Bị bạo hành - chẳng oan!

“Nghe kể về nạn bạo hành gia đình, nhiều người rùng mình trước những trận đòn roi của các ông chồng. Nhưng tìm hiểu nguyên do, cũng không ít người chép miệng: Kiểu đó, không bị đánh mới lạ!”.

Ông ăn chả, bà ăn nem!

 

17h, người phụ nữ tên A, khoảng 25 - 26 tuổi khá trẻ đẹp đến Phòng tư vấn với khuôn mặt dán một miếng băng. Chị nức nở kể, vừa bị chồng đánh rồi dí điếu thuốc đang cháy vào má...

 

Cưới nhau được 5 năm, họ từng được khen là một cặp trai tài, gái sắc. Anh B, chồng chị công tác tại một cơ quan tố tụng, vợ làm thanh tra, cuộc sống của họ khá ổn định. Nhưng rồi, cô vợ phát hiện chồng mình có bồ. Để “trả thù” chồng, A thuê nhà ở nơi khác và ngang nhiên đưa bồ về đó. Cãi vã và những trận đòn phát sinh một thời gian dài rồi cả hai ly thân.
 
Bị bạo hành - chẳng oan! - 1

 

Bắt “quả tang” vợ ngoại tình, ông chồng không ít lần “dạy vợ” bằng nắm đấm... Trò chuyện, anh B cho hay, anh vẫn rất yêu vợ, thương con và không muốn chia tay nhưng không thể chịu được thói lăng nhăng của vợ. “Đúng là tôi cũng có lỗi nhưng cô ấy không thể trả thù chồng như thế. Tôi rất hiểu đánh vợ là phạm luật nhưng nhiều khi vẫn không thể nào kiềm chế nổi”. Nhiều người khuyên giải, họ nên ly hôn. Chẳng biết họ sẽ quyết định cuộc hôn nhân của mình thế nào nhưng hiện cháu bé được anh B kiên quyết đưa về cho ông bà nội nuôi vì không muốn “con chứng kiến cảnh mẹ ngoại tình”...

 

Giận chồng là... cầm dao!

 

Qua điện thoại, chị X (Quảng Ninh) cho hay, vợ chồng họ cưới nhau được 14 tháng nhưng tình cảm nhạt nhẽo, ít quan tâm tới nhau. Anh D thường phải đi làm xa, thỉnh thoảng về nhà lại có biểu hiện “đáng ngờ”: Chờ mong tin nhắn, điện thoại của ai đó và không cho vợ xem.

 

Ngày 25/3 vừa qua anh D về nhà, sẵn bực mình vì thái độ của chồng tối hôm trước (gọi điện không nghe), khi chồng hỏi “có đi chợ không để nấu cơm?” thì chị X không trả lời. Anh D lại bảo “có tiền thì đưa để đi chợ”, chị X liền lấy hết tiền trong ví đưa cho chồng rồi bảo chỉ có vậy thôi với thái độ khó chịu.

 

Bực mình, anh chồng tát vợ chảy máu mồm, X chửi lại “tôi khinh rẻ những kẻ đánh vợ. Anh tưởng tôi sợ anh hả?”. Thấy chồng bỏ đi, X chạy theo, mắng nhiếc rồi đập luôn chiếc quạt điện. Sau đó, X gọi điện thoại cho bố mẹ chồng, kể sự việc. Anh D gọi CA tới giải quyết và nói bắt giam vợ rồi gọi điện mách bố mẹ vợ. Tuy nhiên, bố mẹ hai bên đều chán ngán với những cuộc cãi vã nên bảo cả hai tự giải quyết lấy vì đã trưởng thành. X bực mình đập thêm vài thứ khác và cầm dao dọa chém chồng. Khi CA tới giải quyết, X thừa nhận có dọa chém chồng và cho biết nếu anh ta chọc giận hơn nữa thì cô sẽ chém thật...

 

Đáng bàn, đây không phải là lần đầu chị X cầm dao “doạ” chồng! Hiện, anh D bỏ đến cơ quan ở, còn chị X vẫn chưa chịu dọn dẹp đống đồ mình đập phá trong nhà. Chị X cho rằng mình không có lỗi gì trong mâu thuẫn vợ chồng và thậm chí muốn làm đơn tố cáo chồng về vấn đề bạo hành (đánh) vợ!

 

Theo các nhân viên tham vấn, một nguyên nhân không nhỏ khiến các ông chồng nổi xung là các bà vợ chửi bậy, chửi tục và nói dai. Không ít trường hợp chị em bị bạo hành có cách ăn nói, xử sự rất kém cỏi, vụng về, thậm chí là thô lỗ. Nhưng cũng không hiếm người “học cao, biết rộng” nhưng lại thường xuyên đay nghiến, “hạ nhục” chồng mà không hiểu đây là kiểu “bạo hành” khiến đàn ông “sợ” nhất. Hậu quả những cơn nóng giận của các ông chồng là chị em hứng chịu đòn roi. Nhưng hậu quả nặng nề hơn phải kể đến những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh gia đình không êm ấm.

 

Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, bạo hành trong gia đình không phải là tai nạn hay rủi ro nhất thời mà là một quá trình biến chuyển dai dẳng. Bởi vậy, sự ứng xử hợp tình, hợp lý và khôn khéo của người phụ nữ chính là điều kiện đầu tiên để họ tránh nạn bạo lực và xây dựng tổ ấm. 

 

Theo Pháp luật