Bài dự thi cuộc thi viết "Mùa hè của tôi"

Bánh ngọt Sô cô la đồng quê

(Dân trí) - Thằng cu Tí mải khoe con diều của nó bay cao hơn tôi nên dẫm phải chiếc bánh ngọt sôcôla đồng quê. Bà con cô bác đi đường phải phá lên cười. Bà cũng mỉm cười thật tươi nhìn thằng cháu đang khóc dở mếu dở.

Bà nheo mắt nhìn chúng tôi khẽ cười âu yếm:

- Thì đi! Nhanh lên không tao cho ở nhà hết bây giờ.

Lũ trẻ chúng tôi nhao nhao chạy vào trong nhà lấy mũ rồi chạy theo bà ra đồng, mặc cho cái nắng chói chang ngày hè đang kêu gào. Tôi cứ nhớ mãi cái ngày ấy, cái ngày mà tụi tôi vẫn chỉ là những chú chim non ríu rít quanh chân bà...

Bà ngoại tôi năm ấy phải sáu mươi rồi. Vào cái tuổi ấy, người ta chưa hẳn là già yếu song cũng không còn khoẻ nữa. Bà vẫn ra đồng làm việc. Bà bảo chúng tôi, đó là cái thú vui tuổi già của bà. Bác trai tôi công tác mãi trên Hà Nội nên cứ hè là bác gái lại nên đó. Chỉ có mình bà ở nhà. Bố mẹ tôi và các bác muốn đón bà lên nhưng bà không chịu. Bà nói bà chỉ yêu cái chốn quê này. Lúc ấy, tôi cũng chẳng hiểu sao, ở đấy buồn tẻ chết đi được. Không hiểu ở đó có cái gì mà bà yêu đến thế. Cái chí nam nhi muốn tìm tòi khám phá trỗi dậy. Trong tôi như có gì giục giã phải đi khám phá mảnh đất ấy. Tôi rủ mấy chị em con bác nữa, xin bố mẹ cho về ở với bà. Ban đầu mẹ tôi chẳng chịu đâu. Từ bé đến giờ đã bao giờ tôi ngủ ở quê đâu. Nghịch như quỷ sứ, mẹ lo bà trông nom chúng tôi mà thêm mệt. Vả lại người nhà quê bẩn lắm, mẹ sợ chúng tôi nhem nhuốc hết cả thôi. May sao bố vẫn làm đồng minh với chúng tôi và mẹ phải nhượng bộ. Ngày mai, ngày mai thôi tôi sẽ được về quê. Tôi chờ đợi cái ngày mai ấy sao lâu quá. Chị nhìn cái mặt tôi háo hức mà cười hóm hỉnh.

Thế mà thoắt cái đã sắp đến ngày về. Tôi không sao nhớ nổi thời gian đã trôi như thế nào mà nhanh thế. Chỉ biết hình như ngày nào cũng là những tràng cười giòn giã. Tôi nhớ mãi cái ngày đầu tuyên bố sẽ ở lại với bà, hình ảnh bà lúc ấy như bây giờ vẫn còn đó, nhìn tôi. Mắt bà hơi nheo lại, miệng nhai trầu bỏm bẻm cười. Tôi sẽ được ở đây, không có sự quản thúc của mẹ, tha hồ mà đập phá. Say trong ý nghĩ ấy, tôi mơ màng trong niềm hạnh phúc lâng lâng. Tôi thấy bà vui lắm. Hình như tôi vừa đem lại hạnh phúc cho người khác – cho bà, một cảm giác thật lạ. Bây giờ nhớ lại không biết nó ra sao nhưng đó vẫn là một cảm giác thật ấn tượng.

Tôi hăng hái lao vào cuộc chơi. Tuy nhiên, lập tức ngay sau đó, tôi lại là một thằng nhát gan nhất. Bây giờ thì tôi hiểu những điều mẹ lo không phải là vô lí.

Mặc cho các anh chị tha hồ chế giễu, tôi vẫn không thích chơi với đám trẻ cùng xóm. Bẩn!

Mặc cho thèm thuồng nhìn anh chị chạy chân trần trên đồng, hay nghịch rạ, tôi không chơi. Bẩn!

