Bí quyết của bà vợ khôn

Chọn được người ý hợp, tâm đồng lấy làm chồng đã khó, nhưng giữ được chồng còn khó hơn. Vì sao để mất và bằng cách nào để giữ? Phiếm đàm sau đây có thể giúp ích chị em chăng. Xin bắt đầu bằng chuyện...

 
Bí quyết của bà vợ khôn - 1


1. Một phụ nữ hơn 30 tuổi, mới một con, vậy mà chồng chị vốn xưa nay đứng đắn, bỗng nổi “máu dê” đi lòng thòng “bồ bịch”. Chị nghiến răng chịu đựng, ngày đêm khuyên giải mà chồng không nghe. Uất quá chị quyết định tự tử. Tự tử bằng súng. Chỉ bắn một phát là chết. Mà phải chết ngay cho khỏi quằn quại đau đớn... Chị nghĩ thế và tìm đến một “văn phòng tư vấn”.

 

Sau khi nghe chị trình bày, ngài chuyên gia tư vấn khuyên: “Nếu vậy cần phải bắn vào tim”. “Nhưng bằng cách nào để biết vị trí của tim?”. “Thế này nhé. Chị lấy núm vú bên trái làm chuẩn, cách 2cm về phía trên là tim”. Cám ơn về lời khuyên vàng ngọc ấy, chiều đó, sau khi viết “chúc thư” dặn dò con, cùng những lời cảnh cáo gã chồng bội bạc, chị thực hiện ngay. Súng nổ “bùm”. Chị không chết. Bởi viên đạn không xuyên qua tim mà lại thủng ruột già.

 

Vết thương lành, chị đến cự nự ngài chuyên gia tư vấn yêu cầu trả lại tiền. Vì động tới tài chính nên buộc phải có “trọng tài”. Biên bản kết luận của “trọng tài” ghi rõ: “Hướng dẫn của chuyên gia tư vấn không sai. Sở dĩ đạn không trúng tim vì từ lâu chị không chịu chăm sóc đến cơ thể, nên ngực chảy xuống gần tới rốn. Đạn xuyên thủng ruột già là vì thế”. Vậy là rõ.

 

Kết luận trên còn có tác dụng giải thích nguyên nhân “cái anh chồng” vốn đứng đắn bỗng dưng đổ đốn là vì vợ người ta “gái một con trông mòn con mắt”, nhưng vợ anh thì “mới một con mà muốn dắt đem... cho” bởi lôi thôi quá, nhếch nhác, tã tượi quá. Chẳng biết sau cái vụ tự tử không chết này, chị có rút ra được bài học rằng: Muốn giữ chồng thì trước hết phải biết giữ gìn, chăm sóc cho nhan sắc của mình, để chồng mình ngắm đã, rồi thiên hạ ai muốn ngắm là việc của họ.

 

Khốn nỗi chị em chúng ta thường mắc phải sai lầm rất nghiêm trọng: Chưng diện cốt để thiên hạ ngắm chứ không phải để cho chồng mình ngắm. Vì thế mỗi khi bước ra khỏi cửa là thướt tha váy ngắn váy dài, vẽ mắt, tô môi, nước hoa thơm ngát, nói cười vui vẻ. Nhưng ở nhà thì tóc không chải, đầu rối bù; áo quần không là, nhầu nhĩ, ngực chảy quả mướp; nói năng thì bẳn gắt; “đá thúng đụng nia”, “chửi gà mắng chó”... Bởi vậy dưới con mắt các ông chồng, vợ mình luôn là mẹ sề, là cái radio bóng già, loa rè, mở suốt 24/24 giờ, chỉ có mở, không có tắt... Trong khi ra đường nhìn vợ người khác thì cô nào cũng xinh đẹp. Từ đó mới chán, mới đổ đốn sinh hư đi tìm “của lạ”.

