Bé đi lớp sớm

Có 2 luồng ý kiến trái chiều: Một ủng hộ rằng trẻ đi lớp sớm sẽ ngoan hơn, tự lập sớm. Một phản đối với lý do trẻ rời vòng tay mẹ trước 2 tuổi dễ bị ốm và… ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý.

 
Cái mốc lý tưởng


Cái mốc lý tưởng

 

Các chuyên gia tâm lý - giáo dục cho rằng, 2 tuổi là cái mốc lý tưởng để cho trẻ đi lớp. Lý do là dưới 2 tuổi, bé chưa tự đi vệ sinh, chưa biết tự ăn, ngôn ngữ giao tiếp ít, chưa đủ hiểu người khác nói gì. Trong giai đoạn này, bé rất cần sự chăm sóc chu đáo từ người thân.

 

Song, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để theo đuổi tất cả những thứ “cần và đủ” như chuyên gia tư vấn. Sẽ có những bé phải đi nhà trẻ khi tròn 1 tuổi, hoặc thậm chí nhỏ hơn. Như vậy, nếu lâm vào hoàn cảnh này, cha mẹ phải làm thế nào?

 

- Chọn gửi con ở một nơi tin cậy, tốt nhất có thể.

 

- Giữ quan hệ trao đổi mật thiết với cô giáo về mọi thay đổi, cá tính, thói quen của bé, cố gắng để nề nếp sinh hoạt ở lớp và ở nhà không quá khác biệt.

 

- Tập cho con tương đối quen với nhà trẻ trước khi đi lớp để bé không bị sốc. Khoảng 1 tháng trước khi cho bé đi học, mẹ hãy tranh thủ thời gian đưa con đến trường vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều để con làm quen với không khí ở đây. Hãy thủ thỉ với bé những “cái được” khi đi lớp. Ví dụ được chơi xích đu, bập bênh, cầu trượt, được làm quen với các bạn, được học hát, học múa... Trước khi bé chính thức đến lớp khoảng 1 tuần thì cho con vào lớp làm quen trước với các bạn và cô.

 

Dành thời gian chất lượng cho bé

 

Những ngày đầu, khi bé mới đi lớp, bạn cố gắng đón con sớm hơn bình thường khoảng 1-2h. Bởi khi mới rời xa cha mẹ, bé ít nhiều đều có cảm giác bất an, sợ bị cha mẹ bỏ rơi. Việc đón con sớm sẽ làm giảm áp lực tâm lý cho bé. Cũng giống như người lớn, bé cần thích nghi từ từ với bất kỳ sự thay đổi nào.

 

Khi đã đón con về, hãy cố gắng dành toàn bộ thời gian để chăm sóc và chơi với con. Bạn có thể đưa bé đi dạo ngay sau khi rời lớp và ưu tiên cho bé chơi những trò thường ngày ít được chơi, coi như một phần thưởng cho một ngày ngoan của con.

 

Chú ý điều chỉnh giờ ăn, ngủ ở nhà của bé sao cho ăn khớp với giờ giấc đi lớp để không xảy ra những tình trạng tréo ngoe: bé đến lớp thì ngủ, đêm khuya lại thức và sớm mai dậy muộn...

 

Tăng cường rau xanh, hoa quả và những thức ăn bồi bổ cho bé để tăng sức đề kháng, giúp bé hạn chế được bệnh tật. Dạy con rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Khi con bị chảy nước mũi hoặc nhiều mồ hôi, hãy để riêng một cái khăn sạch trong túi áo của bé để cô tiện làm vệ sinh và tránh lây lan cho các bạn.

 

Hãy hỏi và lắng nghe những câu chuyện của bé ở nhà trẻ. Xem bé thích thú với điều gì, còn e ngại điều gì. Sau đó trao đổi trực tiếp với cô giáo. Nên nhờ cô đặc biệt chú ý những ngày đầu đi học của bé. Khi đã quen rồi, bé sẽ thích nghi nhanh hơn.

 

Theo Đạt Nhi

PNVN

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái