Bi kịch sau ngày cưới

Sau ngày cưới vài tháng, cơ thể tôi có biểu hiện khác lạ. Đi khám phụ khoa, bác sĩ cho biết tôi bị bệnh sùi mào gà. Tôi chới với không biết lây bệnh từ đâu.

 
Bi kịch sau ngày cưới - 1


Chồng tôi thú nhận, trước ngày cưới, trong một cuộc nhậu, bạn bè rủ đi tăng hai, còn khích: “Cậu phải học kỹ năng trước, để đến đêm động phòng, cậu lớ ngớ thì còn gì là bản lĩnh đàn ông”. Chồng tôi bị lây bệnh trong lần đó và lây sang tôi.

 

Vợ chồng tôi cùng đi chữa bệnh nhưng phải giấu vì xấu hổ, chỉ bảo là chữa vô sinh. Suốt hai năm, bệnh cứ hết rồi tái phát. Những lần tái phát sau càng nặng hơn. Bác sĩ động viên: “Sắp hết rồi, không sao”. Khi bệnh phát nặng, tôi vào bệnh viện thì đã quá muộn, phải cắt bỏ toàn bộ buồng trứng, tử cung.

 

Tôi như điên dại vì mất khả năng làm mẹ. Càng đau thêm khi cha mẹ hai bên cứ hối thúc chúng tôi có con cho vui cửa vui nhà. Làm bao nhiêu tiền cũng đổ vào thuốc thang mà nào có đủ, vợ chồng phải vay mượn khắp nơi. Má chồng tôi giận: “Không biết chữa vô sinh kiểu gì mà tốn tiền dữ, con cái lại chẳng thấy đâu”.

 

Nỗi đau của tôi chỉ biết trút lên chồng. Anh cắn răng chịu đựng, an ủi, chiều chuộng tôi hết mực. Suốt thời gian dài tôi đắm chìm trong đau khổ, tâm trạng nặng nề u ám. Tôi hành hạ bản thân, hành hạ chồng. Tại anh mà tôi mang tiếng “gái độc không con”.

 

Sau cùng, tôi ngộ ra sống như thế chẳng có ích gì. Chồng tôi cũng đã chịu quá nhiều đau khổ. Tôi bàn với chồng xin con nuôi. Chồng tôi đồng ý nhưng ba má chồng tôi cản, bảo thèm con thì nhận đại một đứa cháu về nuôi, dù gì cũng máu mủ ruột rà. Nhưng, con của chị chồng tôi đã lớn, cứ ở với tôi vài ngày lại chạy về nhà mẹ ruột. Lúc thì gọi tôi bằng mẹ, lúc thì gọi mợ Năm. Tôi chẳng có cảm giác làm mẹ, cũng không thấy gắn bó.

 

Khi tôi bế đứa trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện về nhà, ba má chồng tôi rất giận. Đêm, đứa bé khóc, ông bà làm ầm ĩ, bảo không thể chịu nổi tiếng khóc của đứa trẻ người dưng nước lã. Giữa khuya, vợ chồng tôi đùm túm bế con đến cổng cơ quan trải chiếu ngồi chờ trời sáng. Lãnh đạo thương tình cho ngăn một góc nhà xe làm chỗ ở tạm.

 

Có đứa trẻ, tôi mãn nguyện vì bản năng làm mẹ được đánh thức. Tôi yêu thương con thật lòng nên cũng nhận lại từ con tình thương thật ngọt ngào. Con gái tôi giờ đã 15 tuổi nhưng nỗi đau của tôi gần như vẹn nguyên. Mỗi khi dắt con về nội, các cô chú hờ hững với cháu, bà nội thỉnh thoảng lại “mát mẻ”: “Đầu đường xó chợ cũng quơ đại làm con, làm tò vò nuôi con nhện cho uổng công, uổng tiền…”.

 

Con gái tôi lờ mờ nhận ra thân phận bất thường của nó, tôi phải nói dối: “Vì mẹ làm dâu không tốt, bị bà nội giận, nên giận lây con.” Con tôi vốn giàu tình cảm, khao khát tình thương nên luôn tỏ ra hiếu thảo với ông bà nội, thân thiện với các anh chị em họ, nhưng đáp lại chỉ là sự lạnh lùng.

 

Cũng vì chuyện này mà chồng tôi bị truất quyền thừa kế. Má chồng tôi bảo: “Cho nó rồi cũng thuộc về người dưng”. Tôi không cần tài sản, chỉ cần mọi người dành chút tình thương cho con tôi nhưng sao khó quá. Tôi không đủ can đảm nói hết sự thật với con, sợ con không chịu nổi cú sốc phũ phàng đó. Nghĩ đến những năm tháng còn lại của con phải sống trong mặc cảm côi cút, tôi không sao chịu nổi. Càng lớn, con tôi càng trầm lặng, cô đơn. Nhiều lúc thấy con ngồi thẫn thờ, ánh mắt hoang mang, lòng tôi như muối xát.

 

Theo Linh Nguyễn

PNO