Trông tôi đặc như một thằng công tử bột. Mà đúng như thế còn gì. Tôi được nuông chiều, được dạy dỗ cẩn thận từ bé và tôi hiểu điều đó. Ai lại chạy chân đất trên những thửa ruộng nứt nẻ như vậy chứ. Ai lại ngồi dười gốc tre già mà ngủ được nhỉ. Ai lại chui vào đám cây rậm thế kia... Bao nhiêu là hiểm hoạ ẩn chứa trong đó. Bẩn quá nữa.

Hôm đó tôi chẳng dám ăn cơm, bà phải nựng mãi. Hôm ấy như mới ngày hôm qua. Hôm ấy tôi vừa vào lớp năm...

Rồi đến tối được theo bà và anh chị đi bắt đom đóm, rồi bẻ măng tre làm gậy chiến đấu, tôi mới thật sự lột được cái vỏ của mình. Chúng tôi vật nhau ngã cả ra đất, đi chân trần mà chạy cho nhanh. Khi bị phát hiện, mọi người cười trêu tôi. Vì xấu hổ nên tôi cứ nhớ mãi, nhớ rõ từng chi tiết, từng nét mặt. Quả là lạc thú khi được chạy chân trần trên mặt đắt. Tự nhiên thấy tiếc cho những ai chưa bao giờ chạy chân đất đi chơi quá. Lại còn cái trò tắm giữa thiên nhiên nữa mới thật tuyệt chứ, tha hồ mà vui.

Rồi những ngày tiếp đó, ngày nào cũng đầy kỉ niệm. Ngày thì thả diều, ngày thì bắt cào cào châu chấu về rang. Vui đáo để! Bà chỉ ngồi dưới góc tre già dõi theo từng hành động của lũ chúng tôi. Cái miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu, đôi mắt hơi se lại bởi những nếp nhăn. Thằng cu Tí mải khoe con diều của nó bay cao hơn tôi nên dẫm phải chiếc bánh ngọt sôcôla đồng quê (chị em tôi gọi thế cho tế nhị chứ ai cũng biết là cái gì rùi). Bà con cô bác đi đường phải phá lên cười. Bà cũng mỉm cười thật tươi nhìn thằng cháu đang khóc dở mếu dở.

Còn những lần đi bắt cào cào chỉ toàn là vồ ếch hụt. Đến tối, cô bạn hàng xóm lại cho khoai lang luộc nữa chứ. Thơm phưng phức. Nếu ở ngày đầu tôi chạy mất thì giờ đây tôi lại hăng hái ra nhận món quà ấy đầy xúc động. Những con người thật tình cảm. Bạn ấy cũng vui lắm. Hình như hạnh phúc không chỉ là được nhận mà còn là được cho nữa. Những ngày tháng ấy thật tự nhiên, đẹp đẽ. Con người ta (bây giờ thì biết là chỉ chúng tôi thôi) không phải lo toan bất cứ sự gì trên đời, đặc biệt là học hành.

Thời gian trôi thật nhanh. Thấm thoắt đã hết một tháng, đã đến ngày phải về học rùi. Mấy chị em tôi cứ tiếc mãi. Bố bảo tôi đã trưởng thành lên nhiều rồi và mỉm cười mãn nguyện. Vậy sao, chính tôi cũng không nhận ra nữa? Nhưng nhìn mẹ cười vui thế kia thì hẳn là bố nói đúng rồi. Tôi thấy mình oai hơn lũ trẻ cùng xóm chỗ nhà tôi một bậc. Song cũng chính lúc đó tôi lại nhớ ra cái mục đích ban đầu của mình. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao bà yêu cái chốn này đến thế. Một dòng kí ức chạy qua cho tôi nhớ lại những ngày ấy, những ngày vui vẻ mà không có lúc nào là bà không ở bên chúng tôi. Một thoáng buồn lướt nhanh trên gương mặt bà ngoại - người luôn đối xử chân tình, chan hoà với mọi người và đối xử hết sức công bằng giữa đám cháu nội ngoại. Hình như tôi cũng buồn. Cả thằng cu Tí bé xíu cũng chẳng buồn chơi nữa. Chúng tôi lên xe...

“Bà ơi, năm sau con lại về ở với bà nữa nhé”...

Bà mỉm cười thật tươi.
Quỳnh Trang
(Bài dự thi cuộc thi viết "Mùa hè của tôi")