 

2. Có nhiều người khéo chiều chồng lắm. Sáng bao giờ cũng dậy rất sớm, quét dọn nhà cửa, lau chùi ấm chén... lo toan mọi việc xong, tắm gội thật sạch sẽ... Anh chồng còn đang mơ màng trên giường bỗng thấy một bàn tay mát rượi đặt lên trán, cùng giọng nói nhẹ nhàng âu yếm: “Anh ơi, đã 6 giờ, dậy thôi anh. Anh dậy tập thể dục, tắm cho mát, dùng điểm tâm xong, đi làm kẻo trễ!”.

 

Anh chồng mở mắt nhìn, rõ ràng vợ mình đấy mà sao đẹp thế, gương mặt tươi vui rạng rỡ, suối tóc đen mun vừa gội, vồng ngực nõn nà, đôi tay thon thả, giọng nói, chao ôi dễ thương làm sao. Anh cảm thấy tột cùng hạnh phúc, thấy vợ mình đẹp nhất thiên hạ, tốt nhất thiên hạ. Ra đường gặp bất kỳ “đối tượng” nào, anh ta đều cho rằng thua kém vợ mình tuốt luốt.

 

Có được người vợ biết chăm sóc nhan sắc để chồng ngắm như thế, khéo chiều chồng như thế, thì chỉ những gã đàn ông nào mắc “bệnh tâm thần” mới bỏ “của quý” ở nhà đi tìm “của lạ” để rồi biết đâu tự chuốc lấy “si-da”, “ết” vào thân.

 

Nói thế chứ đời phức tạp lắm. Vẫn không ít những gã đàn ông mắc “bệnh tâm thần” kiểu ấy. Nếu gặp trường hợp đó, cụ thể là nếu phát hiện chồng mình có “bồ nhí” thì xử lý thế nào? Tôi xin phiếm đàm vài chuyện nữa hầu chị em.

 

Ông anh họ tôi đang làm giám đốc công ty bỗng được đề bạt một phát lên giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch một bộ lớn. Thời bao cấp, cái ghế chuyên ban phát ân sủng đầy bổng lộc ấy nhiều người thèm lắm. Bởi thế không ít kẻ kèn cựa, muốn “hạ bệ” anh để “chiếm”.

 

Anh tôi vốn đẹp trai, nói chuyện rất có duyên nên nhiều người, nhất là “phái đẹp” yêu mến. Anh tôi lại đa cảm, hay “thương người”. “Gót chân A-sin” của anh là chỗ ấy và mấy tay kèn cựa lợi dụng ngay.

 

Họ bố trí một cô nhân viên khá xinh luôn cặp kè, đôi khi tỏ ra ân cần chăm sóc anh “hơi quá mức cần thiết” một tý. Thế rồi những lời ong tiếng ve được tung ra, có cánh nên bay thẳng đến tai chị tôi. Vốn sẵn “máu Hoạn Thư” trong huyết quản, mới nghe phong thanh thôi mà chị đã đùng đùng nổi “cơn tam bành”.

 

Chị phóng đến cơ quan anh tôi, xông vào phòng tất cả các đồng chí lãnh đạo tố cáo chồng, lăng mạ chồng, kể tội, lên án chồng... Cứ như chị nói thì anh tôi chỉ là một gã bỉ ổi, đê tiện. Chị đề nghị cơ quan phải kiểm điểm, kỷ luật, cách chức anh ta, bắt anh ta đi lao động để giáo dục, cải tạo. Chị săn tìm cái cô mà chị nghi đã “cặp bồ” với chồng chị để “phanh thây xé xác ra làm trăm mảnh”.

 

Chị làm náo loạn cơ quan, bất chấp tất cả nhằm bêu xấu, hạ nhục chồng. Chưa hả, chị còn về quê anh, cả quê chị nữa rêu rao nói xấu chồng. Kết quả bọn cơ hội lợi dụng thổi phồng lên, quan trọng hoá lên tạo sức ép buộc tổ chức phải xử lý kỷ luật “hạ bệ” anh tôi mất chức vụ phó. Danh dự và quan hệ giữa anh với chị bị tổn thương quá nặng không cách gì hàn gắn, buộc anh tôi phải chia tay với chị. Bây giờ anh đeo bên mình nỗi buồn, nỗi hận, chị thân tàn ma dại bởi hối hận về sự mù quáng của mình thì đã muộn, đã mất tất cả...

