Bí quyết giảm phiền toái, bớt bực bội

Chúng ta hoàn toàn có thể làm cho cuộc sống dễ chịu hơn với những thay đổi rất đơn giản và dễ dàng thực hiện. Bí quyết là phải khám phá ra được cái gì đang ẩn đằng sau những phiền toái thường nhật mà chúng ta gặp phải.

Lời khuyên cho các bạn là hãy trút bỏ những cảm giác ràng buộc, nặng nề, tạo cho mình một không gian thực sự dễ chịu. Dưới đây là 7 bí quyết nhỏ giúp bạn có được sự cân bằng trong cuộc sống:

 

1. Khắc phục cảm giác khó chịu gây ra bởi những bất tiện ngay từ cửa ra vào

 

Ai cũng biết rằng căng thẳng làm giảm tập trung, dễ bất cẩn trong công việc. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta bị căng thẳng chỉ bởi những chuyện rất nhỏ nhặt.

 

Ví như trong khi đang rất vội vì một cuộc họp quan trọng thì bạn lại không thể tìm đâu ra chiếc chìa khóa xe; hay như khi bạn đang hồi hộp cho một cuộc hẹn thì bạn chẳng thể tìm thấy đôi giầy đẹp nhất của mình...

 

Giải pháp nào? Hãy tạo ra những khu tiện ích nhỏ để đặt, treo đồ ngay khi bước vào phòng như móc treo mũ, áo khoác, giá để giày chắc chắn, giỏ đựng chìa khóa, điện thoại... để bất cứ khi nào cần bạn có thể nhìn thấy.

 

Giải pháp tưởng chừng quá đơn giản này lại chính là cách giúp bạn giảm thiểu đi những bực tức vô cớ trong ngày.

 

2. Dùng lại hoặc trưng bày vật dụng của những người thân yêu đã mất

 

Không may khi một trong những người thân của bạn ra đi mãi mãi, hoặc cuộc hôn nhân của bạn sớm chia ly thì việc từ bỏ hay cất đi những vật dụng của người đó chỉ gây thêm cảm giác trống vắng, mất mát và hụt hẫng.

 

Theo chuyên gia tâm lý học Laura Leist, tác giả cuốn sách Eliminate Chaos, chúng ta nên trưng bày nó để thường xuyên được nhìn thấy, trừ những vật dụng quá tế nhị hoặc không thể đem ra dùng được.

 

Hãy lựa chọn những vật dụng phù hợp để dùng lại hoặc bày biện trong phòng. Làm như thế, bạn có cảm tưởng như người thân đó vẫn luôn ở bên, từ đó lấy được cân bằng nhanh hơn trong cuộc sống.

 

3. Tha thứ cho bản thân

 

Cổ nhân luôn khuyên ta không nên hòa hoãn, thương lượng với bản thân. Nhưng đôi khi không nên quá cứng nhắc đến như vậy. Nếu quá hà khắc với chính mình, bạn khó mà rũ bỏ được cảm giác bực tức, tiếc nuối.

 

Nếuchót mua phải món đồ quá đắt hoặc không có giá trị sử dụng, hãy tự nhủ: "Thứ này đâu quá tệ, nó vẫn có ích". Chẳng nên cầu toàn và đừng luyến tiếc, hãy dứt khoát tặng nó cho ai đó đang cần. Một ngày nào đó nhất định bạn sẽ thấy điều kỳ diệu mà món đồ đó mang lại.

 

4. Đừng cố níu giữ những bộ đồ quá chật

 

Thời gian trôi đi, tuổi tác nhiều thêm, nếu may mắn, bạn sẽ là người giữ trọng lượng của mình được ổn định. Còn phần lớn chúng ta đều ít nhiều trở nên "phì nhiêu, màu mỡ". Trong trường hợp như vậy, đừng cố giữ lại tất cả những quần áo không còn vừa vặn với bạn nữa.

 

Hãy chọn lấy một hai bộ yêu thích nhất để giữ lại, còn lại thì tặng cho con em hay những bạn thân. Vì nếu bạn có thể giảm cân trở về trạng thái mong muốn thì những bộ đồ bạn giữ lại hầu như không còn vừa ý bạn như xưa nữa. Cách tốt nhất là phải biết yêu bản thân, chấp nhận hình ảnh hiện tại của mình.

 

Giữ lại những bộ đồ cỡ nhỏ không thể khiến bạn giảm cân nhanh hơn. Đừng mang nặng tâm lý e ngại, xấu hổ vì phải sắm thêm những bộ đồ số lớn hơn. Tuổi tác nhiều thêm, người ta lên cân cũng là chuyện thường tình!

 

5. Giải phóng những đồ vật vô dụng

 

Hãy nhanh chóng phân loại và bán cho hàng đồng nát những thứ đồ vô dụng như thùng các-tông, bao bì, giấy tờ, giày dép hỏng...

 

Ngoài cảm giác khó chịu gây ra từ những vật thừa này, các đống lộn xộn trong nhà đôi khi còn gây ra nhiều phiền toái khó lường.

 

Chẳng hạn bạn có thể mất hàng giờ đi tìm những giấy tờ quan trọng trong đống giấy lộn....

 

Đừng chất đống giấy tờ trong nhà mặc dù chúng thường là hình ảnh tượng trưng cho hy vọng mơ ước và cả sự thất bại trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng việc lưu cữu hàng đống giấy trong nhà chỉ chứng tỏ rằng bạn là người không quyết đoán. Hãy chia đống giấy nhà bạn thành ba loại: giấy tờ có thể còn dùng; giấy tờ đang phải dùng và giấy tờ cần vứt đi.

 

6. Đừng tích trữ nhiều đồ không thực sự có giá trị thiết thực hiện tại

 

Người ta hay có thói quen cất đi những đồ vật thừa và tự nhủ: Một lúc nào đó sẽ dùng đến. Tuy nhiên, thông thường, khi cần đến, ta phải mất nhiều thời gian đi tìm và tự dằn vặt bản thân: "Mình thật là cẩu thả!".

 

Hãy tự nói với bản thân bạn rằng: "Chúng ta chỉ sống có một lần, ở đây và hiện tại. Không nhất thiết phải quá lo lắng về chuyện ngày sau làm gì đến như vậy!"

 

7. Vứt đi và... giữ lại

 

Thực ra, trong nhà, không nên vứt đi tất cả đồ cũ. Bạn phải giữ lại nhiều vật dụng, ví dụ như vật dụng không phải của riêng mình. Nên hỏi người khác khi vứt đồ đi, vì đối với bạn, có thể nó là vô ích, nhưng với người khác thì ngược lại, rất có ích.

 

Bạn cũng nên giữ lại hoá đơn thanh toán thuế, điện thoại, điện nước, giấy bảo hành... Có nhiều giấy tờ cần lưu 2 năm, có loại nên lưu 1 tháng. Bạn phải phân loại được những thứ giấy tờ này. Đặc biệt, các loại giấy/văn bản pháp luật còn giá trị lâu dài càng nên cất giữ cẩn thận.

 

Cuối cùng là những bức thư và các tấm ảnh bạn cho là rất cảm động, đáng nhớ nhất. Hãy bỏ ra hai ngày để phân loại chúng và đánh giá lại các vật dụng, thư từ...để chắc chắn là mình không vứt nhầm.

 

Theo Tiêu dùng