Cân con trước khi gửi mẹ chồng

Trước mỗi đợt cho con về quê chơi với bà nội, Hằng đều đặt bé lên cân. Ngày đón con về, chị cũng cân lại, rồi nhăn nhó: “Không hiểu bà cho ăn uống thế nào mà lại gầy quắt đi rồi”.

 
Cân con trước khi gửi mẹ chồng - 1


Bé Bim con chị Hằng (đường Minh Khai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay ba tuổi, bụ bẫm xinh xắn. Hằng chăm con kỹ lắm, giờ nào ăn cháo, mỗi ngày uống mấy đợt sữa hay hoa quả, chị đều răm rắp theo lịch.

 

Giờ nào chị đi vắng thì ôsin cứ việc theo “lịch” dán ở tủ lạnh mà làm. Hôm nào Bim không ăn được đủ suất quy định hay vì no quá mà nôn ra mất một ít là mẹ bé xót ra rên rẩm như con sắp sụt cân đến nơi.

 

Thế nên đợt nào bà nội muốn đón bé về quê chơi ít hôm là Hằng xót ruột xót gan, bởi lần nào ở quê về, bé Bim cũng gầy và đen đi. Giữ con thì không được vì bà mong cháu, mà chính Bim luôn háo hức về quê, nên chị đành để con đi. Bà nội thì chiều cháu, thấy Bim quanh năm bị mẹ ép ăn cũng tội nên cứ để cháu thích gì ăn nấy. Mỗi lần đón con về, việc đầu tiên chị Hằng làm là cân lại con, rồi tối hôm đó nhăn nhó với chồng: “Thế này lần sau em không cho nó về quê nữa đâu”.

 

Chuyện con sụt cân khi ở với bà nội, chị Hằng dẫu sao cũng chỉ dám than phiền với chồng, chứ chị Oanh (quận 5, TP HM) thì tìm cách đánh tiếng cho mẹ chồng biết để bà có trách nhiệm mà chăm sóc cháu. Từ khi bốn tuổi cho đến nay, khi đã học xong lớp hai, cứ đến hè là cu Ốc nhà chị lại về ông bà nội ở Đà Nẵng một tháng. Vừa nhìn thấy cháu, ông bà xoắn xuýt xoa đầu, nắn chân nắn tay khen lớn. Chớp cơ hội, Oanh nói ngay: “Vâng, cháu được 28 cân rồi đấy ạ, bao nhiêu công của mẹ cháu đấy”. Hồi đầu nghe con dâu nói thế, ông bà không để ý, sau mới hiểu ra đó chẳng phải lời nói vô tình nên vô cùng căng thẳng.

 

Nỗi sợ của ông bà

 

Bà nội cu Ốc than: “Lần nào đón thằng Ốc, mẹ nó cũng kêu, trời sao gầy thế con, con không chịu ăn à, muốn ăn gì phải bảo với ông bà chứ. Rồi kiểu gì nó cũng về cân lại thằng bé, khi gọi điện thế nào cũng nhắc khéo là bây giờ Ốc chỉ còn chừng ấy cân thôi. Thật không được gặp cháu thì nhớ mà gặp thì cứ như mắc tội với con vậy”.

 

Quả thật, không như chị Hằng cân con chỉ vì sốt ruột, chị Oanh thông cáo cân nặng của con trước và sau khi về quê là có mục đích rõ ràng: Gây sức ép cho ông bà nội, như đưa ra một lời giao hẹn ngầm rằng, con đã cho thằng bé về đây thì các cụ hãy cố gắng giữ cân cho cháu. Thế nhưng, sau cả tháng hè thỏa sức đùa nghịch, cậu bé hiếu động tuy vẫn rất khỏe mạnh nhưng thường kém cân đi. Thế là ông bà nội trước cái thở dài đánh sượt của con dâu, tim cứ nhảy thon thót.

 

Còn bà nội bé Bim thì gần đây cũng biết chuyện mình bị dâu trưởng chê trách vì tội làm cháu gầy gò. Chuyện như thế này: Từ cuối tháng 5, bé Bim đã được về với bà. Chủ nhật vừa rồi, Hằng lên thăm con, thấy con ăn uống tự do thì than thở với cô em dâu: “Bà để nó ăn uống linh tinh quá, lần nào về cũng tóp cả người đi”. Khi Hằng trở lại Hà Nội, cô em nói lại với mẹ chồng. Tức quá, bà gọi điện cho chồng Hằng, bắt về đón con ngay và “từ giờ đừng gửi nó về quê nữa”. Anh chồng gọi điện trút giận lên vợ: “Cô nuôi con hay nuôi lợn mà suốt ngày cân với kẹo thế hả?”.

 

Sụt cân một chút nhưng được rất nhiều

 

Cho con về quê với ông bà trong các kỳ nghỉ, nhất là nghỉ hè, là thói quen của nhiều cặp vợ chồng thành phố, và không ít trẻ bị sụt cân. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng quá sốt ruột về chuyện này. Chị Hoàng Linh, 35 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM, tâm sự: “Hè nào hai đứa nhà tôi cũng về ông bà ở miền Tây chơi, gầy vừa đen như củ súng. Nhưng không sao, chúng nó khỏe mạnh là được. Bù lại, đứa nào cũng vui, có không gian để nghịch, có nhiều bạn bè anh em để chơi chứ không ru rú tội nghiệp như khi ở thành phố”.

 

Cùng quan điểm, anh Hoàng Lâm, nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội, nói: “Các chuyên gia tâm lý đều khuyên cho trẻ về quê. Có thể bọn trẻ sẽ gầy đi, thậm chí bị ốm, bị cảm đôi chút. Nhưng cái lợi thì nhiều: chúng nó khôn ra, đỡ gà mờ này, học hỏi được nhiều thứ hơn này, có nhiều cảm xúc hơn, nhất là gắn kết tình cảm với gia đình, họ hàng…”.

 

Nhưng với nhiều người mẹ, chuyện con sụt cân hay cảm mạo tí chút không phải là chuyện nhỏ. Nếu vậy thì thay vì ngăn con về với ông bà hay “cân đi cân lại”, hãy trao đổi với ông bà về cách chăm trẻ một cách tế nhị hơn và nhất là đừng gây cho bố mẹ già cảm giác: Nếu cháu sút cân thì ông bà phải chịu trách nhiệm.

 

Theo Báo Đất Việt