lại tin những kẻ đơm chuyện hơn người nhà. Thậm chí có người còn đem chuyện bất hòa trong gia đình kể với người ngoài. Có người thấy ai đến nhà chơi, đang cơn tức giận, cứ như vớ được “đồng minh”, phải tranh thủ liên kết ngay để tấn công người bạn đời của mình.

 

Biết đâu rằng, ngay ngày hôm sau những chuyện đó đã trở thành đề tài đàm tiếu của những kẻ ngồi lê đôi mách. Hỏi như thế, gia đình họ có thể êm ấm, hạnh phúc được không? Nhất là trong thời đại thông tin hiện nay, máy tính, máy ảnh, quay phim, ghi âm bán nhan nhản với giá bình dân tạo điều kiện cho những kẻ thích “chọc ngoáy” gia đình người khác rất thuận lợi.

 

TT Tư vấn Hôn nhân thường xuyên gặp những người bị vợ hay chồng hiểu lầm, nhưng lại có “bằng chứng” hẳn hoi nên rất khó thanh minh. Một chị nọ có người chồng rất tốt, hết lòng với vợ con nên gia đình rất ấm êm hạnh phúc. Bỗng một hôm, chồng nằm ngủ trưa để điện thoại di động bên cạnh. Vợ đi qua thấy màn hình lập lòe liền mở ra xem và bàng hoàng kinh hãi. Mấy bức ảnh hiện lên trên màn hình khiến chị không tin vào mắt mình. Đó là ảnh chồng và người yêu cũ của anh ta đang say sưa âu yếm trong tư thế gần như không có y phục, có lẽ được chụp từ khi anh ta còn chưa biết người vợ bây giờ.

 

Thiết nghĩ, đây là chuyện rất bình thường vì trước khi đến với hôn nhân mấy ai không có một vài mối tình không thành. Nhưng điều làm chị đau đớn là tại sao những bức ảnh đó lại được lưu trong máy di động của anh để làm gì? Chị tự giải thích là chắc anh nhớ người yêu cũ quá không thể nào quên được nên phải lưu những tấm ảnh đó để thỉnh thoảng mở ra xem cho đỡ nhớ. Và chị hỏi có nên tiếp tục chung sống với người chồng mà lúc nào cũng chỉ mơ tưởng người cũ thôi không?

 

Khi chị hỏi tư vấn thì lá đơn ly hôn đã viết xong, chỉ đợi đem nộp ra tòa mặc cho chồng thanh minh thế nào chị cũng không tin. Sự thật là người yêu cũ của anh ta đã kết hôn và theo chồng ra nước ngoài làm ăn sinh sống từ mấy năm nay. Hai người không hề gặp gỡ hoặc có liên hệ gì với nhau nữa.

 

Người tư vấn lúc đầu cũng nửa tin nửa ngờ, có thể là anh ta giữ ảnh vì còn lưu luyến mối tình xưa. Nhưng thiếu gì cách lưu giữ khi anh ta là một chuyên gia tin học có đủ các phương tiện lưu giữ thông tin và hình ảnh trong tay, để bảo đảm bí mật an toàn không ai biết được. Vì chắc hẳn anh ta cũng thừa biết, nếu những tấm ảnh đó lộ ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình.

 

Trừ người thần kinh ra, không ai lại lưu giữ “ảnh nóng” của mình trong điện thoại di động như vậy. Nếu bảo để đút túi và thường xuyên mở xem cho đỡ nhớ cũng vô lý, vì không có ai đang hạnh phúc với vợ con lại nhớ một người cũ đã đi lấy chồng đến mức chốc chốc giở ảnh ra xem như vậy.

 

Cuối cùng mọi việc sáng tỏ, là khi người yêu cũ đi nước ngoài đã bỏ lại những tấm ảnh đó trong những đồ đạc cũ một cách bất cẩn. Một đứa em họ có thói xấu hay “chọc ngoáy” hạnh phúc người khác, đã “bắn” những tấm ảnh đó vào máy di động của anh ta, mà chính anh ta cũng không biết. Nên trong khi đang nằm ngủ trưa, thì những tấm ảnh đó hiện lên và bị cả một trận lôi đình của vợ trút lên đầu, khiến anh ta bàng hoàng líu lưỡi không thanh minh được.

 

Còn trong thực tế, việc sử dụng những tin nhắn làm hại người khác bằng “sim” dùng một lần vứt đi là chuyện xảy ra hàng ngày. Chỉ cần một dòng tin “Chúc ngủ ngon!”. “Hôn anh!” nhắn vào máy lúc đêm khuya chỉ có hai vợ chồng cũng là điều rất khó thanh minh.

Bởi vậy, trong thời đại tin học hiện nay nếu chúng ta không cảnh giác với những cách hãm hại nhau như vậy, thì ngay cả những cuộc hôn nhân tốt đẹp nhất cũng có nguy cơ rạn nứt, thậm chí đổ vỡ tan tành. Song không phải ai cũng biết điều này và những bằng chứng dởm đó vẫn còn làm nhiều gia đình có thể rơi vào khủng hoảng, vì dã tâm của những kẻ lấy nỗi đau của người khác làm hạnh phúc của mình.

 

Theo Trịnh Trung Hòa

Hạnh phúc gia đình