Cam chịu nhìn chồng “yếu”

Được chồng ôm hôn khi ngủ, Huyền không tránh khỏi cảm giác buồn tủi. Vì những đêm sau đó, cả tháng, vợ chồng Huyền mới có thể “gần gũi” nhưng anh xã luôn “phất cờ” trước.

 
Cam chịu nhìn chồng “yếu” - 1


Lúc đầu, Huyền nghĩ, chắc do mình tẻ nhạt quá nên chồng mới chán. Cô chịu khó tham khảo kiến thức, tư thế quan hệ, làm mới bản thân với váy ngủ quyến rũ, thân thể thơm tho nhưng cũng chẳng ăn thua.

 

Chờ khi vợ chồng vui vẻ, Huyền dò hỏi cảm nhận của anh xã. Anh chỉ cười, bảo rất yêu vợ và hài lòng với mọi thứ. Huyền nghĩ, cứ cố gắng thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Nhưng có khi “ham muốn” trỗi dậy, quay sang thấy chồng vô tư ngủ thì cô lại xót xa. Huyền oán hận, nghi ngờ khả năng của chồng. Lúc khác, cô lại nghĩ tới ly hôn nhưng không nỡ vì anh xã, ngoài “chuyện đó”, vẫn là người chồng tốt.

 

Cứ chịu đựng thế, giờ đã hơn 1 năm, Huyền vẫn chưa có bầu, dù vợ chồng không kế hoạch.

 

Cùng cảnh, Hoan cũng phải cố kìm lòng vì chồng “yếu” quá. 1-2 tháng anh xã mới “nhớ” tới vợ một lần. Ban đầu, Hoan khóc lóc, than trách, nghĩ chồng mình có bồ mà bỏ rơi vợ. Mãi sau, cô mới biết, nhu cầu của chồng chỉ có thế. Nếu ví chuyện gối chăn với việc ăn cơm thì Hoan đã “đói” suốt 3 năm tròn. Những lúc gần chồng ít ỏi, cô cũng không được thoả mãn.

 

Gần đây, một cậu bạn đồng nghiệp “có ý” với Hoan. Lúc ham muốn cao trào, phải “cố nhịn”, Hoan lại nghĩ tới người kia. Ngay sau đó, cô lại tự sỉ vả, căm ghét bản thân. Cô không thể bỏ chồng, cặp “bồ” chỉ để thoả mãn.

 

Giải quyết từ đầu

 

Chồng “yếu” đều khiến người vợ tủi thân, buồn khổ. Không ít chị em chọn cách im lặng, sống chung với lũ. Cũng có người trao đổi với chồng nhưng không dám nói thẳng, sợ chồng buồn, tự ái. Người vợ tự ôm nỗi buồn, dằn vặt bản thân hoặc có suy nghĩ tiêu cực như cặp bồ, bỏ chồng, ý muốn huỷ hoại, buông thả bản thân…

 

Cam chịu hoặc kiếm người đàn ông khác thay thế không phải là giải pháp. Hãy tập trung vào vấn đề chính là chuyện phòng the của anh xã. Đây là gốc rễ của vấn đề. Giải quyết được nó thì tâm trí của người vợ sẽ được nhẹ nhõm, tinh thần phấn chấn vì được “no đủ”. Thông thường, có ai bị “đói” hoặc cố “nhịn” mà sung sướng đâu. Giỏi thì “nhịn” được dăm bữa, nửa tháng. “Nhịn” lâu quá thành quen, lại tự nhủ “thôi, nhịn được đến phút này thì cố nhịn nữa”. Hoặc khi cơn “đói” vượt quá ngưỡng chịu đựng, sẽ bùng phát quyền được “ăn”. Càng để lâu, bụng càng “đói” mà người bạn đời lại tưởng, như thế vợ cũng “vui”. Chồng không khắc phục, vợ lại buông xuôi thì dễ sinh chuyện.

 

Hãy thử trao đổi thẳng thắn. Đối phương sẽ cởi mở hơn nếu người vợ biết cách chia sẻ. Nên nhớ, tâm sự phải chân thành, tích cực chứ không phải oán trách, căm giận chồng. Người bị “bệnh” cũng đau buồn, u uất chẳng kém. Anh nào cũng muốn “oai phong” trước vợ, có anh nào muốn mình “kém”. Đồng thời, có thể tìm tài liệu, sách báo cùng khéo léo gợi chuyện với chồng. Sau đó, vận động chồng đi khám, tìm nguyên nhân và cách điều trị. Chuyện gì cũng có nguyên nhân riêng. Phải bắt đúng bệnh thì mới trị được bệnh. Đừng bỏ mặc hoặc trông chờ vào đối phương vì đã là tổ ấm thì luôn cần đồng thuận của cả vợ và chồng, trong mọi trường hợp.

 

Hôn nhân không thể không có “chuyện đó”. Cũng không nên thiêu rụi mỏi cảm hứng vì chồng. Ham muốn giống như ngọn lửa, cháy âm ỉ chứ không thể tắt hẳn. Vợ chồng có thể “chiều” nhau bằng những cử chỉ âu yếm trong thời gian “thiếu thốn”.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé