Góc tâm hồn

Bánh khúc của mẹ

(Dân trí) - Mẹ đem thứ gạo nếp thơm lừng trộn đều vào lá khúc băm nhuyễn xanh ngắt. Mẹ miết từng miếng nhỏ khum khum hình bàn tay, đặt đỗ vào trong rồi cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Bữa cơm tối đó, tôi hấp hửng chờ món bánh khúc...

Hồi bé, hễ mẹ bảo sáng nay tranh thủ nhổ cỏ ruộng với mẹ là tôi phụng phịu. Ruộng nhà tôi nằm ven sườn máng Chùa. Con máng nhỏ cắt đôi cánh đồng chi chít những vũng sòng. Mẹ bảo ngày xưa lúc bố mẹ mới lấy nhau, đêm nào, bố mẹ cũng phải gánh cát ở những cái vũng sòng này về tích đó xây nhà. Và cái nhà ngang lúc tôi còn nhỏ là một “chứng tích” hào hùng của bố mẹ.

Cánh đồng mùa đông trụi lốc. Dọc sườn máng, hoa cải dại vàng hanh hao chạy dài mãi. Tổ dế đùn kín đặc. Cả buổi sáng ngoài cánh đồng, tôi chạy loăng quăng hết đổ nước dế lại đào mót khoai lang. Mẹ bảo mãi không được đành lắc đầu cặm cụi rẫy cỏ. Bất chợt, như nhớ ra điều gì, mẹ chống tay lên cán cuốc gọi to: “Nhổ cây khúc đi, chiều về mẹ làm bánh cho mà ăn!”.

Bánh khúc của mẹ
Những buổi sáng sương muối, lá khúc trắng lốp đốp mọc kín cả cánh đồng miền trung du.

Tôi tròn xoe mắt rồi nhảy tâng tâng. Những buổi sáng sương muối, lá khúc trắng lốp đốp kín cả cánh đồng. Lạ thật, giống cây khúc này bạ đâu cũng mọc được, tốt hơn cả cỏ kim. Thân và lá nó nổi đầy lông tơ nhỏ trắng đục. Tôi bỗng nhớ món kẹo cao su của bọn trẻ trâu chúng tôi. Ngày ấy, buổi chiều đi trâu, khi đã đào hết củ lang, mót hết cà chua cuối vụ, cánh đồng chả còn lại gì, thế mà chúng tôi vẫn kiếm được cái ăn. Nhổ thân cây khúc phủi phủi đất, trệu trạo nhai cũng dai dai như kẹo cao su thật.

Thấy mẹ bảo vậy, tôi lựa những cây khúc thân nhỏ nhưng xanh mơn mởn. Lá còn đọng sương đêm. Vì đó là cây khúc nếp. Nếu tham, chọn cậy khúc to mỡ màng, thân hơi xanh phốp pháp thì nhầm khúc tẻ. Khi nấu sẽ không thơm và dẻo như khúc nếp.

Chiều tối, tôi ngồi chồm hỗm xem mẹ băm lá khúc. Hết băm mẹ lại giã. Mồ hôi nhễ nhại, mẹ chẳng bao giờ kêu mỏi. Tôi thấy nhiều lắm mỗi lần mẹ chỉ ăn hai đến hai cái bánh là cùng. Tôi bảo mẹ ăn nữa nhé, mẹ bảo mẹ chán lắm rồi. Thế mà chả mùa nào mẹ quên làm bánh khúc. Mẹ giục tôi đi lấy lá mít. Tôi chạy tắt qua vườn, leo tót qua bờ vây xuống nhà bác Tuấn rồi nhẹ nhàng leo lên cây mít. Tôi phải lén lút như ăn cắp vì sợ anh Điệp biết thế nào tối anh cũng lên chầu chực.

Bánh khúc của mẹ
Bánh khúc của mẹ đã nuôi lớn tuổi thơ tôi...

Mẹ đem thứ gạo nếp thơm lừng trộn đều vào lá khúc băm nhuyễn xanh ngắt. Mẹ miết từng miếng nhỏ khum khum hình bàn tay, đặt đỗ vào trong rồi cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Bữa cơm tối đó, tôi hấp hửng chờ món bánh khúc, và qua loa bát cơm lại chạy xuống ru bếp. Mở vung chõ, giật nắp lá chuối ra. Một mùi thơm hoà trong làn khói nghi ngút. Tôi xuýt xoa cắn ngập răng vào miếng bánh. Chẳng hiểu sao anh Điệp vẫn biết. Anh nhẩy tâng tâng như phi ngựa, hò hét từ cổng. Mẹ mỉm cười còn tôi cố ăn nhanh dù bánh vẫn còn nóng…

Hôm giờ về quê, buổi sáng, mẹ lẳng lặng đi đâu mất. Rồi mẹ về tay cầm một nắm lá khúc úa, khuôn mặt hớn hở: “Giờ người ta phun thuốc diệt cỏ nhiều. Mẹ đi khắp cánh đồng mới nhổ được một nắm. Chiều ở nhà mẹ làm cho mà ăn. Chứ ở ngoài đó chắc thèm lắm!”.

“Ui giời! Mẹ nghỉ ở nhà cho khoẻ. Ngoài đó nghìn một chiếc. Mà giờ còn ai ăn cái thứ bánh ấy nữa, đất cát rồi sinh bệnh ra”.

Mắt mẹ hơi xịu xuống. Lối sống qui ra tiền chốn đồng đất thị thành đã khiến tôi buột miệng như vậy. Tôi đã làm mẹ buồn. Thứ bánh khúc của mẹ đã nuôi lớn tuổi thơ tôi đâu thể tính bằng tiền. Bất chợt, tôi nhớ con máng Chùa mùa này không biết có vàng hoa cải. Tôi nhớ cả dáng chạy khấp khởi của anh Điệp mỗi khi mẹ làm bánh. Ôi! Bánh khúc của mẹ, bánh khúc của tuổi thơ tôi...

 Nguyễn Anh Thế