 

Bạn tôi gốc Sài Gòn chính hiệu, làm Tổng giám đốc một công ty lớn. con người đa tài, cốt cách rất “anh Hai”. Đa tình nên cũng có tý chút “lòng thòng” với một cô nhân viên văn phòng. Ở đời ai nhiều thành công thường bị nhiều kẻ ghen ghét. Bạn tôi cũng thế, một cấp phó và hai trưởng phòng của anh thuộc loại ấy. Không moi được gì xấu ở anh, họ khoét vào chuyện “bồ nhí”. Nham hiểm, họ khôn khéo “cung cấp thông tin” cho vợ anh biết, nhằm dùng chính vợ anh “tiêu diệt” anh.

 

Thứ bảy tuần đó, vợ anh từ Lái Thiêu lên. Bọn xấu thông báo cho nhau biết để cùng theo dõi tấn bi kịch “ghen tuông” sẽ diễn ra thế nào mà kích động và lợi dụng vào mục tiêu đã định. Còn bạn tôi thì nơm nớp lo. Chị Thu, vợ anh tối đó cho mời cô nhân viên kia đến. Tất nhiên cô nhân viên hoảng.

 

Cô chỉ yên tâm khi thấy chị Thu vẫn vui vẻ tươi cười. Chị bảo: “Mai chủ nhật, chị muốn làm bữa nhậu mời bạn bè đồng sự của anh đến chơi, cô giúp chị được không?”. Thục (tên cô gái)  thở phào, như mở cờ trong bụng, cô hăng hái nhận đi chợ mua thực phẩm, bàn nên làm món này, món nọ...

 

Trưa hôm sau bữa nhậu diễn ra rất vui. Tất nhiên mấy vị “đồng nghiệp xấu chơi” cũng được mời và họ vẫn chờ đợi tấn bi kịch đánh ghen sẽ xảy ra để làm ầm ĩ lên. Khi phòng ngoài khách khứa vui cười xả láng, thì ở phòng trong chị Thu gọi Thục lại gần.

 

Giọng thân tình, chị nói: “Tuy ở xa nhưng mọi việc trên này chị biết cả. Chị cám ơn em, vì xa chị anh được em chăm sóc chu đáo. Em yêu quý anh, điều đó cũng dễ hiểu. Bởi anh đẹp giai, có tài, biết lo việc làm cho hàng nghìn cán bộ nhân viên, lo nộp ngân sách nhà nước đầy đủ. Em yêu anh, chị không trách. Nếu em vào hùa với những người xấu gài bẫy hại anh chị mới trách.

 

Nhưng em ạ, anh chị sống với nhau đã có hai mặt con, bỏ nhau đâu có dễ. Bởi thế, từ nay em vẫn chăm sóc anh chu đáo như trước, nhưng còn cái đoạn “tình tang lòng thòng” với anh thì phải cắt ngay. Nếu không em đừng trách chị ác. Chịu không em?”.

 

“Dạ, em xin nghe chị”. Hai người móc tay nhau tỏ lòng thân thiện và cũng thay cho lời hứa, rồi ra phòng ngoài vui vẻ tiếp mọi người.

 

Chị Thu đã xử sự như thế, giữ được chồng, giữ thể diện, chức vụ cho chồng, giữ hạnh phúc gia đình, khiến những người xấu không lợi dụng kích động được, khiến “bồ nhí” của chồng phải “tâm phục, khẩu phục” mà thực hiện cam kết, khiến chồng phải nể sợ và tất nhiên nhận ra mình “công ít, tội nhiều” mà liệu đường ăn ở với vợ cho phải đạo.

 

Hai  trường hợp như trên, miễn bình luận, chắc chị em cũng rút ra được vì sao “mất chồng” và “bí quyết giữ chồng”. Phiếm đàm vậy, có điều gì không phải xin chị em rộng lòng lượng thứ.

 

Theo Đ. Trung

Gia đình & xã hội