Bảo vệ con trước yêu râu xanh

(Dân trí) - Mới nghe đứa con gái kể chuyện người bạn cùng lớp đi học thêm về bị xe ôm quấy rối, chị Ngọc giật mình lo lắng. Bấy lâu mải làm, chị vẫn đôn đốc, quan tâm đến việc học của con nhưng quên dạy chúng những điều cần thiết để tự bảo vệ mình.

Nguy cơ xâm hại

 

Trong cuộc hội thảo “Phòng chống xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em”, ông Nguyễn Hoa Nam, vụ phó vụ trẻ em (Bộ LĐ-TB và XH), cho biết:

 

“Những cuộc điện thoại xin tư vấn về XHTD trẻ em chiếm khá nhiều. Đó là vấn đề rất nóng bỏng”. Các vụ án liên quan đến loại tội phạm XHTD trẻ em đang có chiều hướng gia tăng.

 

Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể bị XHTD, không chỉ bé gái mà cả các bé trai. Chúng ta không thể lường trước được ai là thủ phạm.

 

Như trường hợp em T. (Nam Định) đang là học sinh lớp 9, đi học thêm về muộn qua cánh đồng bị đám thanh niên chặn lại thực hiện hành vi mất tính người. Còn T.L lại bị chính người anh, con riêng của mẹ kế hãm hại lúc cả nhà đi vắng.

 

K., cậu học sinh lớp 8, cũng  từng là nạn nhân của yêu râu xanh. K. chơi game trong một quán ở Lê Thanh Nghị và tình cờ quen anh sinh viên đại học tên M.

 

Anh này tỏ ra nhiệt tình giúp đỡ K. nước trong những trận đấu game, tan học thường rủ K. đi chơi, uống nước, đi bơi và thỉnh thoảng bao tiền game.

 

Quen được vài tuần, M. rủ K. đến nhà chơi rồi mở máy tính cho K.xem một đoạn phim xxx đồng giới. K. xấu hổ đòi về, nào ngờ bị M.ôm chầm lấy đòi thực hiện hành vi quấy rối.

 

K. hoảng sợ, sau lần ấy tìm cách trốn gặp, nhưng ngày nào cũng bị M. la cà đứng đợi trước cổng trường.

 

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em bị XHTD không chỉ ảnh hưởng thể chất mà còn mang nặng nỗi đau tinh thần.

 

Nhiều nạn nhân do quá lo sợ không dám nói chuyện với người lớn mà âm thầm chịu đựng. Có em hoảng loạn, thường gặp ác mộng, trở nên hung hãn, muốn trả thù, mất lòng tin, mắc các rối loại tâm lý như coi thường bản thân, sống thu mình. Nguy hiểm hơn, có trường hợp đã tự tử.

 

Cha mẹ cần làm gì?

 

Trò chuyện, lắng nghe nhiều hơn

 

... để biết những tâm tư của trẻ. Thường xuyên gần gũi, phát hiện kịp thời những thay đổi lạ của con và có biện pháp can thiệp. Hãy cho trẻ hiểu rằng cha mẹ là người bạn đáng tin cậy có thể chia sẻ được.

 

Quan tâm đến các mối quan hệ của con

 

Nắm rõ thời gian biểu của con để biết con đang đi đâu, làm gì. Nếu cha mẹ có điều kiện thì thường xuyên đón con, tránh để con đi một mình trên đường vắng.

 

Trang bị kiến thức tự phòng vệ

 

Không cho bất cứ ai, dù lạ hay quen, chạm vào cơ thể nếu chưa có sự cho phép của bố mẹ.

 

Căn dặn con tuyệt đối không để ai động vào chỗ kín, không nhận bất cứ thứ gì của ai. Đi đâu chơi phải xin phép, đi với bạn, không đi một mình trên đường và chỗ vắng người.

 

Ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, người thân, trong trường hợp cần thiết có thể liên lạc được. 

 

Khi trẻ bị xâm hại

 

Nếu cha mẹ thấy những dấu hiệu lạ ở con, cần bình tĩnh dò hỏi, xem xét tình trạng của trẻ. Tránh dồn dập, hay trách móc khiến trẻ hoảng sợ. Đưa trẻ đến bác sĩ khám, theo dõi sức khỏe. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan công an để tìm ra thủ phạm.

 

Điều trị tâm lý cho trẻ rất quan trọng. Hãy nói cho con biết rằng con không có tội. Không nhắc lại chuyện đã xảy ra, không để trẻ gặp lại những hình ảnh đã in đậm trong đầu như nơi từng bị quấy rối, quần áo hay những đồ dùng khi đó.

 

Khuyến khích con nói ra để giải tỏa mọi dằn vặt. Gần gũi, động viên và hướng con hòa nhập cuộc sống. Nói với con còn nhiều thứ rất đẹp đang diễn ra xung quanh. Bạn cũng có thể nhờ các chuyên gia tư vấn tâm lý nói chuyện với con mình.

 

Khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra, hãy gọi điện tới đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí 18001567.

 

Đây là dịch vụ công Bộ Lao động Thương binh Xã hội cung cấp cho mọi trẻ em trên toàn quốc. 

D. K